BVR&MT – Nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng tổ chức thực hiện, thúc đẩy phong trào thi đua theo phương châm “trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân”, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU về nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” trong giai đoạn hiện nay (Đề án số 06). Từ đây, hàng nghìn mô hình “Dân vận khéo” được nhân rộng, lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Cùng với cả nước, từ năm 2009, Bắc Kạn bắt đầu triển khai phong trào “Dân vận khéo” rộng khắp. Tuy nhiên, vì hướng dẫn chung chung, không cụ thể, thiếu kiểm tra, đôn đốc, cho nên từ năm 2009 đến 2016, khi tổng kết, toàn tỉnh chỉ có khoảng 700 mô hình. Trong đó, nhiều mô hình được cho là “gượng ép”, khiên cưỡng, gắn vào phong trào, chứ chưa thực chất. Với quyết tâm đổi mới, năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Đề án số 06. Trong đó, phương châm chủ yếu là các tổ chức, đơn vị, cá nhân phải tham gia vận động, có sự tác động, lan tỏa. Phong trào phải gắn với những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, gồm: xây dựng nông thôn mới, xây dựng lực lượng cốt cán, xây dựng Đảng và xây dựng Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, đoàn thể. Cách làm mới đã tạo chuyển biến rõ nét trong công tác dân vận.
Chúng tôi về thôn Bản Cào, xã Côn Minh, huyện Na Rì để tìm hiểu hiệu quả từ phong trào “Dân vận khéo” nơi đây. Nhờ làm tốt công tác dân vận, người dân ủng hộ, hiến đất, cho nên Bản Cào giờ đã có đường bê-tông khang trang. Trong số các hộ dân tham gia đóng góp phải kể tới hộ ông Hoàng Văn Học. Thấy tuyến đường đi đến khu ruộng của gia đình và một hộ dân khác thì bị vướng, có nguy cơ bị “đứt đoạn” khi đổ bê-tông, ông Học chủ động thương thảo đổi ruộng và bù thêm một số tiền cho hộ có ruộng gần đó để tuyến đường của thôn được nối liền, không bị cắt đoạn. Ông Học còn tự nguyện lấp đi một ao cá diện tích khoảng 300 m2 để phục vụ làm đường. Ông Học cho biết, được tuyên truyền, vận động, hiểu được mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, cho nên bản thân ông thấy cần có trách nhiệm với việc chung của thôn.
Nắm rõ nội dung tinh thần Đề án số 06, các cấp cơ sở ở Bắc Kạn đã triển khai sâu rộng, kịp thời động viên, huy động cán bộ cơ sở tham gia thực hiện phong trào “Dân vận khéo”. Ở xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, từ năm 2015 – 2019, nhân dân trên địa bàn đã hiến hơn 58.000 m2 đất ruộng, vườn và đất rừng để làm đường nông thôn mới. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp nguyên vật liệu, hơn 1.000 công lao động và hơn 80 triệu đồng tiền mặt. Xã Nghĩa Tá cũng đi đầu trong việc bảo vệ môi trường với mô hình “Dân vận khéo về chung tay bảo vệ môi trường”. Trong mỗi buổi vệ sinh, người dân được hướng dẫn phân loại rác, vận động xây dựng bể chứa nước thải chăn nuôi… Công tác bảo vệ môi trường của xã đi vào nền nếp, việc tổng vệ sinh được cố định vào ngày 28 hằng tháng với khoảng hơn 500 người cùng tham gia. Mô hình đã được Huyện ủy Chợ Đồn công nhận là mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu.
Có thể nói, Đề án số 06 đã hình thành nên một lộ trình thực hiện công tác dân vận bài bản. Nhờ đó, cấp huyện khi triển khai giảm hẳn lúng túng. Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Chợ Đồn Triệu Quang Hùng cho biết, huyện xác định việc xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải đa dạng và xuất phát từ tình hình, đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi ích thiết thực, cụ thể cho địa phương, đơn vị và nhân dân. Từ 2017 đến nay, toàn huyện đã có 808 mô hình, trong đó công nhận 179 mô hình cấp huyện; 47 mô hình điển hình; khen thưởng cho 56 tập thể, cá nhân; năm 2020 đề nghị Ban Dân vận Trung ương khen một tập thể.
Để Đề án số 06 được triển khai hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có tính bền vững, sức lan tỏa rộng, thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đảng viên, đoàn viên, hội viên và mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Hội thi “Dân vận khéo” năm 2019 được tổ chức từ cấp huyện đến cấp tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, sinh động các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận; nâng cao kỹ năng khéo làm công tác dân vận, vận động quần chúng; cổ vũ, động viên và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình “Dân vận khéo”.
Chỉ trong ba năm, từ 2017 đến 2020, các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thôn, tổ dân phố đã đăng ký xây dựng 2.707 mô hình “Dân vận khéo” với các nội dung cụ thể, thiết thực, như: Cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nông thôn mới; xây dựng lực lượng cốt cán; xây dựng tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh; vận động cán bộ và nhân dân đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng – an ninh… Qua bình xét, toàn tỉnh có hơn 1.100 mô hình “Dân vận khéo” được các cấp ủy công nhận; trong đó có 274 mô hình điển hình, tiêu biểu.
Qua thực hiện “Dân vận khéo”, người dân tại các địa phương đã tích cực đóng góp tiền mặt, ngày công lao động và hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở đường giao thông nông thôn với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Trên địa bàn tỉnh, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều tấm gương nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Toàn tỉnh đã có 19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, bình quân mỗi xã đạt 12,5 tiêu chí, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đề ra. Toàn tỉnh đã có 655 mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ quan, công sở. Đến năm 2019, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh đạt 85,16%, xếp thứ 32 trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 10 bậc so với năm 2018 và tăng 16 bậc so với năm 2017. Năm 2020, kết quả đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 91,3%, vượt mục tiêu Đề án số 06 đề ra.
Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Kạn Phan Thị Na cho biết, Đề án số 06 đã thay đổi nhận thức về phong trào “Dân vận khéo”, nâng cao hiệu quả công tác dân vận; phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần tạo chuyển biến tích cực nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, một số cấp cơ sở còn lúng túng trong lựa chọn triển khai các mô hình gắn với thực tiễn, chưa kiểm tra, đôn đốc được thường xuyên. Do vậy, thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được của Đề án số 06, đồng thời đề ra thêm mục tiêu mới. Đó là dân vận khéo gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển bền vững du lịch.