BVR&MT – Voi là biểu tượng quốc gia của Thái Lan và cũng được coi là hiện thân cho phẩm chất tối cao của Đức Phật. Tuy nhiên, do sinh cảnh ngày càng bị thuy hẹp nên xung đột voi – người tại Thái Lan ngày càng gia tăng, đặc biệt là gần đây xảy ra một số vụ việc đau lòng khi voi hoang dã tấn công các nhà sư đi khất thực.
Trong thế kỷ qua, số lượng voi ở Thái Lan giảm mạnh từ khoảng 100.000 xuống còn vài nghìn cá thể, và thậm chí những cá thể voi còn lại luôn phải chật vật tồn tại trong sinh cảnh tự nhiên của chúng.
Khi những khu rừng tươi tốt bị chặt phá hoặc ngày càng bị phân mảnh, voi rừng thiếu không gian di chuyển và thức ăn thích hợp. Chúng thường xuyên phải đi vào các khu vực đông dân cư để kiếm thức ăn. Kết quả là các cuộc xung đột giữa voi và người ngày càng gia tăng.
Chuyên gia về voi Pichet Noonto cảnh báo từ năm 2018: “xung đột được phát hiện ở 41 địa điểm có voi hoang dã, tăng từ mức chỉ 20 điểm vào năm 2003”.
Từ năm 2012 đến 2018, có tới 45 người bị voi giết và 30 người bị thương. Dân làng sống gần rừng thuộc khu bảo tồn động vật hoang dã và vườn quốc gia – nơi sinh sống của khoảng 3.500 cá thể voi hoang dã cuối cùng của Thái Lan – có nguy cơ rất cao bị tấn công khi voi kiếm ăn.
Voi cũng có thể bị bạo hành. Trong cùng khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2018, ít nhất hai chục cá thể voi hoang dã, loài cực kỳ nguy cấp ở Thái Lan đã bị giết do dân làng tìm cách xua đuổi chúng không xâm hại mùa màng.
Theo báo chí Thái Lan, “hàng rào điện là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cái chết của voi, chiếm 72% số ca tử vong”. Bẫy và chất độc cũng là thủ phạm quan trọng khiến voi mất mạng, tiếp đó là nguyên nhân tai nạn khi chúng cố băng qua đường từ khu rừng này sang khu rừng khác.
Điều đáng khích lệ là ngày càng có nhiều nông dân sử dụng các phương pháp an toàn hơn để ngăn chặn voi, chẳng hạn như đặt tổ ong xung quanh các thửa đất. Da voi quá dày để bị ong đốt nhưng chúng có những vùng nhạy cảm như đầu thân, miệng và mắt. Một bầy ong có thể khiến voi đau đớn thực sự và chúng biết điều này.
“Những chú voi, được tôn sùng và yêu thích từ lâu đời ở Thái Lan, gần đây đã trở thành một vấn đề. Các khu định cư của con người đang lấn sâu vào sinh cảnh của voi khiến các quần thể hoang dã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xâm lấn trở lại lãnh thổ của con người”, IUCN giải thích.
Thế Anh (Theo Sustainability Times)