BVR&MT – Ngày 5/12, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai ban hành Công điện số 38 gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông… về việc ứng phó rét đậm, rét hại.
Theo đó yêu cầu, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ở các khu vực nêu trên thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng, chống. Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi, cây trồng.
Bộ NN và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về việc thực hiện công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện và diễn biến thời tiết. Bộ Y tế hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, giữ gìn sức khỏe, tránh nguy cơ nhiễm độc khí khi đốt than, củi để sưởi; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm cơ số thuốc chữa bệnh cần thiết, tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo việc theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, tăng các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai…
* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, ngày 6/12, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến khoảng 11 đến 14°C, vùng núi 7 đến 10oC, vùng núi cao dưới 5°C. Ở vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá và sương muối. Tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa, mưa rào rải rác.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh cho nên ngày 6/12, ở khu vực bắc Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 4 đến 6 m. Khu vực giữa và vùng biển phía tây của nam Biển Ðông, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 đến 5 m. Ở khu vực giữa và nam Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
* Sở NN và PTNT Hà Nội vừa đề nghị các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi triển khai các biện pháp sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện. Theo đó, các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết lấy nước, tập trung hoàn thành cơ bản kế hoạch đưa nước lên ruộng phục vụ đổ ải sau khi kết thúc lấy nước đợt 2; không để phát sinh yêu cầu xả nước từ các hồ chứa thủy điện ngoài ba đợt lấy nước. Các doanh nghiệp thủy lợi cần tranh thủ các kỳ triều cường và các nguồn nước sẵn có khác để chủ động vận hành trạm bơm lấy nước phục vụ đổ ải…
* UBND huyện Ða Krông (Quảng Trị) cho biết, đang tập trung xử lý môi trường sau mưa lũ, huy động mọi lực lượng, phương tiện để thực hiện san ủi mặt bằng, khôi phục diện tích đất trồng lúa, hoa màu bị bồi lấp do mưa lũ, bảo đảm sản xuất vụ đông xuân 2020 – 2021. Ðối với diện tích 156,6 ha đất trồng lúa bị bồi lấp, huyện thực hiện phương án chuyển đổi diện tích 21,8 ha đất trồng lúa bị bồi lấp nặng (không thể khôi phục để trồng lúa trở lại) sang trồng các loại cây trồng khác như ngô, lạc, đậu xanh…; số diện tích đất trồng lúa còn lại sẽ cố gắng khôi phục. Ðối với diện tích 528,2 ha đất trồng hoa màu bị bồi lấp, huyện hỗ trợ người dân vôi nông nghiệp, các chế phẩm sinh học để xử lý, cải tạo đất sản xuất bị bồi lấp sau mưa lũ; động viên người dân tranh thủ thời tiết nắng ráo để tiến hành cày lật đất, bón vôi, phân chuồng… cải tạo, phục hồi đất sản xuất.
Khẩn trương cứu hộ tàu chở 2.250 tấn xi-măng bị bục nước Khoảng 5 giờ ngày 5/12, trong lúc đang neo đậu để tránh trú gió ở khu vực đảo Cù Lao Chàm, thuộc xã Tân Hiệp, TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), các thuyền viên của tàu chở hàng Hải Hà 28 phát hiện khoang máy bị bục nước tràn vào, tàu có nguy cơ bị chìm. Phát hiện sự cố, thuyền trưởng Lương Quang Vinh và các thuyền viên nhanh chóng báo cho lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam biết đến ứng cứu. Ngay sau đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã huy động lực lượng Ðồn Biên phòng đảo Cù Lao Chàm cùng các ngư dân đang đánh bắt gần tàu gặp nạn đến ứng cứu. 30 phút sau khi phát hiện, lực lượng cứu hộ cùng các ngư dân đã cứu được toàn bộ 10 người trên tàu Hải Hà 28 vào đảo Cù Lao Chàm an toàn. Tuy nhiên, hơn 2.250 tấn xi-măng tàu chở từ TP Hải Phòng đi Chu Lai (Quảng Nam) đã bị chìm, thiệt hại hàng tỷ đồng. Trên tàu còn có 5.000 lít dầu D.O chứa trong các thùng đã khóa van, nên Ðồn Biên phòng Cù Lao Chàm đang tập trung quan sát, kịp thời phát hiện tình trạng dầu loang để triển khai các phương án ứng phó. |