BVR&MT – Từ nay đến hết năm 2020, nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa diễn ra trên cả nước.
Thiết thực chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), từ ngày 19 đến ngày 23/11, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Du lịch qua các miền Di sản văn hóa Việt Nam năm 2020”, tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, di sản văn hóa Việt Nam.
Triển lãm giới thiệu các khu trưng bày về văn hóa, danh lam thắng cảnh, những điểm đến được du khách yêu thích theo từng chủ đề, như: Cánh diều di sản, Di sản văn hóa nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam; du lịch Di sản văn hóa Hà Nội; khám phá sắc màu Di sản văn hóa thành phố Hồ Chí Minh; văn hóa tộc người X’tiêng và di tích thắng cảnh tiêu biểu của Bình Phước; Di sản văn hóa và du lịch biển đảo Kiên Giang; Đắk Lắk – Điểm đến của cà phê thế giới; không gian Di sản văn hóa xứ Thanh; du lịch qua các miền Di sản văn hóa Khánh Hòa; du lịch Di sản văn hóa Điện Biên; gốm phù điêu Hải Phòng; du lịch Di sản văn hóa Hà Giang; quảng bá xúc tiến du lịch Bắc Kạn…
Ngoài ra, còn có khu trưng bày ảnh về các lễ hội tiêu biểu của Việt Nam được giới thiệu theo nhóm các dân tộc, các vùng miền văn hóa của đất nước; triển lãm ảnh “Thiên nhiên Việt Nam” trưng bày hình ảnh tiêu biểu về rừng tự nhiên, hang động, thực vật, động vật…
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu học sinh, sinh viên với chủ đề “Tuổi trẻ với Di sản văn hóa dân tộc”; lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và tọa đàm “Sản xuất bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm làng nghề Việt Nam trên thị trường quốc tế”…
Từ ngày 20/11 đến ngày 15/12, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị và cá nhân tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa mang tên “Ký ức Thăng Long”.
Các nội dung của chuỗi hoạt động gồm: Hội thảo “Trang phục áo dài truyền thống: Vấn đề bảo tồn và phát triển trong bối cảnh xã hội đương đại” vào ngày 21/11, là diễn đàn để các nhà khoa học, các nghệ nhân trao đổi về vấn đề bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống của Việt Nam trong bối cảnh xã hội hiện nay, giúp mọi người tìm hiểu về giá trị thẩm mỹ, văn hóa của áo dài truyền thống.
Triển lãm “Việt Thiền Thi – Ngàn năm văn vật” được tổ chức từ ngày 21/11 đến ngày 15/12, giới thiệu cuốn sách thơ thiền đời Lý – Trần, bộ ảnh minh họa in trên giấy dó của nhà văn Nguyễn Duy và trưng bày những hiện vật tiêu bản – chất liệu như gốm, sành, đất trang trí theo lối dân gian với kỹ năng của các nghề truyền thống như sơn, thếp, giấy, mây tre đan, nặn tượng dân gian…
Ngày 21/11, chương trình trình diễn âm nhạc truyền thống “Việt Thiền âm” cũng diễn ra dựa trên lời thơ Thiền Việt với âm sắc của tiếng Việt hôm nay trong âm điệu của nhiều bộ môn ca nhạc truyền thống: tuồng, chèo, xẩm… Ngoài ra, chuỗi hoạt động còn giới thiệu văn hóa trà “San Tuyết cổ thụ Tây Côn Lĩnh Hà Giang – Hội nhập và phát triển” từ ngày 20 – 29/11; biểu diễn ca trù của Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội vào tối 20/11 tại đình Kim Ngân, phố Hàng Bạc, Hà Nội.
Theo Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, điểm nhấn của chuỗi hoạt động là chương trình khai mạc giới thiệu và trình diễn thời trang “Chuyện phố” diễn ra vào 19 giờ 30 phút ngày 22/11. Qua trang phục áo dài truyền thống của nghệ nhân Năm Tuyền và bộ sưu tập thời trang của nữ họa sĩ Trần Thu, người xem sẽ được “nghe” câu chuyện về Thăng Long – Hà Nội bình yên, hào hoa, thanh lịch và giàu bản sắc nhưng cũng vô cùng năng động, sáng tạo và hiện đại.
Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam diễn ra từ ngày 24-29/11 tại thành phố Gia Nghĩa và một số điểm danh lam, thắng cảnh, du lịch, điểm di sản văn hóa ở Đắk Nông. Đây là một hoạt động văn hóa – du lịch đa dạng và phong phú nhằm quảng bá, giới thiệu, khắc họa đậm nét dấu ấn văn hóa – du lịch trong lòng du khách.
Lễ hội cũng tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm cải tiến, nâng cao hiệu quả nghề dệt thổ cẩm. Đặc biệt, đây cũng là dịp để tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm thổ cẩm, định hướng để thổ cẩm phát triển thành làng nghề, tăng thu nhập cho người dân và hướng đến tạo sản phẩm du lịch thương hiệu cho thổ cẩm Đắk Nông…
Theo Ban Tổ chức: Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ II năm 2020 tại tỉnh Đắk Nông được tổ chức với quy mô toàn quốc. Lễ hội có sự tham gia của các đoàn nghệ nhân, diễn viên các nước: Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc đang sinh sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Có 14 tỉnh, thành phố gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Kom Tum, Đắk Lắk, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang và chủ nhà Đắk Nông tham gia các hoạt động trong lễ hội.
Khai mạc Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam lần thứ II/2020 sẽ diễn ra tối 24/11, lồng ghép với lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Bên cạnh đó là Triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm; thực nghiệm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam; trình diễn “Fashion show – Thổ cẩm”; Hội nghị quảng bá và kêu gọi đầu tư du lịch năm 2020. Ngoài ra, trong chuỗi hoạt động còn có vòng bán kết và chung kết Cuộc thi Hoa khôi du lịch Việt Nam 2020; Lễ hội ánh sáng và khinh khí cầu; hoạt động từ thiện tại một số huyện trên địa bàn tỉnh…
Trong tháng 11, công trình Bảo tàng Hoa Cương ở thôn Chân Thành, xã Bình An, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh được khánh thành, chính thức đưa vào hoạt động.
Bảo tàng Hoa Cương được xây dựng từ năm 2017, trên diện tích rộng 1.500 m2, do Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương – Giảng viên Trường đại học Quy Nhơn cùng vợ là bà Trần Thị Nguyệt làm chủ. Bảo tàng hiện có 4.000 hiện vật và 3.700 đầu sách, bút tích quý hiếm, được trình bày theo 13 chủ đề mang tính chất tổng hợp thiên về nông nghiệp, nông thôn. Hiện vật cổ xưa nhất là khối mộc hóa thạch 300 triệu năm và bộ dụng cụ bằng đá thời tiền sử có niên đại trên 4.000 năm.
Ngoài ra, còn có hàng ngàn hiện vật cổ xưa có từ thời Lý, Trần, Lê. Những hiện vật còn lại có trong bảo tàng chủ yếu từ thời nhà Nguyễn, thời chiến tranh và thời bao cấp sau này. Đặc biệt, bảo tàng còn trưng bày các ngư cụ truyền thống, biểu tượng Hoàng Sa, Trường Sa…
Với hàng ngàn hiện vật quý hiếm, Bảo tàng Hoa Cương sẽ trở thành nơi trưng bày, phục hồi những giá trị văn hóa truyền thống, là nơi phục vụ học tập, tham quan du lịch trải nghiệm cho nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.