BVR&MT – Khu vực rừng tự nhiên giáp ranh giữa hai xã Đức Vân và Thượng Quan, thuộc huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đang xảy ra tình trạng phá rừng tự nhiên nghiêm trọng trong khoảng hai tháng gần đây. Để phục vụ cho việc khai thác và vận chuyển gỗ trái phép dễ dàng hơn, nhóm lâm tặc đã ngang nhiên mở một tuyến đường xuyên qua rừng vào rừng tự nhiên, rừng sản xuất thuộc các thôn Ma Nòn (Thượng Quan) và Phiêng Dượng (Đức Vân).
Theo ghi nhận của phóng viên, đi theo con đường lâm tặc mở có chiều dài hơn 2,4km, một khung cảnh tan hoang hiện ra trước mắt, cả một cánh rừng tự nhiên nay chỉ còn những gốc cây trơ trọi, hàng trăm m3 gỗ đã bị khai thác, chuyển ra khỏi rừng trong một khoảng thời gian dài.
Con đường mới mở xuyên qua rừng với chiều rộng mặt đường khoảng 3m, để thuận tiện cho các phương tiện chở gỗ, nhiều khúc cua đường còn được mở rộng đến trên 6m, có đoạn ta-luy dương được đào cao tới khoảng 6m, phía dưới là đất, đá do máy xúc đào hất xuống, nhiều đoạn đường bị sạt lở.
Những vết bánh xe ô tô vẫn còn hằn sâu vào lòng đất, dọc đường đi có rất nhiều khúc gỗ lớn nhỏ mà “lâm tặc” vứt lại hoặc chưa kịp chở ra khỏi rừng vẫn đang nằm ngổn ngang. Rất nhiều gốc cây lâu năm đã bị chặt hạ có đường kính hơn 80cm.
Được biết ngày 13/10/2020, cán bộ Lâm trường Ngân Sơn đi tuần tra và phát hiện vụ việc mở đường vào khu vực rừng tự nhiên do đơn vị quản lý. Sau đó, báo cáo với lãnh đạo Lâm trường và đơn vị đã tiến hành lập biên bản hiện trường đồng thời báo cáo với UBND huyện và Hạt Kiểm lâm Ngân Sơn để phối hợp xác minh giải quyết.
Đến ngày 21/10/2020, các cơ quan chuyên môn và UBND hai xã Đức Vân, Thượng Quan tiến hành kiểm tra, xác minh sự việc.
Qua xác minh, việc san ủi, mở đường qua đất rừng thuộc thôn Ma Nòn, xã Thượng Quan và thôn Phiêng Dượng, xã Đức Vân với tổng chiều dài hơn 2,4km, đường đã được mở rộng 3m, tương ứng diện tích đã san ủi hơn 7.367m2.
Trong đó, đoạn đường đi qua thôn Ma Nòn có hơn 366m đi qua diện tích hơn 1.100m2 rừng sản xuất, thuộc lô 5, khoảnh 1, tiểu khu 134; hơn 228m đi qua diện tích hơn 685m2 rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng, thuộc rừng sản xuất, thuộc lô 5, khoảnh 2, tiểu khu 135; hơn 443m đi qua diện tích hơn 1.077m2 thuộc lô 3, khoảnh 2, tiểu khu 135; Đoạn đi qua thôn Phiêng Dượng có hơn 77m đi qua diện tích hơn 223m2, thuộc lô 17, tiểu khu 124; hơn 937m đi qua diện tích hơn 2.812m2, thuộc lô 18, khoảnh 11, tiểu khu 124 và 407m đi qua diện tích hơn 1.221m2, thuộc lô 59, khoảnh 10, tiểu khu 124.
Qua kiểm tra cho thấy, dọc tuyến đường san ủi gỗ rừng tự nhiên đã bị chặt hạ với số lượng 367 cây gỗ nhóm IV đến nhóm VIII, số lượng gỗ còn lại tại hiện trường còn hơn 72,7m3. Do một số thân cây, gốc cây bị vùi lấp trong quá trình san ủi và phần gỗ đã vận chuyển ra khỏi rừng chưa thể xác định được khối lượng.
Ông Hoàng Văn Phấn – Giám đốc Lâm trường Ngân Sơn xác nhận, đây là sự việc phá hoại rừng có quy mô lớn.
Ông Phấn cho biết: “Ngoài việc thiệt hại về rừng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Khi có đường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu lợi dụng khai thác tiếp phần gỗ còn lại tại khu vực nói trên. Phía lâm trường mong muốn cơ quan chức năng của huyện sớm vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ đối tượng mở đường phá rừng này là những ai để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.”
Chia sẻ với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, bà Chu Thị Huyền – Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết: “Cơ quan chức năng huyện và hai xã Đức Vân, Thượng Quan đang khẩn trương điều tra xác minh làm rõ đối tượng vi phạm, quan điểm của huyện là phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, do không biết ai là người phá nên phải kiểm tra tận gốc để phát hiện và xử lý đúng người, đúng tội.”
Theo Hạt Kiểm lâm Ngân Sơn, việc san ủi, mở đường qua rừng tự nhiên là hành vi phá rừng trái pháp luật; chặt hạ cây gỗ là hành vi khai thác rừng trái pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin…
Hoàng Tôn