BVR&MT – Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tổng diện tích rừng của Việt Nam hiện nay là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha, hệ số che phủ đạt 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%).
Ngày 3/11, phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm 1990 Việt nam chỉ có 9 triệu ha rừng, hệ số che phủ lúc đó chỉ đạt 27%. Sau 30 năm quyết tâm xây dựng nền kinh tế bền vững, phát triển rừng là trọng yếu để bảo vệ môi trường, đến nay Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha, hệ số che phủ đạt 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%).
“Đây là sự cố gắng vượt bậc của nhân dân và hệ thống chúng ta. Chính vì thế, về nguyên liệu trong 4,3 triệu ha rừng, chúng ta đã sản xuất nguyên liệu 30 triệu m3 để xây dựng một ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp, 4.600 doanh nghiệp chế biến, năm nay chúng ta có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD tiền lâm sản. Đây là một cố gắng ở vùng nguyên liệu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đối với rừng tự nhiên thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn có chính sách để bà con giữ hơn 1 triệu ha rừng và có chế độ ngày càng được tăng lên.
“Trước đây, chúng ta 50.000 đồng/ha khoán khoanh nuôi bảo vệ. Bây giờ nâng lên 250.000 đồng, nhưng Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải nâng lên 1 triệu thì mới bảo đảm từng bước một cho chất lượng, khu vực 10,3 triệu hecta khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên chúng ta phát triển, cùng với đó là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng”, Bộ trưởng dẫn số liệu cho biết.
Về nguồn thu từ rừng, theo Bộ trưởng, mỗi năm xã hội hóa thu được 3.000 tỷ đồng. Ngày 20-10-2020, Việt Nam chính thức ký với đối tác về carbon của thế giới, bán được 10 triệu m3 CO2, với giá bán 1 m3 là 5 USD.
“Thế giới thừa nhận, Việt Nam tham gia sự phát triển bền vững và nếu được chỗ này chúng ta được hơn 1.000 tỷ nữa của sáu tỉnh miền trung”, Bộ trưởng cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong 30 năm phát triển (Việt Nam từ nước thu nhập thấp năm 1990 trở thành nước có thu nhập trung bình như hiện nay) rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì thời gian quá ngắn.
“Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đế quốc Mỹ đã rải 77 triệu lít thuốc hóa học hủy hoại 2 triệu ha rừng của miền trung thì bây giờ phục hồi phải từng bước, kể cả rừng tự nhiên cũng phải từng bước thì mới đạt hệ số che phủ theo kiến tạo như ngày xưa của tự nhiên”, Bộ trưởng nói.
Những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, làm tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 39,7% năm 2011 lên 42% năm 2020. Chính sách giao đất, giao rừng sản xuất cho hộ gia đình, doanh nghiệp là giải pháp mang tính đột phá cho việc chăm lo giữ rừng, trồng rừng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy việc lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế – xã hội gắn với phát triển ngành lâm nghiệp chưa rõ nét. Một số chỉ tiêu về trồng rừng, phân tán rừng phòng hộ chưa đạt kế hoạch. Việc giữ rừng tự nhiên ở một số khu vực chưa hiệu quả. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, chỉ trong 5 năm 2012-2017 diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là 11%, và 89% còn lại là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế. Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) |