BVR&MT – Huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) có 19 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với lợi thế toàn huyện có trên 78 nghìn ha đất tự nhiên, trong đó diện tích đất lâm nghiệp trên 45 nghìn ha, chiếm trên 57% diện tích đất tự nhiên… UBND huyện Sơn Dương luôn xác định thực hiện công tác tuyên truyền tốt công tác dân tộc và các chính sách dân tộc để giúp đồng bào phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống, đoàn kết các dân tộc một lòng vững tin theo Đảng, Nhà nước.
Trong công tác giảm nghèo đạt kết quả như sau: mỗi năm giảm được 3,5% hộ nghèo trở lên theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt 3,68%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 chiếm trên 25%, giảm xuống còn 6,66% vào cuối năm 2020. Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tính hết năm 2019, huyện Sơn Dương đã tổ chức được 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho người uy tín, cán bộ xã kiêm nghiệm công tác dân tộc, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất ở ngoài tỉnh cho nguời uy tín.
Trong những năm qua có trên 26 nghìn lao động được giải quyết việc làm, tỷ lệ hộ nghèo còn 13%, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn cao chiếm 61,18%. Dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh là Dao, Sán Dìu, Nùng. Đóng góp tích cực vào công tác giảm nghèo Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Dương lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra: phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.780 tỷ đồng. Huyện Sơn Dương xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp hiệu quả, bền vững là hướng phát triển kinh tế quan trọng, có tính chiến lược. Huyện tập trung nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao năng suất, giá trị kinh tế từ rừng và thu nhập cho người trồng rừng.
Cụ thể, theo Hạt kiểm lâm huyện Sơn Dương, tính riêng năm 2020, trên địa bàn huyện đã tổ chức 24 lượt tuyên truyền phổ biến kiến thức tới đồng bào về Luật lâm nghiệp, công tác bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp trên hệ thống loa truyền thanh, thu hút 52.500 người nghe, ký cam kết 594 đại diện hộ gia đình; lũy kế, tổ chức 134 hội nghị, lượt phát thanh, thu hút hơn 201.000 lượt người tham gia, ký cam kết bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng với 3.059 đại diện hộ gia đình, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, trại nuôi nhốt động vật hoang dã.
Đến nay, đã hoàn thành cấp chứng chỉ rừng FSC tại xã Cấp Tiến và Tú Thịnh với diện tích trên 1 nghìn 894 ha. Huyện đang rà soát để cấp chứng chỉ rừng thêm hơn 2.959 ha rừng cho 3 xã Hợp Thành, Minh Thanh và Lương Thiện. Sau khi được cấp chứng chỉ rừng FSC giá trị gỗ rừng trồng của nhân dân tăng thêm từ 12-15%.
Như vậy có thể thấy, huyện Sơn Dương đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sống dựa vào rừng tích cực tham gia trồng rừng trên những diện tích đất lâm nghiệp; phổ biến kiến thức về Chương trình mục tiêu quốc gia, kiện toàn ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển lâm nghiệp bền vững tại cấp xã, thị trấn; Xây dựng thành công các mô hình diện tích rừng đủ tiêu chuẩn FSC. Đây cũng là một trong những tiền đề quan trọng, động lực để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào.
Văn Trì