Kế hoạch táo bạo cứu báo châu Phi

BVR&MT – Một trong những cách tiếp cận nhằm bảo tồn loài mèo lớn của châu Phi là không giới hạn chúng trong các khu bảo tồn thiên nhiên sẵn có mà điều chỉnh thế giới của chúng ta sao cho phù hợp với động vật.

Báo hoa mai nổi tiếng khó theo dõi nhưng ở trong Khu bảo tồn tư nhân Sabi Sands nằm rìa VQG Kruger ở Nam Phi, những cá thể mèo lớn này lại rất dạn người, chúng thường đi dạo một cách thờ ơ qua các phương tiện đi lại của khách du lịch mà không mấy quan tâm đến tiếng máy ảnh đang bấm liên hồi.

Mặc dù sự hiện diện của chúng ở Sabi Sands có thể gợi cho du khách một cuộc sống yên bình nhưng quần thể báo của Nam Phi thực tế đang phải đối mặt với một tương lai bất định. Ở một đất nước mà các khu bảo tồn và vườn quốc gia nằm lọt thỏm giữa các trang trại, tứ phía bị bao vây bởi đường xá và khu đô thị, báo bị dồn vào các khu vực ngày càng nhỏ hơn. Hệ lụy là một số quần thể (như một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra) giao phối cận huyết – tình trạng có thể gây hậu quả thảm khốc về lâu dài, ảnh hưởng đến khả năng chống chọi với bệnh tật và các biến cố khí hậu của mèo như hạn hán, và thậm chí dẫn đến tuyệt chủng cục bộ.

Vincent Naude, tác giả chính của nghiên cứu và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Cape Town cho biết: “Bạn đang nhìn vào toàn những thứ cần từ 70 đến 100 năm để phục hồi bất kỳ loại đa dạng nào”.

Trong bối cảnh phát triển toàn cầu, làm cách nào giới bảo tồn bảo vệ được những loài như báo hoa mai vốn cần không gian để di chuyển nhưng ngày càng gặp nhiều rào cản, từ đường xá đông đúc đến xung đột với nông dân?

Trong nghiên cứu gần đây, nhóm của Naude đề xuất xây dựng các hành lang động vật hoang dã kết nối các khu bảo tồn với nhau như một giải pháp khả thi để khuyến khích dòng gen. Hành lang động vật hoang dã – là những vùng đất động vật có thể tản đi hoặc di cư một cách an toàn – có thể ở dạng các dải đất chưa phát triển hoặc đường hầm cho phép động vật băng qua những con đường đông đúc nhưng về bản chất là kết nối những quần thể bị chia cắt.

Nghiên cứu của Naude chứng minh điều gì sẽ xảy ra khi thiếu những kết nối thiết yếu này.

Nhóm nghiên cứu 2 quần thể báo hoa mai ở Nam Phi: một ở Sabi Sands và một ở Khu phức hợp rừng Phinda-Mkhuze thuộc tỉnh miền đông KwaZulu-Natal. Quần thể thứ 2 hiện đang phục hồi sau nhiều năm bị khai thác quá mức (do săn trộm hoặc xung đột trả đũa từng khiến một nửa số báo chết). Mặc dù hiện tại loài đang phục hồi nhưng “toàn bộ quần thể có liên quan với nhau nhiều hơn những gì bạn mong đợi một cách ngẫu nhiên”, Naude nói.

Có nhiều lý do giải thích hiện tượng trên. Thứ nhất, thiếu đất cho động vật đi lại an toàn mà không gây xung đột với con người. Báo đực có phạm vi sinh sống tới 322 km tính từ nơi được sinh ra. Naude cho biết di chuyển xa như thế sẽ làm giảm giao phối cận huyết, không có bằng chứng cho thấy báo hoa mai có quan hệ họ hàng.

Thứ hai, những mối đe dọa như săn báo để lấy da, làm thuốc hoặc săn bắn lấy chiến lợi phẩm thiếu kiểm soát… thường nhắm vào những cá thể đực lớn hơn, do đó đẩy những con đực non ra khỏi khu vực. Không có sự cạnh tranh đó, những con đực non sống quanh quẩn nơi được sinh ra và rồi giao phối cận huyết với họ hàng.

Đa dạng di truyền cải thiện sức khỏe tổng thể và khả năng phục hồi, giúp các loài sống sót trước các hiện tượng như hạn hán cực đoan hoặc bùng phát dịch bệnh. Naude giải thích: nếu một quần thể trở nên quá nhỏ sẽ sa vào cái được gọi là “vòng xoáy trầm cảm” khởi đầu cho suy thoái di truyền trong quần thể. “Không nhất thiết phải là biến đổi hình thể hoặc giảm chất lượng sinh sản. Quần thể có xu hướng tự sụp đổ”. Do mật độ báo hoa mai ở mức rất thấp nên không cần nhiều thời gian để chúng đi từ vòng xoáy trầm cảm đến khởi đầu quá trình tuyệt chủng (còn được gọi là “vòng xoáy tuyệt chủng”).

Các động vật ăn thịt khác ở Nam Phi như sư tử, chó hoang, báo gêpa… được giới bảo tồn quản lý, chỉ di chuyển xung quanh các khu bảo tồn và thường đến các nước khác để hỗ trợ tái hình hành quần thể hoặc đa dạng di truyền. Nhưng báo hoa mai là một thách thức độc nhất vô nhị: không giống như những loài săn mồi đỉnh cao khác ở Nam Phi, 62% phạm vi sinh sống đã biết của chúng nằm ngoài các khu bảo tồn.

Báo hoa mai Cape ở các tỉnh Tây và Đông Cape của Nam Phi có lẽ là loài khó bảo vệ nhất. Giám đốc điều hành Cape Leopard Trust Helen Turnbull cho biết: “Chúng có kích thước cơ thể bằng một nửa báo hoang mạc, nhưng lãnh thổ lớn gấp 10 lần”. Không có dữ liệu nào cho thấy báo hoa mai Cape là một phân loài – có khả năng chúng chỉ thích nghi với chế độ ăn với những con mồi nhỏ hơn, phân bố thưa thớt hơn. “Một cá thể báo [Cape] đực có thể cần tới lãnh thổ 1.000 km, trong khi báo hoang mạc sẽ chỉ là 10 km”.

Nam Phi hiện đang thiếu hành lang động vật hoang dã cho những cá thể mèo lớn sống đơn độc. Nhưng câu trả lời có thể đến từ Ấn Độ – nơi các nhà nghiên cứu đưa ra được nhiều bằng chứng về cách thức và lý do vì sao hành lang có hiệu quả.

Hành lang động vật ở Ấn Độ

Trishna Dutta – nhà khoa học thuộc Đại học Goettingen ở Đức nghiên cứu các hành lang động vật hoang dã giữa bốn khu bảo tồn ở miền trung Ấn Độ, tập trung vào hổ, báo và gấu lợn từ năm 2008. Mục đích chỉ đơn giản là đánh giá tác dụng của các hành lang này. Dutta cho rằng cảnh quan “bị phân mảnh” quá mức với nhiều con đường và làng mạc cắt qua nên nhóm của cô không mong đợi tìm thấy nhiều động vật di chuyển dọc theo hành lang và nhất là việc sinh sản để mở rộng nguồn gen.

“Những gì chúng tôi phát hiện là những hành lang này thực sự chứng minh được tác dụng cho cả ba loài. Thay vì bốn quần thể di truyền, chúng tôi tìm thấy hai. Và hai quần thể này được nối với nhau bằng các hành lang”.

Các hành lang ở miền trung Ấn Độ không phải là những vùng hoang dã nguyên sinh mà trước đây là những khu vực rừng rậm dần dần được con người chuyển đổi mục đích sử dụng. Một trong những phát hiện tích cực của Dutta là ngay cả một hành lang bị phân mảnh cũng có thể rất hiệu quả.

Naude đồng ý rằng hành lang không cần rộng quá: “Thành thật mà nói, bạn chỉ cần tạo ra một không gian an toàn hợp lý, có đủ con mồi cho [báo hoa mai] di chuyển qua. Một hành lang (dù cho kém chất lượng) cũng có vai trò quan trọng giúp một loài có thể thích nghi”.

Cơ sở hạ tầng cho động vật hoang dã

Ngoài chừa lại một số dải đất giữa các khu bảo tồn hoặc các vùng hoang dã, có những cách tiếp cận nào khác để cung cấp hành lang cho động vật hoang dã?

Một phương pháp là áp dụng cách tiếp cận toàn cảnh, chẳng hạn như Hành lang Sinh học Trung Mỹ kết nối một loạt các hành lang được bảo vệ từ miền nam Mexico đến Panama. Ý tưởng này hình thành vào khoảng năm 1990 và được chính thức công nhận vào năm 1997. Nhưng gần đây hiệu quả của nó bị đặt dấu hỏi, phần lớn do truyền thông kém và các khu bảo tồn bị chia cắt.

Phương pháp khác là thực hiện cách tiếp cận cục bộ: Trong nhiều trường hợp, một đường hầm hoặc cây cầu là tất cả những gì cần thiết để tái kết nối hệ sinh thái. Ví dụ, đường cao tốc bốn làn xe Liên Canada chạy qua VQG Banff là mối nguy hiểm đối với các loài động vật như gấu, hươu, nai sừng tấm, chó sói và báo sư tử.

Kể từ năm 1983, VQG đã xây dựng 48 đường đi cho động vật hoang dã bao gồm 7 cầu và 41 hầm chui – theo chương trình nghiên cứu và giám sát động vật hoang dã lâu nhất còn đang tiếp diễn trên thế giới. Nhờ có nhiều đường đi và hàng rào đường cao tốc hơn bất kỳ nơi nào khác mà VQG Banff giảm được tới 80% các vụ va chạm với tất cả các loài động vật hoang dã, đồng thời giảm khoảng 80% số tử vong cho con người.

Cầu cho động vật hoang dã Liberty Canyon sẽ bắc qua 10 làn đường và một đường vào của xa lộ 101 ở Los Angeles. Đó là một dự án lớn và đầy thử thách, cần tính đến cả việc giảm thiểu ánh sáng và âm thanh (khoảng 300.000 xe ô tô sẽ đi qua cầu mỗi ngày) cũng như khả năng các loài động vật nhỏ (chim, bướm, thằn lằn) sống trên cầu.

Ước tính chi phí hiện tại là 87 triệu đô la theo hình thức đối tác công tư với 80% kinh phí do các nhà tài trợ tư nhân như Quỹ Leonardo DiCaprio chi trả. Liberty Canyon sẽ được khởi công vào năm sau và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Mặc dù sẽ mang lại lợi ích cho nhiều loài khác, mục đích chính của cây cầu là tái kết nối đàn báo sư tử Los Angeles với dãy núi Santa Monica.

Beth Pratt, Giám đốc điều hành khu vực California thuộc National Wildlife Federation cho biết: “Chúng tôi có dữ liệu trong gần 20 năm về cách những con mèo lớn di chuyển trong cảnh quan này”.

Xa lộ đã khoanh vùng báo sư tử chỉ trong 21 km2 trong thông thường khi lãnh thổ cho báo đực thường là khoảng 390 -520 km2. Pratt thừa nhận: “Báo không bị va chạm nhiều ở xa lộ 101 vì chúng quay lại, chúng thậm chí không thử vượt qua”.

“Mô hình di truyền mà Cục VQG Hoa Kỳ thực hiện chỉ ra rằng trong trường hợp tốt nhất chúng ta còn 50 năm trước khi loài này tuyệt chủng vì chúng sẽ không thể sinh sản nữa”, Pratt giải thích, đồng thời cho biết thêm rằng những rủi ro khác – chẳng hạn như va chạm xe cộ – có thể dễ dàng rút gắn khoảng thời gian đó với một quần thể khoảng 10 đến 15 cá thể.

Mặc dù trọng tâm là báo sư tử – loài có sức hút lớn để gây quỹ, Pratt cho biết nghiên cứu cũng cho thấy có sự cách ly di truyền ở các loài khác trong khu vực. “Chúng ta biết rằng [nếu] chia tách sinh cảnh… hệ sinh thái đó sẽ chết, hoặc ít nhất là sẽ thay đổi đáng kể.”

Phá vỡ pháo đài

Đây là một phần của sự chuyển đổi tư duy “bảo tồn kiểu pháo đài” rằng các VQG và KBT tư nhân không thể là giải pháp lâu dài để bảo vệ hệ sinh thái. Thay vào đó, phương pháp tiếp cận đa mục đích dựa trên quyền được coi là phương án hợp đạo đức và lâu bền hơn nhiều. Chìa khóa của điều này là có thể làm việc với mọi người, cho dù bạn đang xây dựng một đường đi cho động vật hoang dã trị giá hàng triệu đô la ở Los Angeles hay giúp nông dân giảm thiểu các cuộc tấn công của báo vào vật nuôi ở Nam Phi.

“Trước hết tôi sẽ bắt đầu làm việc với mọi người”, Dutta chia sẻ và lưu ý rằng ở Ấn Độ thì bắt đầu với các hành lang hiện có sẽ dễ dàng hơn vì mọi người đã quen với việc sống chung cùng hổ báo. Nhưng cố gắng tạo ra một hanh lang hoàn toàn mới có thể gây ra vấn đề.

“Giả sử bạn tạo ra một khu rừng. Sau đó động vật bắt đầu vào đó. Ý tôi là, cộng đồng này thực sự không biết làm thế nào để tồn tại cùng với chúng nữa”.

Ở Nam Phi – nơi xưa nay vẫn đi theo mô hình bảo tồn kiểu pháo đài, hành lang và lối đi cho động vật hoang dã có thể là cách duy nhất để bảo vệ những loài như báo hoa mai. Nhưng quá trình chuyển đổi sẽ không dễ dàng vì hai lý do sau.

Đầu tiên, đất đai là một vấn đề chính trị sâu sắc ở nước này (vấn bị coi là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất thế giới). Hơn 70% đất đai thuộc sở hữu của người da trắng (chiếm không đầy 9% dân số), hoàn trả và tái phân phối đất đai luôn được hứa hẹn kể từ khi chính thức kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc vào năm 1994. Nếu đất đai được dành cho các hành lang động vật hoang dã, sự phẫn nộ của người dân là điều dễ hiểu.

Thứ hai là xây dựng hành lang động vật hoang dã đòi hỏi các cộng đồng và nông dân chấp nhận việc những động vật tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm di chuyển qua hoặc gần đất của họ. Naude đề nghị chi trả toàn bộ đối với bất kỳ gia súc nào bị thiệt hại, cũng như chia sẻ thông tin và các chiến lược giảm thiểu xung đột. Những sáng kiến này, cùng với việc củng cố boma (chuồng trại chăn nuôi) đã được thực hiện ở nhiều vùng châu Phi cận Sahara.

Tuy nhiên, đã có kế hoạch cho các hành lang được bảo vệ ở Nam Phi. Chẳng hạn Cape Leopard Trust đang hợp tác với Endangered Wildlife Trust điều tra tính toàn vẹn của các hành lang tiềm năng ở Western Cape, bao gồm cả một hành lang trên bờ biển Agulhas.

Có vai trò như những khu vực an toàn cho báo hoa mai Cape đi qua, những hành lang như vậy có thể bảo vệ thảm thực vật cây bụi, hoa lan và động vật lưỡng cư nguy cấp như ếch Xenopus gilli. Nỗ lực bảo tồn của các chủ đất địa phương tạo ra được một phần nền tảng – ví dụ như Khu Đất ngập nước Nuwejaars có 25 chủ đất đồng ý ký chứng thư cam kết bảo vệ mãi mãi hơn 46.000 ha.

Còn một chặng đường dài phía trước, nhưng sự phát triển ổn định của các hành lang động vật hoang dã kết nối những hệ sinh thái rời rạc lại với nhau trước khi mọi sự quá muộn với các loài như báo. Rốt cuộc, việc xâm phạm thiên nhiên gây ra những hậu quả khôn lường cho động vật và nền văn minh nhân loại. Pratt nói: “Nhiều người đang nhận thức được điều đó. Nếu các hệ sinh thái không trọn vẹn, sức khỏe con người cũng sẽ bị ảnh hưởng”.

Nhật Anh (Theo BBC)

Tags: ,
CHIA SẺ