Campuchia phát hiện nai cà tông sau 5 năm. BVR&MT – Theo WWF, bẫy ảnh của tổ chức này mới chụp được hình ảnh 4 cá thể nai cà tông (rucervus eldii) ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sambor, tỉnh Kratie, Campuchia, làm dấy lêm hy vọng về bảo tồn loài nguy cấp trong khu vực Đông Nam Á.
Loài này được bảo vệ theo Luật Lâm nghiệp Campuchia và có tên trong Sách đỏ IUCN.
Các nhà bảo tồn đã nghiên cứu 1.710 bức ảnh chụp từ tháng 8 đến tháng 9/2020 ở Khu bảo tồn rộng 50.093 ha này và phát hiện ra những hình ảnh hiếm có về nai cà tông cùng những loài quý hiếm khác như mang Ấn Độ, lợn rừng, cầy hương, cầy vòi hương, công và già đẫy Java.
Giám đốc WWF Campuchia Seng Teak hồ hởi: “Những bức ảnh này là bằng chứng rằng các nỗ lực bảo tồn có hiệu quả, làm dấy lên hy vọng bảo tồn động vật ở cả Campuchia cũng như trong khu vực. Chúng tôi mong muốn các cơ quan thực thi pháp luật tăng cường tuần tra ở khu bảo tồn, thực thi hơn nữa luật Lâm nghiệp. Những nỗ lực này sẽ ngăn cản tội phạm lâm nghiệp và động vật hoang dã, giúp các loài được sống trong môi trường bình yên”.
Sáu tháng đầu năm nay, kiểm lâm Campuchia thực hiện 13.804 cuộc tuần tra, triệt phá 3689 vụ vi phạm, đưa ra tòa 329 vụ. Chính quyền cũng tịch thu 2578 phương tiện trong 433 vụ bắt giữ.
Campuchia là nước có mức độ đa dạng sinh học cao với 123 loài động vật có vú, 545 loài chim, 88 loài bò sát, 2.308 loài thực vật có mạch, 874 loài cá cùng hàng trăm loài động vật biển.
Báo cáo về các loài nguy cấp do IUCN công bố năm 2015 cho thấy quần thể nai cà tông phân bố rải rác khắp thế giới, ước tính còn chưa đầy 700 cá thể và chỉ rất ít siinh sống trong các khu rừng bảo tồn ở Campuchia.
Thế Anh (Theo Phnompenh Post)