BVR&MT – Ngày 17/09, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Công nghệ và năng lượng Việt Nam 2020”.
Thực hiện nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Những định hướng quan trọng, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản mà còn tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết: Năng lượng Việt Nam đã đạt được những thành tựu đồng bộ ở các phân ngành, lĩnh vực. Đáp ứng được nhu cầu năng lượng cơ bản cũng như chiến lược phát triển của đất nước. Tốc độ phát triển công nghiệp khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, khai thác than, thủy điện, điện mặt trời và điện gió đều tăng mạnh và cho thấy tiềm năng lớn tạo ra sức hút đối với vốn đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế.
Việc thay đổi xu hướng công nghệ và khả năng ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu mới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao nội lực chế tạo, dịch vụ về năng lượng, thúc đẩy hợp tác, nâng cao năng lực để phục vụ phát triển bền vững.
Trao đổi tại diễn đàn, đại diện Bộ Công Thương, các nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư đã chia sẻ các nội dung liên quan tới chính sách phát triển hạ tầng bền vững và nâng cao nội lực ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ về năng lượng. Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển năng lượng bền vững. Xu hướng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam.
Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ; công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hóa dầu phát triển mạnh sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây, điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành năng lượng trở thành ngành đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng.
Thông qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, đại diện nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà đầu tư đã chia sẻ về thực trạng và giải pháp cho ngành năng lượng Việt Nam qua các góc nhìn về công nghệ, chính sách, hạ tầng và tín dụng đến từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Văn Trì – Quỳnh Anh