BVR&MT – Trái đất ngày càng nóng lên, một lượng lớn khí nhà kính đang tác động mạnh mẽ đến hành tinh của chúng ta và làm biến đổi khí hậu. Sóng nhiệt khắc nghiệt hơn do đó hạn hán cũng kéo dài khiến một số loại bệnh và sâu bệnh phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Vậy, nghiên cứu nào được đưa ra để có thể giảm thiểu rủi ro của những hiện tượng này?
Cây trồng rất dễ bị tổn thương, do đó các nhà nghiên cứu đã lai tạo để chúng có thể chống chọi với nhiều mối đe dọa nguy hiểm trong thế kỷ tới bởi chúng tạo ra lương thực cần thiết để đảm bảo duy trì sự sống khi dân số đang ngày càng tăng.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã bắt đầu thử nghiệm cách giúp cây trồng thích nghi với môi trường khắc nghiệt trong tương lai. Ý tưởng của họ là sử dụng họ hàng của cây trồng hoang dã.
Những giống cây trồng này trông giống như cỏ dại, chúng có thể phát triển ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chúng có thể tự sống trong khí hậu khắc nghiệt mà không có bất kỳ sự trợ giúp nào của con người.
Các nhà khoa học hy vọng rằng việc sử dụng họ hàng hoang dã của cây trồng trong các chương trình nhân giống có thể bổ sung khả năng phục hồi cho cây trồng mà vẫn giữ chúng không bị thay đổi về bản chất .
Bassi – Một nhà khoa học ở Maroc tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế ở Vùng khô hạn (ICARDA) cho biết: “Trồng các loài họ hàng hoang dã của cây trồng đã được chọn lọc bởi thiên nhiên qua hàng thiên niên kỷ để chống chọi với những áp lực khí hậu mà chúng tôi đang cố gắng giải quyết sẽ mang đến một hy vọng mới. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là chuyển mục đích trồng trọt thông thường sang sử dụng các loài cây họ hàng hoang dã, tuy nhiên điều đầu tiên phải đảm bảo rằng làm như vậy thực sự đem lại lợi ích”.
Để thử nghiệm ý tưởng này, nhóm các nhà khoa học quốc tế của Bassi, đến từ Châu Phi, Châu Âu, Châu Á và Nam Mỹ, đã tập trung vào lúa mì cứng. Nghiên cứu đã thu thập 60 giống lúa mì khác nhau để trải qua một loạt các thử nghiệm khắc nghiệt bao gồm bệnh nấm, hạn hán và nhiệt độ cao. Một phần ba số dòng lúa mì mà nhóm nghiên cứu sử dụng đã phát triển bằng cách kết hợp các họ hàng hoang dã của lúa mì với các giống cây trồng thương mại.
Các giống lúa mì có nguồn gốc từ họ hàng hoang dã này có sức sống mạnh mẽ hơn so với các giống thông thường. Khoảng một phần ba số giống hoang dã kháng bệnh nấm Septoria. Khác với trọng tâm của các chương trình nhân giống trước đây chỉ tập trung vào khả năng chống lại các bệnh gỉ sắt.
Nơi mà các giống lúa mì họ hàng hoang dã phát triển tốt là trong điều kiện khô hạn và căng thẳng nhiệt. Trong thời gian khô hạn, các dòng họ hàng hoang dã có hạt lớn hơn, một đặc điểm thích nghi quan trọng của giống cây trồng này. Trong điều kiện thiếu nitơ, dinh dưỡng, các dòng có nguồn gốc hoang dã vẫn cho năng suất cao hơn các giống lúa mì khác.
Sự sống của con người phụ thuộc vào cây trồng, chúng đem lại nguồn thực phẩm dồi dào. Các loại cây trồng khác với những người anh em hoang dã của chúng một phần lớn là do con người đã chọn lựa các loại cây trồng qua nhiều thế kỷ để thích nghi với nhu cầu của họ, bao gồm cả việc chế biến các món ăn.
Nhìn chung, họ hàng hoang dã của lúa mì cứng tỏ ra hữu ích. Khi được lai với các giống thương mại ưu tú, chúng đã tăng khả năng chống nóng, hạn hán và một số bệnh. Đây chính xác là mối đe dọa không chỉ ở lúa mì khô cứng mà hầu hết các loại cây trồng chính đều phải đối mặt với điều kiện môi trường đang nóng lên. Đó là tin tốt cho các nhà lai tạo thực vật và nhân loại.
Đào Thúy (theo EurekAlert)