BVR&MT – Từ những năm 90, cây na dai đã trở thành một trong những cây trồng ăn quả chủ lực của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ gia đình nơi đây. Đặc biệt, từ sau khi đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể, thương hiệu na dai Lục Nam càng được khẳng định. Hiện nay, địa phương đã đăng ký chỉ dẫn địa lý nguồn gốc cho sản phẩm na dai tại địa phương.
Lý giải vì sao có tên na dai, người dân cho biết: Cây na được trồng trên địa bàn huyện Lục Nam từ những năm 1990, phong trào trồng na mới phát triển mạnh. Điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp giúp na dai Lục Nam luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Na dai của Lục Nam từ lâu nổi tiếng bởi hương vị thơm mát ngọt bùi, dẻo dai, được nhiều người biết đến.
Điều đáng quan tâm hiện nay là ngày 20/7/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2806/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00083 cho sản phẩm na dai “Lục Nam”. UBND huyện Lục Nam là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Cây na dần chuyển sang canh tác hữu cơ nên tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng tốt.
Quả na dai Lục Nam bắt đầu vươn xa, theo chân các thương lái đến nhiều vùng khác nhau, đặc biệt là Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa. Chất lượng đặc thù của na dai Lục Nam có được nhờ các điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý. Khu vực địa lý mang tính chất của khí hậu lục địa vùng núi Đông Bắc khá rõ rệt.
Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Do vùng trồng na Lục Nam ở khu vực chân núi và đồi núi thấp, nên chất lượng quả na dai Lục Nam thường ngọt hơn so với các sản phẩm na khác được trồng trên những ngọn núi đá vôi cao.
Huyện Lục Nam có dòng sông Lục chảy qua, những dải đất ven sông được bồi đắp phù sa thích hợp với sự phát triển của cây na. Thổ nhưỡng của khu vực địa lý gồm nhóm đất vàng đỏ và nhóm đất tầng mỏng. Đất có thành phần cơ giới trung bình, thịt pha sét và cát.
Ngoài ra, Lục Nam cũng là địa phương đầu tiên tìm tòi và áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung vừa để kéo dài mùa vụ thu hoạch na, vừa tránh việc na chín rộ dẫn đến không kịp thu hoạch. Khu vực chỉ dẫn địa lý: Các xã Đông Hưng, Đông Phú, Cương Sơn, Lan Mẫu, Huyền Sơn, Nghĩa Phương thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Theo số liệu tổng hợp của Phòng NN&PTNT huyện Lục Nam, diện tích trồng Na toàn huyện có khoảng 1.750 ha, trong đó có 1.200 Ha cho thu hoạch. Đánh giá chung của cơ quan chuyên môn, năng suất Na năm nay giảm khoảng 20%. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết khô hạn kéo dài nên ảnh hưởng đến việc ra hoa và sinh trưởng của quả Na. Cây thiếu nước khiến trọng lượng của na nhỏ, mẫu mã xấu hơn.
Dự kiến đến hết năm 2020 huyện Lục Nam dự kiến sẽ có 13/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đang phấn đấu đến năm 2024, sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện tiếp tục phát triển, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn đứng tốp đầu tỉnh như: vùng sản xuất Na 1.500 ha.
Để phát triển thương hiệu na dai Lục Nam, từ năm 2014 đến nay, huyện Lục Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho người dân. Trong đó có việc đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý, tiến tới nâng cao chất lượng hàng hóa giúp người dân Lục Nam phát triển kinh tế bền vững.
Văn Trì