BVR&MT – Ngày 28/8/2020, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo lần thứ nhất Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHNL).
Mục tiêu tổng quát đặt ra trong Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia là nhằm cung cấp đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý, thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Đặng Hoàng An cho biết: Trong giai đoạn 2011- 2019, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh so với các nước trên thế giới, với tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 6,3%. Trong đó, công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng cao nhất với mức tăng trung bình 7,6%/năm, tiếp theo đó là khu vực dịch vụ với 6,9%/năm. Tốc độ tăng trưởng tương đối cao đã cải thiện nhanh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam, đạt 2.800 USD/người năm 2019.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khoá X về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra.
Ngành năng lượng đã tích cực thực hiện chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường, hình thành được thị trường cạnh tranh ở một số khu vực trong thị trường điện, thị trường than, thị trường khí đốt. Qua đó, huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, trong đó, đóng góp của khu vực tư nhân ngày càng tăng. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành năng lượng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, phát triển đồng bộ hạ tầng năng lượng, thúc đẩy hoạt động của các thị trường năng lượng cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư vào phát triển năng lượng, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thiết bị năng lượng…
Tiếp đó, tại Hội thảo, các cơ quan tư vấn báo cáo các nội dung đã thực hiện trong 5 chương đầu của đề án Quy hoạch. Trong đó, 3 cơ quan tư vấn được giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện lập Quy hoạch là: Viện Năng lượng – Bộ Công Thương, Viện Dầu khí Việt Nam – PVN và Công ty Cổ phần Tư vấn Mỏ và Công nghiệp than – TKV. Việc quản lý thực hiện Đề án đã được Bộ Công Thương giao Vụ Dầu – Khí và Than chủ trì, đôn đốc, giám sát.
Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”; trong đó, Bộ Chính trị đã giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và triển khai Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.
Với việc càng ngày tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam sẽ phải dối mặt với cả những thuận lợi và khó khăn trong việc đảm bảo phát triển bền vững hệ thống năng lượng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Các ý kiến cũng cho rằng, ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành. Ngành năng lượng đã trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành năng lượng vẫn còn nhiều hạn chế trong: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng; phát triển đồng bộ hạ tầng năng lượng; thu hút vốn đầu tư vào phát triển năng lượng, giảm thiểu tác động môi trường….
Hà Linh – Đào Thúy