BVR&MT – Theo Bộ NN-PTNT, nguyên nhân khiến rừng còn bị “chảy máu” là do nhận thức về lâm nghiệp của các ngành, các cấp chưa đầy đủ.
Hiện nay, tình trạng phá rừng ở nhiều địa phương diễn biến phức tạp. Ngoài những tổ chức, cá nhân phá rừng, còn có không ít chính quyền địa phương chủ trương chặt phá rừng để chuyển đổi sang mục đích khác. Trước tình hình này, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 14,4 triệu ha rừng, độ che phủ rừng đạt 45% theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, cần rất nhiều việc phải làm.
Tỉnh Bình Phước được xem là địa phương có tốc độ phá rừng nhanh nhất cả nước. Nếu như năm 2002, diện tích rừng tự nhiên nơi đây là 127.800 ha, thì đến nay, tỉnh này chỉ còn hơn 58.000 ha. Mới đây nhất, dự án chăn nuôi, kết hợp trồng rừng trên diện tích hơn 575 ha tại Tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp, huyện Bù Đốp đang triển khai, đã bị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) đình chỉ để điều tra. Hiện nay, hơn 100ha rừng trong tiểu khu này đã bị chặt phá hoàn toàn.
Gần 20 năm gắn bó với nghiệp bảo vệ rừng ở huyện Bù Đốp, ông Nguyễn Văn Ách, nguyên Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp cùng các đồng nghiệp đã không sợ hiểm nguy để bảo vệ cho 6.400ha rừng của huyện được an toàn. Ông từng đưa ra nhiều dẫn chứng khoa học để chứng minh với lãnh đạo rằng, khu rừng này không phải rừng nghèo kiệt.
Ông Nguyễn Văn Ách chua xót: “Mình nhục vì mình là người lính giữ rừng, nhưng đứng nhìn rừng mất mà không có biện pháp gì có thể ngăn chặn được. Dù đó là phá hợp pháp hay bất hợp pháp thì mình cũng có tội lớn lắm. Mà quan trọng nhất là nó phá vỡ khả năng quản lý, bảo vệ những khu rừng còn lại”.
Không chỉ riêng Bình Phước, tình trạng phá rừng đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Tại tỉnh Phú Yên, hàng chục ha rừng với cây gỗ có đường kính 40 – 50cm bị chặt hạ để Công ty Cổ phần Chăn nuôi Phú Yên… nuôi bò. Việc chủ Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam tại Phú Yên phá trắng 115 ha rừng phòng hộ dù chưa được Bộ TN-MT phê duyệt, đánh giá tác động môi trường, chưa có quyết định giao đất, thuê đất cũng đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Hiện nay, cả nước chỉ còn 14 triệu ha rừng. Trong đó, rừng Tây Nguyên đang bị suy giảm nhanh cả về diện tích và chất lượng. Trong 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng giảm còn 48,5%.
Theo Bộ NN-PTNT, nguyên nhân khiến rừng còn bị “chảy máu” là do nhận thức về lâm nghiệp của các ngành, các cấp chưa đầy đủ. Một số cán bộ kiểm lâm tiêu cực, tiếp tay cho lâm tặc, trong khi lực lượng kiểm lâm thiếu sự phối hợp với các lực lượng khác trong công tác bảo vệ rừng và xử lý các vi phạm về lâm nghiệp. Bên cạnh đó, việc phân công, phân cấp về quản lý, bảo vệ rừng chưa rõ ràng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này còn hạn chế.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết: Để công tác quản lý rừng bền vững đến năm 2030, Chính phủ đang hoàn thiện chính sách, pháp luật, khung hành động của chương trình giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã ban hành Chỉ thị số 13, ngày 12/1/2017 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Các bộ, ngành cũng đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng rừng và đất rừng. Một việc quan trọng mà các địa phương đang thực hiện là cải thiện sinh kế cho người dân sống trong và gần rừng.
Ông Hà Công Tuấn nói: “Chúng ta triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát để chúng ta không để tình trạng phá rừng trái pháp luật xảy ra. Bây giờ ở Tây Nguyên, độ che phủ rừng chỉ còn khoảng 38%, nhưng rừng giàu và trung bình thì còn rất ít. Nếu không chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao thì nguy cơ mất rừng khu vực này còn cao lắm”.
Ông Võ Đình Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ cho rằng, để công tác quản lý và phát triển rừng mang lại hiệu quả cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm việc với từng bộ ngành để thống nhất chương trình hành động cụ thể. Trong đó, chủ công để thực hiện việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là chính quyền các địa phương: “Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang được giao nhiệm vụ rà soát lại quy hoạch rừng. Trong đó, có kế hoạch chuyển 1 triệu ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Theo quan điểm chúng tôi nhìn nhận thì cái này chúng ta cần hết sức cẩn trọng. Tránh tình trạng các địa phương lợi dụng việc này để làm việc khác, ví dụ như tỉnh Phú Yên đang triển khai”.
Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 hiện đang có nhiều điểm không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Yêu cầu bức thiết đặt ra đối với công tác quản lý và phát triển rừng là Nhà nước phải thay đổi đồng bộ cơ chế, chính sách. Từ đó, tạo ra một hành lang pháp lý mới để thích ứng với xu thế quản trị rừng cũng như kiểm soát nguồn gốc gỗ, lâm sản. Khi đó, việc tranh chấp đất lâm nghiệp ở nhiều địa phương cũng sẽ được giải quyết triệt để, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân sử dụng và quản lý rừng.