Chất lượng không khí Hà Nội lại kém, người già, trẻ em nên hạn chế ra ngoài

BVR&MT –  Do chất lượng không khí lại xuống mức kém, sở TN&MT Hà Nội khuyên người già, trẻ em và những người mắc bệnh về hô hấp nên hạn chế ra ngoài.

Chất lượng không khí ở Hà Nội lại xuống thấp
Kết quả quan trắc tại 34 trạm trên địa bàn TP Hà Nội, từ 12h trưa ngày 26/8 đến 12h trưa ngày 27/8 cho thấy, nồng độ bụi có xu hướng tăng cao về đêm và sáng sớm, chất lượng không khí (CLKK) duy trì mức “Trung bình”, “Kém”. Sau đó, nồng độ giảm dần và CLKK duy trì ngưỡng “Trung bình” và “Tốt” từ thời điểm 9h sáng ngày 27/8 trở đi.
Do chất lượng không khí lại xuống mức kém, sở TN&MT Hà Nội khuyên người già, trẻ em và những người mắc bệnh về hô hấp nên hạn chế ra ngoài.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, từ đêm ngày 26/8 cho đến rạng sáng ngày 27/8, trời âm u, nhiều mây, nhiệt độ thấp, lặng gió gây bất lợi cho việc khuếch tán các chất ô nhiễm khiến nồng độ các chất ô nhiễm gia tăng, tích tụ trong lớp khí quyển sát mặt đất.
Trong khoảng thời gian từ 0h – 7h ngày 27/8, chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động trong khoảng 17 – 149, trong đó cao nhất là trạm Hàng Đậu vào lúc 1h sáng. Sau đó từ 8h – 12h, AQI dao động từ 21 – 128, và tại thời điểm 12h giá trị AQI cao nhất là 102 tại trạm Minh Khai. CLKK có xu hướng được cải thiện về ban trưa, khi có nắng, nhiệt độ không khí tăng giúp tăng khả năng đối lưu, khuếch tán chất ô nhiễm.
Người già, trẻ em nên hạn chế ra ngoài
Để xác thực một phần cho nguyên nhân gây ra sự tăng cao của nồng độ các chất ô nhiễm là do điều kiện khí tượng, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội đã thực hiện phân tích nhanh dựa trên Mô hình HYSPLIT (Hybrid Single-Particle Lagrangian Integrated Trajectories) là một mô hình hoàn chỉnh dùng để tính toán các quỹ đạo của khối không khí đơn giản, cũng như sự vận chuyển phức tạp, phân tán, các biến đổi hóa học và mô phỏng quá trình lắng đọng trong khí quyển được phát triển bởi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) và Cơ quan Khí tượng Úc (BOM).
Diễn biến AQI của 34 trạm.
Phân tích trên quỹ đạo ngược (Trajectory direction: Backward) trong khoảng thời gian 96h, tại địa điểm Hà Nội (toạ độ 21.02N 105.8E), ở độ cao 100, 200, 500 mAGL (Meters AGL: chiều cao so với mực nước biển).
Kết quả cho thấy dao động về độ cao mAGL của các khối khí, đặc biệt với khối khí tại độ cao 500 mAGL (xanh lá cây). Đối với khối khí tầm thấp là 100, 200 mAGL thì độ cao của 2 khối khí này từ ngày 23/8 bắt đầu từ Myanmar cho đến Thủ đô Hà Nội, Việt Nam vẫn không có sự chênh lệch đáng kể.
Tuy nhiên, với quỹ đạo màu xanh lá (500 mAGL) từ ngày 23/8 bắt đầu từ các tỉnh phía Bắc Trung Quốc cho đến Hà Nội, độ cao khối không khí giảm từ độ cao trên 4000 mAGL xuống 500 mAGL, và từ 12h ngày 26/8 đến nay quỹ đạo khối khí 500 mAGL không có chênh lệch đáng kể. Điều này thể hiện chiều cao khối không khí trên khu vực Hà Nội khá thấp. Kết quả này tương đồng với nhận xét về điều kiện khí tượng gây bất lợi cho việc khuếch tán các chất ô nhiễm khiến nồng độ các chất ô nhiễm gia tăng, tích tụ trong lớp khí quyển gần mặt đất được trình bày như trên.
Trong tình trạng CLKK và dịch bệnh như hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo mọi người dân nên trang bị khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn. Nhóm người nhạy cảm (người già, trẻ em và những người mắc bệnh về hô hấp) nên hạn chế ra ngoài tron khoảng thời gian này. Đặc biệt người dân cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế và Chính phủ khuyến cáo. Người dân có thể theo dõi chất lượng không khí tại các trang thông tin moitruongthudo.vn.
Để cải thiện chất lượng không khí Thành phố Hà Nội cần sự chung tay của cả cộng đồng, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị người dân thực hiện tốt Chỉ thị 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND Thành phố về các biện pháp khắc phục ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể:
Người dân không sử dụng bếp than tổ ong và đốt các nhiên liệu than cấp thấp (đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại trừ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố Hà Nội trước 31/12/2020); cam kết không đốt rơm rạ, không đốt các phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đốt rác bừa bãi; hạn chế đốt hương, vàng mã; tích cực tham gia hưởng ứng phong trào trồng cây xanh tại địa phương.
Các phương tiện chở vật liệu xây dựng, phế thải phải có biện pháp che chắn không gây ô nhiễm môi trường, không chở quá tải; Tất cả các xe trọng tải từ 1,5 tấn trở lên chỉ được đi vào Thành phố từ vành đai 3 trở vào từ 22h đến 06h sáng hôm sau.