BVR&MT – Trong những năm gần đây, mô hình trồng na trên núi đá đã và đang làm thay đổi diện mạo kinh tế của bà con đồng bào dân tộc Tày xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn).
Nhắc đến Lạng Sơn hẳn ai cũng nghĩ đến na Chi Lăng (huyện Chi Lăng) – một trong những sản phẩm đặc trưng của xứ sở này. Vậy nhưng ít người biết rằng, từ nhiều năm nay người dân xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa, ngô sang trồng na nhằm phát triển kinh tế đồng thời mở rộng và quảng bá thương hiệu sản phẩm na Lạng Sơn đến mọi miền. Cũng chính loại cây ăn quả này đã và đang góp phần phát triển kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ rừng và môi trường của cộng đồng DTTS nơi đây.
Chông chênh cõng na đỉnh núi
Cách thị trấn Hữu Lũng khoảng hơn 10km, xã Yên Thịnh với diện tích 56 km² dân số là 4.261 người gồm chủ yếu các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao và Mông. Bao quanh xã là đồi núi đá, tiếp giáp phía bắc là xã Hữu Liên với nhiều thắng cảnh đẹp thuận tiện cho việc phát triển du lịch. Những năm gần đây, tận dụng vị trí địa lý và thiên nhiên, cộng đồng DTTS địa phương đã từng ngày vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế từ mô hình trồng na trên núi đá.
Nhận thấy na phát triển nên núi đá cho quả to, ngọt và phát triển nhanh hơn so với đất vườn, gia đình anh Hoàng Cao Đảng, dân tộc Nùng, trồng na cách đây hơn 10 năm với vườn na đã được chứng nhận VietGAP. Những ngày vào vụ, vợ chồng anh chị chủ yếu là ở trên núi thu hái cả ngày. Gia đình anh cho biết: “Trồng và chăm sóc na trên núi đá mặc dù cho quả to, ngọt nhưng đi lại vất vả. Núi đá nơi đây cao chót vót, leo lên cũng mất hết sức nói gì việc làm cả ngày. Nhà tôi còn trồng thấp chứ nhiều gia đình phải len tận đỉnh núi để hái, rồi dùng ròng rọc đế vận chuyển xuống”.
Trước đây, người dân phải gánh từng gánh na nặng chừng 20 – 30kg xuống hàng cây số đường núi lởm chởm, vô cùng vất vả. Nhưng nay bà con đã rất sáng tạo trong việc sử dụng ròng rọc được nối từ trên núi xuống. Trung bình chỉ mất từ 1 đến 2 phút là cả giỏ na nặng 20 đến 30 kg được đưa xuống, người dân cũng đỡ vất vả. Một bộ ròng rọc chi phí từ 2 đến 3 triệu đồng có thể dùng trong nhiều năm. Một công đôi việc, đến mùa chăm sóc cây, ròng rọc lại làm nhiệm vụ tời phân bón lên trên núi.
Xóa đói giảm nghèo từ na
Gia đình ông Hoàng Hữu Hiếu ở thôn Chùa trồng 2000 cây na, dự kiến năm nay thu hoạch hơn chục tấn. Trong suốt 10 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây na đã giúp gia đình ông thoát nghèo vươn lên trở thành gia đình kinh tế khá giả trong thôn, xã.
Ông vui vẻ chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chủ yếu là trồng lúa, ngô. Những năm gần đây Đảng và Nhà nước có chính sách phát triển cây na để xóa đói giảm nghèo thì gia đình tôi cũng đứng thứ 2 trong xã. Bây giờ gia đình cũng đã khấm khá hơn nhiều, thoát nghèo, đủ ăn đủ mặc”.
Thu hoạch na được chia làm 2 mùa vụ. Bắt đầu tháng 8 là mùa vụ chính, sau đó tiếp tục tỉa cành, chăm sóc đến tháng 10 thu hoạch một vụ nữa gọi na gối. Na sẽ được các thương lái về tận vườn để thu mua, với giá trung bình từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, mỗi mùa vụ thu về khoảng 300 trăm triệu/vụ/năm.
Thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU, CTMTQG giảm nghèo được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Hữu Lũng giai đoạn 2016-2020 cơ bản đã đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỷ lệ hộ nghèo từ 25,74% năm 2016 đến năm 2019 đã giảm xuống còn 9,97%, dự kiến đến cuối năm 2020 giảm xuống còn 6,9%. Các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đều được thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước quy định.
Mô hình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiệm vụ mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3%/năm trở lên; các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 20% bình quân giảm từ 4%/năm trở lên, duy trì tỷ lệ giảm hộ nghèo phù hợp, đạt chuẩn tại các xã về đích xây dựng nông thôn mới. Bảo đảm 100% hộ người có công với cách mạng luôn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Cùng với đó, trong việc triển khai các mô hình phát triển sản xuất năm 2020, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng phối hợp với Phòng Tài chính kế toán huyện giao vốn cho 7 xã trong đó Yên Thịnh được phân bổ 350 triệu để thực hiện dự án trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP. (Theo Báo cáo Tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 02/8/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 -2020 trên địa bàn huyện) |
Trong những năm qua, huyện Hữu Lũng và chính quyền địa phương đã có những hỗ trợ về phân bón, thuốc và hỗ trợ đèn bắt sâu thân thiện với môi trường để giúp bà con không chỉ cho giống na chất lượng mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hà Linh