BVR&MT – Một siêu thị di động đã được nhóm Công tác xã hội Đà Nẵng vận động và thực hiện luân phiên giữa các phường mỗi tuần nhằm hỗ trợ cho người nghèo, người khuyết tật, lao động tự do… có hoàn cảnh khó khăn có thêm nhu yếu phẩm vượt qua giai đoạn giãn cách.
Mở hai ngày 22 và 23/8 cho bà con quận Thanh Khê tại trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (154 Hà Huy Tập), mọi công tác tổ chức, vận hành và thực hiện rất nghiêm túc nhằm bảo đảm an toàn cho tất cả mọi người. Siêu thị với đầy đủ các loại thực phẩm khô như bún, mì, miến, gạo, gia vị các loại, sữa hộp…; có thực phẩm tươi gồm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm phòng dịch như dung dịch sát khuẩn, nước muối sinh lý, khẩu trang cũng được cung cấp miễn phí.
Trước đó, 200 phiếu mua sắm miễn phí đã được nhóm phối hợp với các phường tại quận Thanh Khê khảo sát, phát tới tận tay người nghèo, hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19. Trung bình mỗi suất mua hàng tại siêu thị có giá khoảng 300 đến 350 nghìn đồng.
Bà sống cùng cha mẹ già, hai con nhỏ đang đi học và hai cháu tại tổ 31, phường Chính Gián, chồng chạy thận nhiều năm nay trong bệnh viện và đang cách ly từ lúc có dịch đến nay. Bà làm nghề dọn dẹp nhà cửa cho các gia đình, qua hai đợt dịch nên nghỉ làm, vừa rồi mới đi làm lại được hai tháng và tiếp tục nghỉ. “Cả gia đình trước nay dựa vào thu nhập của mình tôi, nay nghỉ dịch nên càng khó xoay sở. Những siêu thị như thế này giúp nhiều người có hoàn cảnh như tôi”, bà Thôm chia sẻ
Việc phòng, chống dịch và giãn cách tại đây cũng được nhóm chú ý rất kỹ. Mỗi địa điểm tổ chức sẽ diễn ra trong hai ngày, mỗi buổi sẽ có 50 người đến mua theo phiếu đã phát, chia làm từng khung giờ khác nhau. Ngay cổng, trước khi vào mọi người sẽ sát khuẩn bằng máy tự động, đo thân nhiệt bằng thiết bị đo tự động và mang găng tay cao-su. Hai người/ lần sẽ vào lựa chọn thực phẩm mình cần. Các phần lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm được nhóm vận động từ các doanh nghiệp và nhà hảo tâm. Chi phí hàng hóa cho mỗi phiên mua sắm khoảng 70 triệu đồng.
Anh Phan Nhật Nam, làm việc tại một công ty hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống an ninh đã mang đến siêu thị máy ATM khẩu trang. Người lấy chỉ cần nhìn vào camera được đặt trước máy để xác nhận khuôn mặt rồi nhấn nút, khẩu trang sẽ được máy “nhả” ra. Mỗi người sẽ được nhận một lần một gói mười cái. Các hệ thống tự động được lắp tại siêu thị giúp giảm tương tác giữa người với người.
Mô hình siêu thị di động được chị Trương Thị Như Hoa (50 tuổi) lên ý tưởng thực hiện và nhận được sự tham gia, ủng hộ từ khoảng mười mạnh thường quân khác nhau và mười tình nguyện viên.
“Tuần tới, chúng tôi sẽ thực hiện tại quận Hải Châu và sẽ luân phiên các quận trong thời gian tiếp theo để tất cả mọi người đều được hưởng lợi. Nhóm cũng mong muốn có thể tổ chức mô hình này cho bảy quận, huyện tại Đà Nẵng để chia sẻ với người khó khăn”, chị Như Hoa cho biết.