BVR&MT – Hà Nội là đất tụ thủy và tụ nhân. Với địa thế đẹp, nằm ven sông Hồng nhưng tiềm năng về phát triển đô thị, mở rộng thành phố, tận dụng không gian từ dòng sông lớn này, sau nhiều lần khởi động, vẫn chưa được triển khai.
TS.KTS Ðào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Ðô thị Việt Nam (ảnh nhỏ) cho rằng, xây dựng thành phố bám hai bên bờ sông là ước mơ chính đáng và phải nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ ấy.
– Hà Nội là thành phố bên sông, nhưng dọc theo lịch sử của đô thị này, dường như Hà Nội vẫn chưa tận dụng được lợi thế đó để tạo cảnh quan và không gian, như nhiều thành phố lớn trên thế giới?
– Hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đều có xu hướng bám ven sông. Kể cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng là “đất tụ sông”. Ở Hà Nội chúng ta thấy rất rõ lợi thế của một đô thị lịch sử nghìn năm, nằm ven sông rộng lớn. Từ năm 1954 đến nay, thành phố đã có bảy lần quy hoạch đô thị ven sông. Ngay từ năm 1954, Hà Nội đã xây dựng một số khu nhà ở ở khu vực Chương Dương, Phúc Xá bây giờ. Bản quy hoạch năm 1998, thành phố đã xác định rất rõ mục tiêu phát triển thành phố ở hai bên bờ sông, đặt sông Hồng vào vị trí trung tâm của Hà Nội. Cho tới năm 2011, Bộ Chính trị, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã thông qua bản quy hoạch Hà Nội mới. Một lần nữa xác định “trục không gian hai bên sông Hồng là trục trung tâm quan trọng của Hà Nội”. Ðồng thời năm 2012, thành phố cũng đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế phân khu sông Hồng.
Sông Hồng có đặc điểm thủy văn phức tạp, có mùa mưa, mùa lũ cùng với hệ thống đê chống lũ. Từ xưa do yếu tố phòng ngoại xâm, nên Hà Nội mở rộng diện tích đô thị chủ yếu trên bờ phía nam của dòng sông, phía bờ bắc thì mờ nhạt, thay vì kịch bản cân bằng hai bờ, nghĩa là dòng sông chia đôi đô thị như thường thấy ở các thành phố khác. Ðiều này cũng khiến nảy ra ý kiến cho là Hà Nội “quay lưng” lại với sông.
Thêm nữa, nguồn lực của thành phố còn khó khăn. Nếu thực hiện, thành phố phải bố trí tái định cư cho 900.000 người dân đang cư trú ở khu vực bờ sông. Ðây là việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi những bước đột phá rất lớn về bố trí nguồn lực.
– Ðã có những Ðề án để xây dựng Hà Nội thành thành phố ven sông như của Xin-ga-po hay Hàn Quốc… nhưng đều chìm vào quên lãng. Là người am hiểu, ông có thể lý giải nguyên nhân của những thất bại đó?
– Việc quy hoạch đất ven sông Hồng, bổ sung đất cho phát triển đô thị là một chiến lược đúng mà nếu làm tốt thành phố có thể bổ sung gần 6.500 héc-ta đất. Khoảng hơn 20 năm qua, kể từ khi thành phố Hà Nội xác định định hướng phát triển thành phố ven sông, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đồng ý góp vốn đầu tư nghiên cứu quá trình trị thủy, đề xuất các dự án phát triển hạ tầng hai bên sông Hồng. Cụ thể vào năm 1994, một nhà đầu tư Xin-ga-po đã đề xuất một dự án đô thị hiện đại tại khu vực An Dương, nằm ở ngoài đê sông Hồng; năm 1996, có Dự án Trấn sông Hồng; Dự án khai thác bãi giữa để hình thành khu vui chơi, giải trí, thư giãn; Dự án đô thị khoa học ở chân cầu Thăng Long… Năm 2006, Hàn Quốc cũng đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo sông Hồng, đoạn qua Hà Nội và bắt đầu triển khai từ năm 2008 – 2020. Dự án được chia làm bốn khu vực, tổng diện tích là 1.500 héc-ta, chi phí đầu tư dự kiến là 7,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, chưa có dự án nào thành công bởi Hà Nội chưa tìm ra được phương án khả thi trong vấn đề trị thủy, thoát lũ. Cũng phải nói thêm rằng, việc trị thủy sông Hồng không chỉ là chuyện của riêng Hà Nội mà còn liên quan đến cả vùng và quốc gia. Theo quy định, phải có quy hoạch vùng thì các địa phương, trong đó có Hà Nội mới được xây dựng quy hoạch. Nhưng tới nay Chính phủ chưa thông qua quy hoạch vùng thì Hà Nội chưa thể có quy hoạch riêng.
Việc điều chỉnh quy hoạch các dự án cần phải thống nhất đồng bộ với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và các quy hoạch do các sở, ngành của thành phố đang triển khai. Nhưng cơ sở pháp lý để phê duyệt quy hoạch này cũng còn chưa rõ ràng nên bị kéo dài và các dự án khác cũng chưa thể thực hiện được.
– Gần đây, thành phố Hà Nội đang có những động thái tích cực để tái khởi động ý tưởng về thành phố ven sông. Ðiều này có phải do quỹ đất khu vực trung tâm đã cạn kiệt, hay còn nguyên do khác?
– Ước mơ về thành phố ven sông hoặc các dự án phát triển đô thị hai bờ, gắn với trị thủy sông Hồng là ước mơ chính đáng mà nhiều năm qua, các cơ quan chức năng của thành phố hướng đến và trong tương lai cần hiện thực hóa ước mơ ấy. Nếu làm thành công, quỹ đất tạo ra được cũng rất hấp dẫn, giải quyết được chỉ tiêu không gian xanh cho Thủ đô, tạo ra trục cảnh quan, khơi dậy những giá trị về văn hóa to lớn. Nhìn vào thực tế hiện nay thì khu vực đầy tiềm năng này phát triển chưa xứng tầm, có những chỗ khá nhếch nhác.
Hiện nay không ít doanh nghiệp có tiềm lực mạnh sẵn sàng đầu tư, là một cơ hội để Hà Nội “bước ra” sông Hồng.
– Bên cạnh sự hào hứng với ý tưởng hiện thực hóa thành phố ven sông, nhiều ý kiến lo ngại nếu không cẩn trọng, sẽ lại biến khu vực này thành một thảm họa quy hoạch mới, với chen chúc các khu tháp cao tầng chắn mất luồng không khí trong lành từ sông Hồng phả vào khu vực nội đô lịch sử. Ðồng thời, làm hạn chế khả năng khai thác du lịch cho tuyến đường sông này trong tương lai. Theo ông, để tránh nguy cơ này, Hà Nội nên chú trọng điều gì?
– Hà Nội sẽ còn phải đi tiếp một chặng đường dài, để sông Hồng thật sự trở thành một nguồn lực của thành phố cả về cảnh quan, sinh thái, du lịch. Các cơ quan chức năng cần tính toán bố trí phần lớn quỹ đất ven sông Hồng, để nơi đó thật sự trở thành không gian chung của cả cộng đồng, thay vì trở thành những cao ốc dành cho số ít.
Những lo ngại về việc thành phố bên sông có thể gây ra những nguy cơ mới cho Hà Nội là có cơ sở, bởi thực tế có những quy hoạch khu đô thị mới đã bị điều chỉnh theo hướng có hại cho khu vực. Nên ở ven sông Hồng cần bổ sung những chức năng “phi công trình” thay vì cách làm đơn thuần là “nhà ở hóa” và do ven sông nên các tòa nhà cũng không xây quá cao. Với những đặc tính của quỹ đất ven sông nên được quy hoạch theo hướng: Mật độ xây dựng thấp, ưu tiên nhiều công viên cây xanh, sắp xếp lại nhà cửa để tăng diện tích đất tự do. Hà Nội cần có thêm một số ưu đãi khác để hồi sinh các dự án đã có trước đây như các dự án về du lịch sinh thái trên tuyến sông này.
Ngoài ra, cũng nên xây dựng các công viên nông nghiệp, kết hợp giải trí, nghỉ ngơi để tăng thu nhập của người dân thông qua việc trồng trọt các loại cây xanh nông nghiệp, tận dụng nguồn nông sản sạch. Xét đến cùng, cảnh quan rất quan trọng, nên mọi việc thực hiện phải dựa trên các yếu tố khoa học, lấy con người là trung tâm. Khi đã có quy hoạch tổng thể, chi tiết thì trong quá trình thực hiện phải tuân thủ nghiêm quy hoạch và các quy định của Nhà nước, để thành phố ven sông là điểm đến lý tưởng.