BVR&MT – Ở Trùng Khánh, Trung Quốc, ít nhất 135 cá thể động vật bị nhiễm độc khiến giới sinh vật học cho rằng các thành phố nên tiết chế việc phun thuốc khử trùng ở các địa điểm công cộng.
Trong những ngày đầu của đại dịch Covid-19, giới chức y tế công cộng tin rằng một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn virus lây lan là khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều. Đây cũng là lý do khiến Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha và nhiều nước ồ ạt phun thuốc khử trùng khắp các khu vực đô thị đông dân. Những đội xe tải, máy bay không người lái và cả robot qua lại khắp các con phố, công viên, sân chơi và những địa điểm công cộng để phun hóa chất diệt virus.
Ở Indonesia, máy bay không người lái phun hóa chất lên các ngôi nhà từ trên không. Còn ở một ngôi làng tại Tây Ban Nha, máy kéo mang theo hàng trăm lít chất tẩy rải xuống một bãi biển công cộng.
Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, bao gồm cả WHO chỉ trích kịch liệt phương thức này vì vừa không hiệu quả vừa gây nguy hiểm về sức khỏe, đặc biệt là tình trạng kích ứng hô hấp khi hít hóa phải chất. Nếu kết hợp các chất khử trùng, chẳng hạn chất tẩy và amoniac thì có thể sinh ra khí có thể gây tử vong, WHO cảnh báo.
Mới đây, giới sinh vật học cũng đưa ra ý kiến qua bài bình luận trên tạp chí Environmental Research rằng sử dụng tràn lan các hóa chất này ở đô thị chứa đựng hiểm họa không nhỏ với động vật hoang dã.
Tháng 1/2020, Trung Quốc là nước đầu tiên làm sạch các thành phố, tức thì có thông tin về động vật bị nhiễm độc. Tháng 2, Tân Hoa Xã cho hay một cuộc điều tra do Văn phòng Lâm nghiệp Trùng Khánh thực hiện phát hiện được ít nhất 135 cá thể thuộc 17 loài (có cả lợn rừng, triết Siberi, hoét đen) chết vì phơi nhiễm với chất khử trùng.
Thành phần chất khử trùng, chủ yếu là clo, chất tẩy trắng, NaClO “độc hại cao với cả động vật thủy sinh và trên cạn”, theo giáo sư Li Dongming thuộc Đại học Sư phạm Hà Bắc và là đồng tác giả phân tích trên Environmental Research. Nhóm của ông dựa chủ yếu vào cuộc điều tra của Văn phòng Lâm nghiệp Trùng Khánh mà không khảo sát động vật chết để xác định nguyên nhân gây ra cái chết đó.
Dù thế, ông tin rằng số động vật chết là bằng chứng đáng lo ngại về việc “sử dụng tràn lan chất khử trùng có thể gây nhiễm độc sinh cảnh của động vật hoang dã ở đô thị”.
Nhóm nghiên cứu kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới điều tiết việc phun chất diệt trùng ở đô thị hiện đang được thực hiện mà không theo hướng dẫn của cộng đồng khoa học.
Hóa chất diệt trùng giết chết virus, vi khuấn và cả vi sinh vật bằng cách phá hủy màng tế bào và gây hại cho protein qua quá trình oxy hóa. Nếu người hoặc động vật hít hoặc ăn vào, các chất này sẽ gây kích ứng hoặc ăn mòn niêm mạc khí quản và thực quản. Nếu phơi nhiễm nghiêm trọng, hậu quả có thể là cái chết.
Những cuộc điều tra như ở Trùng Khánh chưa được thực hiện ngoài Trung Quốc nên chưa rõ hiện tượng phân tán chất diệt khuẩn ở ngoài trời gây hại thế nào đến động vật hoang dã và các hệ sinh thái đô thị tại nước khác. Nhưng không khó để đoán. “Nếu bạn đổ chất độc vào một hệ thống, những chất này sẽ sẽ lan khắp lưới thức ăn. Đó là mối quan hệ giữa các sinh vật và môi trường,” giáo sư sinh thái học đô thị Christopher J. Schell thuộc Đại học Washington cho hay.
Ở hòn đảo nhân tạo Brickell Key ngoài khơi Miami, Florida, nhiều cư dân địa phương và chó nuôi đều mệt mỏi khi cơ quan quản lý đảo thực hiện chương trình vệ sinh ngoài trời: cho công nhân mặc đồ bảo hộ phun chất khử trùng hàng ngày vào các bãi biển, công viên, đường đi. Sau một tuần thực hiện chương trình, nhiều cư dân bị đau đầu, ít nhất 2 con chó bị nôn mửa.
Vệ sinh thường xuyên các bề mặt có thể giảm sự lây lan của virus corona, chúng ta cũng biết rằng mọi người mắc bệnh vì hít phải các giọt bắn trong không khí từ người nhiễm bệnh chứ không phải vì tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm độc.
Vì thế mà tháng 5 vừa qua, WHO khuyên không nên sử dụng chất khử trùng ở ngoài trời vì cả đường phố và vỉa hè đều “không được coi là nguồn lây nhiễm Covid-19” và vì phun hóa chất “có thể độc hại cho sức khỏe con người, gây kích ứng và làm hại mắt, da hoặc được hô hấp”. Nhưng WHO không đề cập đến tác hại với động vật hoang dã.
Dù thế, theo báo chí đưa tin thì một số quốc gia như Việt Nam và Brazil vẫn phun hóa chất ở những địa điểm công cộng.
“Đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều nước lo sợ. Các cơ quan y tế khắp thế giới có thể phun nhiều chất khử trùng hơn để đảm bảo giết hết virus và xoa dịu nỗi sợ lây nhiễm”, GS. Li phân tích. Nhưng có cách tiếp cận tốt hơn là khuyến khích mọi người ở nhà.
“Thay vì ồ ạt phun chất khử trùng vào những khu vực giàu đa dạng sinh học ở đô thị như công viên, vườn cây, đất ngập nước thì tốt hơn là dừng các hoạt động của con người ở những nơi đó”, Li viết.
Nhật Anh (Theo NatGeo)