BVR&MT – Sau nhiều năm khảo sát chuyên sâu về đa dạng sinh học tại khu vực rừng Kon Plông thuộc tỉnh Kon Tum, Tổ chức Fauna & Flora International (FFI) và Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) đã ghi nhận, phát hiện nhiều quần thể động vật quý hiếm, nguy cấp đang bị đe dọa tuyệt chủng tại khu vực này, qua đó nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một khu bảo tồn để bảo vệ khu vực rừng nguyên sinh còn lại của Tây Nguyên với giá trị đa dạng sinh học quý báu của không riêng Kon Tum mà cả với Việt Nam và khu vực.
Khởi động từ năm 2016, các khảo sát của FFI đã phát hiện quần thể khoảng 500 cá thể chà vá chân xám tại Kon Plông và gần đây phát hiện thêm hơn 100 cá thể vượn má vàng Trung Bộ. Cả hai loài đều đang bị đe dọa tuyệt chủng, thậm chí chà vá chân xám là loài đặc hữu chỉ được tìm thấy ở Việt Nam và là một trong số các loài xếp vào nhóm Cực kỳ nguy cấp của Sách đỏ IUCN.
Bên cạnh các khảo sát về chà vá và vượn, FFI cũng phối hợp cùng GreenViet và Viện Nghiên cứu Động vật hoang dã và Vườn thú Leibniz (IZW) hoàn thành chương trình khảo sát bằng bẫy ảnh đầu tiên trên toàn bộ rừng Kon Plông trong năm 2019. Sử dụng 130 bẫy ảnh đặt ở 120 điểm, nhóm phát hiện được hơn 121 loài động vật có vú và chim, bao gồm một số loài đặc hữu và cực kỳ nguy cấp như cầy vằn, khướu Kon Ka Kinh, khướu Ngọc Linh… Nhiều loài động vật quý hiếm khác như gấu ngựa, cu li nhỏ, rái cá, mèo rừng… cũng được ghi nhận qua các hoạt động khảo sát.
Điều đáng nói là tuy có hệ động thực vật phong phú, quý hiếm nhưng Kon Plông đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa từ nạn săn bắt, phá rừng, sinh cảnh bị phân mảnh do mở rộng canh tác nông nghiệp và sự xâm lấn của các dự án làm đường, thủy điện… Do vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là cần thành lập một khu bảo tồn tại Kon Plông để bảo vệ bằng được khu vực rừng nguyên sinh còn lại của Tây Nguyên một cách hiệu quả, phù hợp.
“Kon Plông được cho là khu vực rừng quan trọng nhất của Việt Nam nằm ngoài hệ thống rừng đặc dụng. Đây không chỉ là khu vực có nhiều loài đặc hữu, quý hiếm mà còn là hành lang kết nối duy nhất giữa khu vực phía Nam dãy Trường Sơn (kết thúc ở Quảng Nam) và khu vực phía Đông dãy Trường Sơn (kéo dài đến Gia Lai và hơn nữa)” – Josh Kempinski, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Tổ chức FFI chia sẻ.
Được biết, từ cuối năm 2018 đến nay, FFI phối hợp với Trung tâm GreenViet và các đối tác địa phương thực hiện các hoạt động bảo tồn ở một số thôn, xã trọng điểm quanh vùng lõi của rừng Kon Plông. Bên cạnh đó, các đơn vị còn thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng Kon Plông, qua đó hướng tới mục tiêu chung là hỗ trợ chính quyền và cộng đồng địa phương thành lập một khu bảo tồn nhằm quản lý, bảo vệ rừng nghiêm ngặt, hiệu quả.
“Với những thông tin quan trọng về đa dạng sinh học mà các nhà khoa khọc mới ghi nhận gần đây, rừng Kon Plông xứng đáng là một khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị ở khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh những lợi ích về bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn, khu vực này sẽ góp phần nâng cao các giá trị dịch vụ du lịch bền vững cho Kon Plông” – ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) bình luận. |
PV