Hà Nội đưa giải pháp xử lý dứt điểm lùm xùm tại bãi rác Nam Sơn
BVR&MT – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký văn bản chỉ đạo nhằm giải quyết tình trạng người dân ngăn cản xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Sau 3 ngày nội đô Hà Nội “gồng mình” chịu đựng gần 10.000 tấn rác thải bị ứ đọng thì tại nhiều tuyến đường những đống khổng lồ đã tạm thời được xử lý.
Tuy nhiên, về lâu dài, người dân Thủ đô mong muốn tình trạng này sẽ không tái diễn, trở thành một tiền lệ xấu.
Rác ứ đọng tạm thời được xử lý
Kể từ ngày bãi rác Nam Sơn tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) ngừng hoạt động do người dân hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn tụ tập, cản trở xe vận chuyển rác vào khu xử lý. Trong 3 ngày từ 14 đến 16/7, số lượng rác tồn đọng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã lên đến gần 10.000 tấn.
Để đảm bảo xử lý kịp thời, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã chỉ đạo phân luồng rác tạm thời. Theo đó, tại 4 quận nội thành là Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và Đống Đa có lượng rác lớn (từ 200-400 tấn/ngày đêm mỗi quận) rác sẽ được phân luồng, chuyên chở tập kết tạm thời tại điểm trung chuyển Cầu Diễn.
Tại các quận khác có lượng rác ít hơn như Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Long Biên thì rác được các đơn vị thu gom, đưa về ô chôn lấp ở Khu xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây) theo chỉ đạo của Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, tại một số tuyến phố như đường Láng, Kim Mã, Đào Tấn, Nguyễn Khánh Toàn, Hai Bà Trưng… tình trạng rác chất đống ngay đầu phố, thậm chí là lấp đầy vỉa hè vẫn diễn ra. Nhiều xe thu gom chất đầy rác xếp hàng dài và được phủ kín bạt để tránh mùi hôi.
Những ngày qua tại Hà Nội thời tiết nắng nóng gay gắt vì thế việc ứ đọng rác đã gây nhiều ảnh hưởng tới đời sống của người dân, mất mỹ quan đô thị.
Bà Nguyễn Thị Gái (50 tuổi, sống tại khu vực đường Đào Tấn, quận Ba Đình) cho biết: “Trong ba ngày rác chất đống thì tôi phải đóng cửa hàng, không buôn bán được. Nắng nóng, mùi rác bốc lên rất khó chịu, người bán còn không ngửi được nói gì là khách hàng. Dù bây giờ rác đã được bốc đi nhưng đến giờ mùi vẫn ám lại, không biết lúc nào mới hết.”
Theo ghi nhận, đến sáng 17/7, lượng rác ứ đọng tại một số tuyến đường nêu trên cơ bản đã được xử lý. Không còn tình trạng nhiều đống rác “bủa vây” lề đường khu vực nội đô. Song, các biện pháp này vẫn chỉ là tạm thời.
Sớm giải quyết dứt điểm
Trước đó, liên quan đến vấn đề xử lý môi trường ở bãi rác Nam Sơn, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định di dời 1.100 hộ dân của 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn trong bán kính 500m tính từ chân tường rào bãi rác. Diện tích đất có được sau khi di rời dân là khoảng 396 ha và số tiền giải phóng mặt bằng phải chi trả là 3.400 tỷ đồng.
Cụ thể, để người dân có nơi ở ngay sau khi giải tỏa mặt bằng, thành phố Hà Nội đã giao các sở, ngành liên quan phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn bố trí khu đất tái định cư ở 3 khu vực. Người dân thôn Đông Hạ sẽ tái định cư ở khu đất mới cũng thuộc thôn này, cách bãi rác khoảng 1.000m.
Người dân thôn Xuân Thịnh chuyển đến thôn Thanh Hà, cách bãi rác 7.000m. Người dân thôn Xuân Bảng đến ở thôn Hoa Sơn, cách bãi rác 4.000m. Người dân xã Bắc Sơn sẽ được chính quyền sẽ bố trí tái định cư ở cách xa bãi rác khoảng 3.000m, tại thôn Nam Lý cũng ở xã này. Các hộ dân của xã Hồng Kỳ bị ảnh hưởng từ bãi rác cũng được bố trí tái định cư cách bãi rác khoảng 1.300m.
Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn bắt đầu chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân thuộc Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của bãi rác Nam Sơn từ ngày 2/7/2019. Tuy nhiên, đến nay việc đền bù giải phóng mặt bằng bãi rác Nam Sơn chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.
Về sự việc xảy ra trong những ngày gần đây liên quan đến chuyện bãi rác Nam Sơn tạm ngừng hoạt động, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký văn bản chỉ đạo nhằm giải quyết tình trạng người dân ngăn cản xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ, từ nay đến ngày 20/7/2020 Sở Xây dựng phải khẩn trương chỉ đạo xử lý ngay tình trạng phát tán mùi từ nước thải rỉ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn để hạn chế tối đa ảnh hưởng tới người dân và phải báo cáo kết quả về Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội yêu cầu giao cho các sở, ngành liên quan phối hợp, hướng dẫn Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo đúng quy định và các chính sách đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo giải quyết.
Huyện Sóc Sơn cần tổ chức tuyên truyền tới người dân nhằm chấm dứt việc chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, không để tình trạng này kéo dài và tái diễn trong thời gian tới.
Người dân Thủ đô mong muốn thành phố Hà Nội sẽ giải quyết triệt để vấn đề rác thải, không để tình trạng rác ứ đọng, chất đống tiếp tục diễn ra vì đây không phải là lần đầu tiên bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) tạm ngừng hoạt động. Trước đó, vào năm 2019, người dân hai xã ở Sóc Sơn đã nhiều lần chặn xe chở rác và không cho đổ rác vào bãi rác này.
Anh Nguyễn Tiến Long (43 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm) bày tỏ ý kiến: Rác thải ngày nào cũng sẽ có, nhưng nếu tình trạng rác cứ thường xuyên chất đống như thế này thì không thể ngửi nổi, rất khó chịu. Tôi mong chính quyền thành phố Hà Nội nhanh chóng giải quyết và không để tình trạng này tái diễn.
Mặc dù thành phố Hà Nội đã có những việc làm nhằm tháo gỡ vấn đề đền bù bãi rác Nam Sơn, song hiệu quả chưa được như mong muốn. Các ngành, địa phương của Hà Nội cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giải quyết dứt điểm tình trạng bãi rác tạm ngưng hoạt động khiến người dân nội đô phải “sống chung với rác”.