Biến đổi khí hậu: Hồ núi tại Mỹ chuyển màu do tảo diệp lục xâm lấn
BVR&MT – Tình trạng ấm dần lên đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của tảo diệp lục trong các hồ núi bởi tảo là loại thực vật sống trong nước ngọt và sinh sôi nhanh trong môi trường ấm.
Tình trạng tảo diệp lục xâm lấn các hồ núi ở miền Tây nước Mỹ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đã khiến nhiều vùng hồ núi đổi màu sang xanh – một hiện tượng thiên nhiên chưa từng xảy ra.
Thực tế này đã được các nhà khoa học trường Đại học bang Colorado phản ánh trong báo cáo công bố ngày 7/7.
Nghiên cứu này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái nguyên sinh.
Cụ thể, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học cho biết mật độ tảo tập trung tại 2 hồ núi thuộc khu vực hẻo lánh của bang Colorado, miền Tây nước Mỹ đã tăng hơn 2 lần trong 70 năm qua, ngay cả khi các hồ núi này nằm trong khu vực được bảo vệ.
Chủ nhiệm nghiên cứu, Isabella Oleksy khẳng định tình trạng ấm dần lên ở các môi trường vùng cao đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của tảo diệp lục trong các hồ núi bởi tảo là loại thực vật sống trong nước ngọt và sinh sôi nhanh trong môi trường ấm.
Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu phát hiện mật độ tảo tập trung cao tại các khu vực ô nhiễm cao như khu vực xả nước thải nông nghiệp, chứ không phải môi trường hồ núi trong sạch.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ, sự sinh sôi nảy nở của các loại tảo trong lòng hồ và các đại dương không chỉ ảnh hưởng tới sự sống của các loài động vật hoang dã tại đây mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh trưởng dưới lòng đại dương do tảo che khuất ánh sáng mặt trời.
Ngoài ra, mật độ tập trung cao của tảo tại khu vực biển, sông suối cũng tác động tiêu cực đến kinh tế, ảnh hưởng đến ngư nghiệp, du lịch và chăm sóc sức khỏe.