BVR&MT – Tê tê từng được cho là bị tuyệt chủng cục bộ ở tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi trong 30 hoặc 40 năm qua nhưng các nhà bảo tồn địa phương đang từng bước đưa loài động vật này quay lại tự nhiên.
Hiện có 8 loài tê tê được biết đến và bị cấm buôn bán theo Công ước CITES nhưng cả 8 đều thuộc nhóm bị buôn lậu nhiều nhất trên thế giới. Chỉ riêng năm 2019, các nhà chức trách thu giữ hơn 97 tấn vảy, tương đương hơn 150.000 cá thể tê tê châu Phi.
Y học cổ truyền Trung Quốc từ lâu đã được xem là động lực thúc đẩy nạn buôn bán tê tê. Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đã cấm buôn bán tê tê tại quốc nội – động thái có thể giúp ngăn chặn hoặc chí ít là trì hoãn việc buôn bán tê tê trên toàn cầu. Ngoài ra, tê tê cũng bị săn bắt và buôn bán để lấy thịt.
Riêng với loài tê tê đất Temminck (Smutsia temminckii), tuy quần thể phân bố khắp châu Phi nhưng lại được coi là “tuyệt chủng về mặt sinh thái” ở KwaZulu-Natal. Trong khi “một cá thể tê tê đơn lẻ” có thể cư trú ở một số khu vực phía bắc của tỉnh nhưng cả quần thể thì không thể tồn tại được, theo Ray Jansen, chuyên gia tư vấn loài thuộc IUCN.
Nguyên nhân KwaZulu-Natal mất tê tê đất Temminck chủ yếu là do nạn săn trộm và buôn lậu mặc dù loài này cũng thường bị điện giật do hàng rào điện ngăn cách khu bảo tồn thiên nhiên với đất đai của người dân.
Trong 10 năm qua, nhóm nghiên cứu thuộc Nhóm công tác về tê tê châu Phi (APWG) đã giải cứu và phục hồi tê tê để thả trở lại tự nhiên ở Nam Phi. Nhưng chỉ đến năm 2019, nhóm mới bắt đầu tái thả tê tê ở tỉnh KwaZulu-Natal.
Đầu tiên, tê tê được đưa tới Bệnh viện thú y dành cho động vật hoang dã Johannesburg, một cơ sở phi lợi nhuận chuyên điều trị động vật hoang dã. Trong hầu hết các trường hợp, tê tê cần được điều trị kháng sinh để loại bỏ những căn bệnh mắc phải khi bị buôn lậu. Nếu vượt qua được quá trình này, chúng được mang đến nơi thuộc chương trình “thả mềm”.
“Thả mềm thành công hơn nhiều việc đơn thuần mở cửa lồng và thả con vật đi. Đây là kinh nghiệm thu được từ việc thả các động vật hoang dã khác. Trước tiên, ta cần đưa chúng vào chuồng quây trong vài tuần để chúng làm quen với thức ăn, môi trường, cảnh vật, âm thanh”, Jansen cho biết. Trong giai đoạn thả mềm, những người chăm sóc sẽ đưa tê tê vào sâu trong khu bảo tồn để đảm bảo chúng tìm đủ kiến và mối để ăn, sau đó lại đưa chúng trở về nơi trú ẩn an toàn để ngủ.
Chương trình thả mềm có thể kéo dài tối đa 3 tuần, tùy thuộc vào khả năng thích nghi với môi trường xung quanh của tê tê. Đến khi chúng được thả đi, những người chăm sóc tiếp tục quan sát thông qua các thẻ theo dõi dựa vào tín hiệu GPS và tần số âm thanh VHF. Họ cũng thường xuyên cân và kiểm tra y tế cho những cá thể tê tê này.
Năm 2019, nhóm nghiên cứu giải cứu 43 cá thể tê tê khỏi nạn buôn lậu và mang 7 cá thể trở lại Khu bảo tồn Phinda Private Game ở tỉnh KwaZulu-Natal – đây là địa điểm tái thả lý tưởng vì có diện tích lớn và đội ngũ nhân viên tốt.
“Chúng đã biết tìm thức ăn, tìm được hang và đã sống sót sau 12 tháng khắc nghiệt, và chúng vẫn ở đây… Đó một thành công”, Simon Naylor, người quản lý Khu bảo tồn Phinda chia sẻ. Tuy nhiên, Naylor cho rằng thước đo thành công cuối cùng sẽ là khi tê tê bắt đầu sinh sản.
APWG đang có kế hoạch đưa thêm tê tê vào Khu bảo tồn Phinda.
“Tôi nghĩ đây là một dự án rất đặc biệt và không ai biết kết quả thế nào. Chúng tôi dành rất nhiều kinh phí cho dự án và đặc biệt chú trọng giám sát. Nhưng dự án là điều tốt đẹp cho loài tê tê, chúng tôi đang nỗ lực chứng minh rằng có thể hồi phục thành công loài này”, Naylor cho biết.
Thược Dược (Theo: Monggabay)