Trung Quốc đặt mục tiêu cân bằng giá điện năng bất chấp virus covid-19

BVR&MT – Đại dịch covid-19 khiến các dự án năng lượng tái tạo bị chậm chễ nhưng chính phủ Trung Quốc không có ý định trì hoãn việc xóa bỏ trợ giá.

Nhà máy năng lượng mặt trời ở Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang. (Ảnh: Alamy).

Trung Quốc đang bám sát khung thời gian để xóa bỏ các khoản trợ cấp cho năng lượng tái tạo. Covid-19 khiến giới đầu tư không chỉ chịu áp lực khôi phục sản xuất, tái khởi động các chuỗi cung ứng mà còn phải lắp đặt thêm công suất, kết nối với lưới điện trước khi các khoản trợ cấp kết thúc.

Dù gián đoạn, chính phủ Trung Quốc vẫn quyết tâm đưa năng lượng gió và năng lượng mặt trời cạnh tranh với điện than về giá cả và về tiến độ – mở ra một kỷ nguyên về “hiệu quả kinh tế”. Năng lượng tái tạo được trợ giá từ năm 2011 và việc xóa bỏ các khoản hỗ trợ dự kiến sẽ thúc đẩy cạnh tranh trong ngành này.

Trì hoãn hòa lưới điện

Đại dịch khiến việc kết nối lưới điện trở nên khó khăn hơn khi các chương trình trợ cấp kết thúc. Tháng 5/2019, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), cơ quan hàng đầu về hoạch định chính sách kinh tế cho biết các dự án điện gió trên bờ đã được phê duyệt vào năm 2019 và 2020 nếu kết nối với lưới điện trước thời điểm cuối năm 2021 sẽ được trợ cấp thấp hơn các dự án được phê duyệt vào năm 2018 và kết nối với lưới điện vào cuối năm 2020. Sau năm 2021, các dự án mới sẽ không được trợ cấp nữa. Một số nhà máy năng lượng mặt trời không kết nối được với lưới điện trước ngày 30/6 sẽ bị cắt trợ cấp.

Tổng thư ký Ủy ban chuyên gia năng lượng gió thuộc Hiệp hội Năng lượng gió Trung Quốc Tần Hải Nham cho biết nhiều nhà đầu tư lên kế hoạch công việc theo thời hạn trợ giá đã bị xáo trộn kế hoạch. Nhiều dự án đã được lên kế hoạch và đang xây dựng hiện không thể hoàn thành kịp tiến độ để được nhận các khoản trợ giá. Các nghiên cứu khả thi và quyết định đầu tư đều tính tới các khoản trợ giá nên nếu không được nhận, rủi ro đầu tư không mang lại lợi nhuận dự kiến sẽ tăng lên và các dự án có thể bị hoãn hoặc hủy bỏ.

Mới đây, trên tờ China Energy News, Hà Căn Tân, giám đốc công ty phát điện Giang Tây Tân Năng thuộc Tập đoàn Điện lực Trung Quốc cho biết: “Các dự án với công suất hơn 400 MW cần kết nối với lưới điện vào cuối năm nay nếu muốn nhận được trợ cấp. Khoảng 60% các dự án tự tin thực hiện được điều đó, 20% có thể tự xoay xở và 20% còn lại đối mặt với những khó khăn lớn”.

Công ty Giang Tây Tân Năng cũng đang vấp phải thách vừa đối phó với đại dịch vừa kết nối với lưới điện. Công suất điện gió công ty này đang xây dựng tương đương với 63% công suất năng lượng tái tạo hiện tại.

Ngành năng lượng mặt trời bị ảnh hưởng ít hơn. Nhà phân tích thuộc công ty tư vấn EnergyTrend Trần Quân Doanh cho biết các nhà máy năng lượng mặt trời bị chậm kết nối lưới điện vẫn sẽ được hòa luới vào quý III năm nay, do đó, số liệu kết nối lưới điện hàng năm sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 70% ngành sản xuất năng lượng mặt trời tập trung ở Trung Quốc, đặc biệt là ở phía tây và đông nam nên việc sản xuất không bị gián đoạn quá nhiều mặc dù có những hạn chế về kho vận.

Tuy nhiên, cả ngành năng lượng mặt trời và năng lượng gió đều muốn chính phủ lùi thời hạn kết nối lưới điện. Hồi cuối tháng 3, chuyên gia Tần Hải Nham cho rằng đây là biện pháp thiết yếu để giúp ngành năng lượng gió đương đầu với khó khăn và đề nghị gia hạn ít nhất 6 tháng cho các dự án năng lượng gió trên bờ và các dự án ngoài khơi đã được phê duyệt. Cũng trong tháng 3, Hiệp hội Công nghiệp Quang điện Trung Quốc cũng yêu cầu cho ngành thêm thời gian để hoàn thành kết nối lưới điện.

Bộ Tài chính Trung Quốc đã từ chối các yêu cầu này ngoại trừ ở khu vực Vũ Hán, có nghĩa là cánh cửa trợ giá sẽ đóng lại như dự kiến.

Sản xuất tấm pin mặt trời ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô. (Ảnh: Alamy)

Các giải pháp hỗ trợ

Lâu nay ngành năng lượng tái tạo gặp  c vấn đềề về trợ cấp. Nhiều khoản thanh toán tiền đã quá hạn từ lâu nhưng chưa được nhận và việc siết chặt tài chính của chính phủ do dịch virus corona khiến các công ty năng lượng mặt trời và năng lượng gió càng khó nhận được tiền hơn.

Theo báo cáo cuối năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc vụ viện về việc sử dụng năng lượng tái tạo của Trung Quốc, tiền trợ cấp hiện chỉ đủ để trả trợ giá cho các dự án kết nối vào lưới điện trước năm 2015. Hơn 90% các dự án mới trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) không nhận được trợ giá.

Trợ giá được lấy từ các quỹ trích ra từ ngân sách quốc gia và từ phụ phí giá điện cho năng lượng tái tạo. Nhưng theo chuyên gia thuộc Hiệp hội công nghiệp năng lượng tái tạo Trung Quốc Mã Lệ Phương , phụ phí không được thu triệt để. Tất cả người sử dụng điện, ngoại trừ những người sản xuất nông nghiệp, lẽ ra sẽ trả tiền nhưng trên thực tế, một số hộ gia đình và người sử dụng điện tự sản xuất đã được chính quyền địa phương gạty ra. Mã Lệ Phương cho rằng chính quyền trung ương chưa giám sát nghiêm ngặt quá trình thu tiền điện .

Trong một hội thảo trực tuyến vào cuối tháng 3, nhà nghiên cứu Vương Tư Thành thuộc Viện nghiên cứu năng lượng NDRC cho biết tính đến năm 2019, khoản thiếu hụt trợ giá lên tới 42 tỷ USD.

Mã Lệ Phương cho rằng chương trình trợ giá gặp khó khăn vì một khi đã đạt được mục tiêu thì không điều chỉnh gì thêm nữa:  “Chương trình nhằm mục đích hỗ trợ giai đoạn phát triển ban đầu của ngành năng lượng tái tạo nhưng giờ đây mục tiêu đã đạt được”. Cả năng lượng gió và năng lượng mặt trời đều được hưởng lợi từ những cải tiến công nghệ nhanh chóng, chi phí giảm và triển khai với quy mô lớn. Ở một số vùng, năng lượng tái tạo sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng mà không cần trợ giá từ chính phủ, mang lại một con đường phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số bước để giải quyết các khoản trợ giá chưa thanh toán nhưng sẽ không thể có ngay một giải pháp nhanh chóng. Đầu năm nay, Bộ Tài chính, NDRC và Tổng cục Năng lượng thay đổi hai chính sách để cải thiện quy trình thanh toán trợ giá. Các dự án đủ điều kiện nhận trợ giá sẽ nhận được một tỷ lệ phần trăm nhất định. Chuyên gia Mã Lệ Phương giải thích: “Hiện tại, chính phủ mới chỉ nói rằng sẽ chi trả. Sau đó mới có hướng dẫn chi tiết hơn về tỷ lệ phần trăm và cách thức chi trả”. Ngày 23/4, tại một hội thảo trực tuyến về một luật năng lượng mới, chuyên gia Tần Hải Nham tiết lộ số tiền chi trả rất lớn có nghĩa là phần trăm được nhận không cao.

Nhà nghiên cứu Vương Tư Thành thậm chí hoài nghi rằng các khoản trợ giá tồn đọng sẽ được thanh toán và vì ngành năng lượng mặt trời vẫn cần những khoản trợ giá đó nên nợ đọng có thể sẽ tiếp tục tăng. Mã Lệ Phương lạc quan hơn khi chia sẻ trợ giá cho các dự án điện gió trên bờ đủ điều kiện sẽ ngừng vào năm 2021, và sự cải tiến sẽ giúp năng lượng mặt trời dần đạt tới hiệu quả cân bằng giá với điện lưới. Điều này có nghĩa là số lượng dự án cần trợ giá sẽ bị thu hẹp, trong khi số tiền khả dụng để trả trợ giá vẫn ổn định và khoản thiếu hụt sẽ giảm sau khi đạt đến đỉnh điểm: “Đến năm 2035 hoặc 2040, khoản thiếu hụt đó sẽ không còn nữa”.

Kỷ nguyên mới về cân bằng giá

Gạt đi các vấn đề về trợ giá, có thể khẳng định năng lượng tái tạo đang trên đường đạt mức cân bằng với giá điện lưới.

Nhà máy điện gió Hắc Nhai Tử công suất 50MW của Tập đoàn hạt nhân quốc gia ở Ngọc Môn, tỉnh Cam Túc là thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc về điện gió cân bằng giá được kết nối với lưới điện khi bắt đầu hoạt động vào tháng 8 năm ngoái. Theo giới chức dự án, Hắc Nhai Tử có thể tạo ra 152 triệu KWh mỗi năm và có mức giá tương đương các máy phát điện than địa phương, ở mức 0,043 USD/KWh. Tương tự, nhà máy năng lượng mặt trời công suất 260 MW cũng của Tập đoàn năng lượng hạt nhân ở Mã Yên Sơn, tỉnh An Huy – đơn vị thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc về cân bằng giá điện mặt trời – hiện cũng đạt mức giá ngang bằng các nhà máy phát điện than địa phương, ở mức khoảng 0,05 USD/KWh.

Bất chấp những thành công này, các chuyên gia chỉ ra rằng tuy năng lượng gió và năng lượng mặt trời có thể cạnh tranh với nhiệt điện về chi phí nhưng vẫn còn lo ngại về việc các dự án năng lượng tái tạo hiện tại không phụ thuộc vào trợ giá của chính phủ hoặc xin phê duyệt cho các dự án cân bằng giá mới.

Theo một danh sách năm 2019 về các dự án năng lượng mặt trời và gió đầu tiên kết nối với lưới điện ở mức cân bằng giá, có 25 dự án được trợ giá tự nguyện chuyển sang cơ sở ngang giá điện lưới, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số dự án. Các công ty không sẵn sàng chuyển đổi vì được trợ giá sẽ có lợi nhuận cao hơn. Nhưng một thay đổi trong chính sách của năm nay có thể khuyến khích những công ty này chuyển đổi: công ty này thực hiện sẽ được ưu tiên nhận trợ cấp ưu đãi.

Và dù các dự án mới về năng lượng mặt trời và năng lượng gió được hưởng lợi từ chi phí công nghệ rẻ hơn, những chi phí khác vẫn cao và là rào cản đối với việc đạt mức cân bằng giá. Chi phí phi công nghệ bao gồm chi phí tổn thất, thuế đất, tài chính, vốn phát triển ban đầu và chi phí này có thể chiếm ít nhất 20% tổng chi phí dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Chi phí tổn thất tăng lên khi lưới điện không đủ công suất thu nhận điện được tạo ra, và đây là một vấn đề nan giải đối với ngành này.

Luật Năng lượng mới của Trung Quốc hiện đang được soạn thảo sẽ cải thiện tình hình. Tại một cuộc họp trực tuyến về tham vấn dự thảo luật, Lí Diễm Phương, Giám đốc Trung tâm Luật Năng lượng thuộc Đại học Luật, Đại học Nhân dân cho biết dự luật bao gồm các hệ thống lưới điện tiếp nhận và đảm bảo mua điện để giảm tỷ lệ tổn thất. Dự thảo cũng đặt ra các quy tắc cho các công ty độc quyền như mạng lưới phân phối điện, yêu cầu cung cấp quyền sử dụng công bằng và không thiên vị. Lí Diễm Phương cho rằng các công ty điện lưới hiện không có thiện cảm với năng lượng tái tạo và luật mới là để thay đổi điều đó.

Thược Dược (Theo chinadialogue)