BVR&MT – Ủy hội sông Mê Kông (MRC) vừa bật đèn xanh cho dự thảo chiến lược phát triển lưu vực dòng sông nhằm ứng phó với các áp lực môi trường và xã hội nghiêm trọng từ các dự án phát triển đang diễn ra và được lên kế hoạch cũng như từ biến đổi khí hậu trên toàn lưu vực.
Chiến lược Phát triển Lưu vực mới (BDS) sử dụng SOBR và nhiều nguồn thông tin khác để xác định các vấn đề then chốt mà các quốc gia trong lưu vực đang gặp phải trong phát triển, quản lý nguồn nước và các tài nguyên liên quan, đồng thời đưa ra cách thức các quốc gia đồng thuận giải quyết những vấn đề này nhằm thúc đẩy phát triển bền vững lưu vực phù hợp với mục tiêu và mục đích của Hiệp định Mê Kông 1995.
BDS đặt ra 5 ưu tiên chiến lược để ứng phó với những thách thức lưu vực đang phải đối mặt: duy trì chức năng sinh thái của lưu vực sông Mê Kông; cho phép tiếp cận và sử dụng toàn diện nguồn nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực; cải thiện sự phát triển tối ưu và bền vững ngành nước và các ngành liên quan; tăng cường khả năng chống chịu thiên tai; thúc đẩy hợp tác giữa tất cả các nước trong lưu vực và các bên liên quan.
“Chiến lược mới tập trung hơn vào cách tiếp cận toàn lưu vực để hướng dẫn các bên liên quan đến vấn đề nguồn nước Mê Kông cải thiện tình trạng môi trường, xã hội và kinh tế của lưu vực cũng như đảm bảo lợi ích cho tất cả các quốc gia và người dân Mê Kông”, Tiến sĩ An Pich Hatda, Giám đốc điều hành Ban thư ký MRC chia sẻ.
Những kết quả các bên liên quan hợp tác thực hiện trong 10 năm tới rất đa dạng nhưng đều hướng tới mục đích bảo vệ dòng sông và sinh kế trong bối cảnh các dự án phát triển và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.
Những kết quả này bao gồm đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu và chất lượng nước, xử lý chất thải nhựa, thực hiện kế hoạch quản lý trầm tích trên toàn lưu vực và đảm bảo có các đường cá đi hiệu quả, đồng thời mở rộng ra cả vấn đề cải thiện dự báo bão lũ và hạn hán, truyền đạt thông tin ra công chúng, các cơ chế hợp tác và phối hợp chia sẻ dữ liệu và thông tin về cơ sở hạ tầng cùng các tình huống khẩn cấp liên quan đến nguồn nước.
Chiến lược cũng nêu ra các biện pháp giải quyết vấn đề về giới và người yếu thế, đề xuất các dự án đầu tư chung trong lưu vực, đánh giá các lựa chọn tích hợp hệ thống năng lượng thay thế/nước, phát triển mạng lưới nòng cốt về giám sát sôngc ũng như hệ thống hỗ trợ ra quyết định tương thích.
Dự thảo lưu ý việc thực hiện thành công và hiệu quả các chiến lược phụ thuộc vào sự tham gia của tất cả các bên liên quan để cùng lập kế hoạch và hành động vì lợi ích chung của lưu vực.
MRC sẽ thực hiện BDS thông qua Kế hoạch chiến lược 5 năm phối hợp với các bên liên quan đến phát triển tài nguyên nước. Đặc biệt, Kế hoạch chiến lược giải quyết cả những nhu cầu và thách thức trung và dài hạn đối với lưu vực dòng sông Mê Kông mà không quốc gia ven sông nào có thể tự giải quyết một cách hiệu quả.
Thập kỷ qua, sông Mê Kông hứng chịu mối đe dọa ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu và các dự án phát triển liên quan đến nguồn nước như đập thủy điện, thủy lợi, khai thác cát và cả vấn đề gia tăng dân số. Những thách thức này đều được Báo cáo tình trạng lưu vực 2018 (SOBR) và Nghiên cứu Hội đồng của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) chỉ ra.
Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và các bên liên quan kêu gọi một cách tiếp cận chủ động hơn ở tầm khu vực đối với quy hoạch và quản lý lưu vực để tối ưu hóa lợi ích kinh tế trong khi vẫn có thể tiếp tục bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của sông Mê Kông và sinh kế sinh người dân.
Thược Dược (Theo MRC)