BVR&MT – Đợt hạn mặn khốc liệt vừa qua đã gây thiệt hại khá lớn đối với ngành sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân của tỉnh Bến Tre. Thiệt hại lớn nhất là ngành trồng trọt, do thiếu nguồn nước tưới trầm trọng và nước nhiễm mặn không thể canh tác…
Cụ thể, theo tính toán của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, ước thiệt hại ban đầu trên lĩnh vực trồng trọt khoảng 1.448 tỷ đồng; trong đó, cây lúa 5.287 ha, thiệt hại 18 tỷ đồng; rau màu 168 ha, thiệt hại 22 tỷ đồng; cây ăn trái 28 nghìn ha bị ảnh hưởng, thiệt hại 1.250 tỷ đồng; cây dừa giảm giá trị lợi nhuận từ 10% đến 15%, thiệt hại 138 tỷ đồng; 600 ha cây giống, 1,2 triệu hoa cây cảnh, thiệt hại 18 tỷ đồng… Cùng với đó là khoảng 87 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt.
Theo Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai thì hạn mặn kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đất trồng và gây thiệt hại trên 70% diện tích vườn cây ăn trái, nhất là các vườn trái cây đặc sản nhạy cảm với mặn là chôm chôm và sầu riêng. Hiện tại, tận dụng thời điểm độ mặn giảm và mùa mưa đã bắt đầu, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nhanh chóng tổ chức sản xuất lại để phục hồi kinh tế sau hạn mặn.
Cũng theo ông Bùi Thanh Liêm, giải pháp phục hồi sản xuất có 3 hướng, thứ nhất là giải độc cho đất nhiễm mặn với các biện pháp kỹ thuật như xới đất cho tơi xốp, bón vôi, rửa phèn. Thứ hai, đối với các vườn cây trái không còn khả năng hồi phục sau mặn thì nhanh chóng chuyển đổi sang loại cây trồng khác, có sức chống chịu tốt hơn. Ưu tiên phát triển các loại cây ít nhạy cảm với mặn như cây bưởi, nhãn, xoài, mít…
Tại vùng cây giống, hoa cảnh ở Chợ Lách có thể chuyển đổi sản xuất cây giống theo mùa vụ để có thêm thu nhập. Thứ ba, đối với các vườn có cây còn khả năng hồi phục trong 1 năm thì tập trung chăm sóc với các biện pháp tổng hợp, vừa giải độc mặn cho đất vừa chăm sóc phục hồi, các biện pháp kỹ thuật như bón phân, xới đất, cắt tỉa cành lá, phòng trừ sâu bệnh. Đối với các vườn này thì vừa phục hồi vừa chuẩn bị sớm các biện pháp ứng phó hạn mặn trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, sau hạn mặn, người dân cần vét mương khai thông nước, rửa phèn tích tụ trong đất. Dùng cuốc xới nhẹ chung quanh gốc nhằm tạo thông thoáng cho bộ rễ, để rễ hấp thu dinh dưỡng tốt, giúp cây mau phục hồi qua thời gian dài gặp điều kiện bất lợi. Đối với vườn bưởi đã bị nhiễm mặn cần tưới nước liên tục khoảng từ 5 đến 7 ngày, với lượng nước đủ lớn để rửa trôi lượng muối tích tụ trong đất, giúp bộ rễ sớm phục hồi. Việc rửa mặn phải qua nhiều mùa, nếu lượng nước ít thì nên phun với tia nước nhỏ để làm tăng độ thấm của nước vào đất.
Bón vôi cũng là biện pháp cần thiết để tạo thuận lợi cho việc rửa mặn, liều lượng khoảng 300 kg đến 500 kg/ha. Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón vôi loại nung đỏ, vừa rửa mặn vừa hạ phèn. Nếu đất mặn không có phèn, có thể bón vôi thạch cao và bón sau khi tưới nước vài ngày. Sử dụng phân hữu cơ hoai mục để tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển. Khi cây ra đọt non đến khi lá già xanh tốt thì bộ rễ đã phục hồi, lúc này có thể chăm sóc và bón phân lại bình thường, nên bổ sung các dinh dưỡng trung vi lượng. Sau khi thực hiện các giải pháp trên sẽ giúp cây phục hồi nhanh và phát triển tốt.
Ông Huỳnh Quang Đức- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, trong thời gian tới, cần huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình phòng chống hạn mặn, góp phần tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. Tập trung chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho người dân. Tổ chức tập huấn cho người dân các giải pháp kỹ thuật chăm sóc vườn cây sau hạn mặn. Về lâu dài, cần thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, địa phương và chống chịu được với tình hình hạn mặn ngày càng gay gắt. Từng bước xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng cao, hiện đại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Bố trí lịch thời vụ phù hợp.
Do tình hình hạn mặn ngày càng khốc liệt hơn, nước ngọt ngày càng ít đi vì biến đổi khí hậu khó lường. Do đó, các địa phương của tỉnh Bến Tre cần có giải pháp thích ứng. Phải có sự chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn. Từng nhà vườn phải tính toán thật kỹ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, các biện pháp kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, cần có sự trợ giúp của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương. Bởi hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Bến Tre năm 2020 diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Tỉnh Bến Tre cũng sẽ kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, Chính phủ nên có chính sách miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư khôi phục lại kinh tế sau hạn mặn, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đề nghị cần có gói tín dụng ưu đãi cho nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng để người dân đầu tư khôi phục lại vườn cây, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện hạn mặn./..