BVR&MT – Với sự hỗ trợ của ngành du lịch và chính quyền các địa phương, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng như: Làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng, làng rối nước Đào Thục… Qua đó, khai thác các giá trị văn hóa, lối sống, ẩm thực… của cộng đồng dân cư. Các mô hình này do chính người dân địa phương thực hiện và thụ hưởng lợi ích. Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng “cất cánh”, thành phố cần đầu tư bài bản, nhất là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng du lịch.
“Dạy” người dân kỹ năng làm du lịch
Chỉ ít ngày sau khi Hà Nội dừng thực hiện giãn cách xã hội, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp UBND huyện Thường Tín tổ chức Hội nghị tập huấn về ứng xử văn minh du lịch cho người dân làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội). Từ sớm, hơn 100 người dân làng nghề đã sắp xếp công việc để đến nghe các chuyên gia dạy cách “làm du lịch”.
Sơn mài Hạ Thái là làng nghề sản xuất đồ lưu niệm nổi tiếng của Thủ đô. Từ kỹ thuật chế tác đồ thủ công sử dụng chất liệu sơn cổ truyền, các nghệ nhân đã sáng tạo ra hàng nghìn mẫu sản phẩm như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm… hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. Nếu như trước đây, chất liệu chính là gỗ phủ sơn, thì nay có thêm các sản phẩm tre, nứa, song mây, gốm sứ… Sản phẩm sơn mài Hạ Thái nhỏ gọn, giá cả phải chăng, cho nên được khách du lịch ưa chuộng. Song, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Duyên Thái Ngô Đình Tiến vẫn trăn trở: “Hạ Thái nằm gần trung tâm Thủ đô, điều kiện giao thông thuận lợi lại có nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, người dân hiện mới chỉ tập trung làm hàng xuất khẩu, chưa quan tâm phát triển du lịch; chưa kể còn thiếu kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ để giao lưu với khách”.
Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ với người dân làng nghề sơn mài những kinh nghiệm thực tế; hướng dẫn phong cách, thái độ giao tiếp; nhu cầu của khách khi đến các điểm du lịch… Nhiều nghệ nhân có tiếng khi nghe “giảng bài” đã “ồ, à” ngạc nhiên vì lâu nay mình giỏi làm sản phẩm, nhưng lại chưa biết cách bán sản phẩm. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh: “Người dân phải được trang bị kiến thức làm du lịch để khắc phục nhược điểm trong đón tiếp khách. Phải khơi dậy trong họ lòng tự hào về làng quê của mình để kể cho du khách những câu chuyện về văn hóa, lịch sử và nghề thủ công truyền thống”.
Du lịch cộng đồng là mô hình du lịch tập trung khai thác các giá trị văn hóa, lối sống, ẩm thực… thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư. Đây là xu thế đang phát triển mạnh trên thế giới khi nhu cầu trải nghiệm văn hóa của khách du lịch ngày càng tăng. Trái với các loại hình du lịch như nghỉ dưỡng, khám phá, ở mô hình du lịch cộng đồng, người dân đóng vai trò trung tâm trong hướng dẫn khách trải nghiệm, cảm nhận văn hóa, lối sống, ẩm thực… cũng như cung cấp các dịch vụ du lịch khác cho khách. Tại Hà Nội, khu phố cổ, các làng nghề, làng cổ, danh lam, thắng cảnh nằm trong cộng đồng dân cư là những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Gần đây, đại dịch Covid-19 làm thay đổi nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch. Họ có xu hướng tự tìm kiếm địa chỉ du lịch, tự khám phá thay vì tham gia các tua đông người. Đây là cơ hội tốt với du lịch cộng đồng. Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Minh Hạnh cho biết: “Hà Nội luôn chú trọng du lịch văn hóa, du lịch làng nghề. Nguồn nhân lực tham gia trực tiếp trong hoạt động du lịch cộng đồng chính là người dân địa phương. Đây là những mắt xích quan trọng, quyết định chất lượng và sự phát triển của hình thức du lịch cộng đồng. Những năm qua, Sở Du lịch đã phối hợp các địa phương mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm du lịch cho người dân ở các điểm du lịch, các làng nghề, làng cổ có tiềm năng du lịch cộng đồng, ở xã Cổ Loa (huyện Đông Anh), xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), làng Cựu (huyện Phú Xuyên), làng Lai Xá (huyện Hoài Đức)… Riêng năm 2019, Sở đã tổ chức được 40 buổi tập huấn. Khi có kỹ năng, người dân có thể truyền tải những nét đẹp văn hóa của quê hương đến du khách”.
Từ những hoạt động ban đầu chỉ gồm tham quan, ăn uống mang tính tự phát, với sự hỗ trợ của Sở Du lịch, chính quyền các địa phương, Hà Nội đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng khá hấp dẫn. Nổi bật trong đó phải kể đến làng gốm Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm, làng rối nước Đào Thục… với các sản phẩm du lịch đồng bộ: Khách được tham gia các hoạt động tham quan, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thưởng thức những đặc sản ẩm thực địa phương, mua những món quà lưu niệm mang đậm bản sắc địa phương. Thậm chí, có thể ngủ lại tại các homestay. Hầu hết các dịch vụ đều do chính người dân địa phương thực hiện. Tại Bát Tràng, trước đây, các dịch vụ ăn uống chủ yếu là tự phát, thì nay đã có các nhà hàng chuyên phục vụ đặc sản Bát Tràng, trong không gian nhà cổ. Đến thăm làng gốm Bát Tràng, chị Nguyễn Thu Thủy (phố Tô Hiệu, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Khi tôi đến thăm một khu lò gốm cổ được lưu giữ hàng trăm năm ở gần chợ Bát Tràng thì được chủ nhà giới thiệu một cách hết sức chuyên nghiệp, tận tình. Chủ nhà cũng rất vui vẻ khi tôi chỉ tham quan, mà không tham gia các dịch vụ có thu phí. Hỏi ra mới biết là họ đã được tập huấn kỹ năng làm du lịch cho nên rất chu đáo với khách”. Làng cổ Đường Lâm hiện có hơn 100 gia đình tham gia “chuỗi” cung ứng dịch vụ du lịch, đem lại kinh tế ổn định.
Cần đầu tư bài bản
Các mô hình du lịch cộng đồng hiện nay tập trung chủ yếu tại vùng ngoại thành Thủ đô và đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, phát triển du lịch cộng đồng còn không ít hạn chế. Bát Tràng là dòng gốm nổi tiếng cả trong và ngoài nước, có tuổi đời khoảng 1000 năm với rất nhiều mẫu mã đẹp mắt, có tính ứng dụng, cũng như trang trí nghệ thuật cao. Song, trung bình mỗi năm mới đón khoảng hơn 200 nghìn du khách. Làng cổ Đường Lâm là “bảo tàng” về đời sống nông thôn Bắc Bộ ở Việt Nam, nhưng Phó Trưởng ban quản lý làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết, năm 2019, làng đón khoảng 150 nghìn khách, con số chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Các địa bàn khác như làng rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh), làng Cựu (nơi có nhiều biệt thự cổ ở huyện Phú Xuyên), làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín)… thi thoảng mới có một đoàn khách du lịch.
Thực tế hiện nay, Hà Nội mới chủ yếu hướng dẫn kỹ năng làm du lịch, định hướng phát triển dịch vụ, sản phẩm lưu niệm… và đầu tư hạ tầng cho một số điểm du lịch, làng nghề, làng cổ có tiềm năng du lịch cộng đồng. Các làng cổ, làng nghề còn lại đều khó khăn về hạ tầng cơ sở, hạ tầng du lịch. Việc quy hoạch và triển khai quy hoạch các làng cổ, làng nghề có tiềm năng du lịch cộng đồng còn chậm. Điển hình như Quy hoạch làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc được “khởi động” từ năm 2016 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Nhiều làng nghề được coi là điểm du lịch, nhưng đến tấm biển chỉ dẫn cũng không có, khiến khách du lịch phải loay hoay tìm đường đến điểm tham quan. Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch Hà Nội) Trịnh Xuân Tùng cho biết: “Để khai thác du lịch, các địa phương cần quan tâm hơn đến cảnh quan môi trường, lắp đặt biển chỉ dẫn cho khách tham quan. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch cụ thể, quy hoạch các phân khu chức năng đón tiếp, phục vụ khách, dịch vụ bổ trợ… Nhất là cần phối hợp, kết nối tốt với các doanh nghiệp lữ hành trong quá trình khai thác, đón tiếp và phục vụ du khách”.
Năm 2013, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn thành phố. Trong đó, có quy định về hỗ trợ xây dựng hạ tầng du lịch. Các tổ chức, cá nhân sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí mua vật tư xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, khu trung tâm trưng bày – giới thiệu sản phẩm, nhưng không quá một tỷ đồng/làng nghề. Đầu tư xây dựng các hạng mục công trình nêu trên đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nhưng khả năng thu hồi vốn thấp, mức hỗ trợ lại không nhiều, cho nên chưa địa phương nào kêu gọi được nhà đầu tư. Bởi vậy, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội mới đây đã đề nghị thành phố sớm nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho các chủ đầu tư vào hạ tầng du lịch làng nghề.