BVR&MT – Vảy tê tê vừa chính thức bị loại khỏi danh sách các thành phần được phép sử dụng làm thuốc tại Trung Quốc từ năm 2020.
Quyết định này được đưa ra sau khi Cục Lâm nghiệp Trung Quốc (SFGA) nâng tình trạng bảo vệ của tê tê lên mức cao nhất vào tuần trước.
Các nhóm bảo vệ động vật cho rằng lệnh cấm là một bước quan trọng trong việc loại bỏ nạn buôn bán vô độ loài động vật quý hiếm này.
Hiện có tới 200.000 cá thể tê tê bị tiêu thụ mỗi năm ở châu Á để lấy vảy và thịt. Theo nhóm bảo tồn WildAid, trong năm 2019 có tới hơn 130 tấn vảy, tê tê còn sống và chết – tương đương 400.000 cá thể – bị thu giữ trong các vụ buôn bán xuyên biên giới.
Thương mại cả 8 loài tê tê được bảo vệ theo luật pháp quốc tế và 3/4 loài tê tê ở châu Á được Sách đỏ IUCN xếp hạng cực kỳ nguy cấp, bao gồm cả tê tê vàng đã tuyệt chủng về mặt chức năng.
Trong 5 năm qua, hơn 14.000 cá thể tê tê nguyên con bị các đơn vị hải quan thu giữ tại các cửa khẩu biên giới ở châu Á với 95% các lô hàng vận chuyển từ 21 cá thể trở lên. Điều này cho thấy nỗ lực buôn lậu mang tính phối hợp, theo dữ liệu của think-tank chuyên giám sát các mạng lưới hoang dã, ma túy và tham nhũng bất hợp pháp C4ADS.
Từ năm 2015, 99% vụ thu giữ tê tê bao gồm cả cá thể sống và chết xảy ra ở châu Á với 24% ở biên giới Trung Quốc, tiếp theo là ở Việt Nam và Ấn Độ. Hầu hết tê tê nguyên con bị buôn lậu từ Lào, Thái Lan và Ấn Độ.
Cũng theo C4ADS, 32% các vụ thu giữ vảy trong 5 năm qua diễn ra ở biên giới Trung Quốc đại lục mặc dù các vụ bắt giữ ở Hồng Kông chiếm tới 17%.
Không dễ để xác định nơi xuất phát của các lô hàng nhưng dữ liệu có sẵn cho thấy Nigeria (25%), Malaysia (17%) và Indonesia (12%) là những nguồn cung cấp vảy hàng đầu.
Nhật Anh (Lược dịch từ Guardian)