BVR&MT – Những tưởng châu Á mới là điểm đến nhức nhối của nạn buôn lậu động vật, bao gồm các loài mèo lớn như hổ, nhưng châu Âu cũng đang dần trở nên mất kiểm soát trước hoạt động ngầm đầy thách thức của các mạng lưới buôn lậu hổ xuyên lục địa.
Sáng sớm ngày 16/7/2018, một nhóm lực lượng thực thi pháp luật Cộng hòa Séc phối hợp cùng 175 nhân viên hải quan, 40 cảnh sát, 6 thanh tra, 2 bác sĩ thú y và 1 chuyên gia phúc lợi động vật tham gia vào cuộc vây ráp một số cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã. Ngay trong sáng đó, một nhóm vũ trang đã được cử đi điều tra trang trại của Ludvik Berousek – thành viên gánh xiếc gia đình nổi tiếng và là người điều hành cơ sở nuôi hổ lớn nhất Séc, đơn vị chuyên cung cấp mèo lớn cho các vườn thú và rạp xiếc. Tại đây, đội cảnh sát đặc nhiệm phát hiện một xác hổ lớn bê bết máu. Kết quả khám nghiệm cho thấy con vật bị bắn vào cổ họng và đau đớn vật vã trước khi chết. Phát hiện này phát lộ một mạng lưới buôn bán hổ xuyên biên giới vô cùng phức tạp, trải dài từ Cộng hòa Séc đến vùng Viễn Đông với các sản phẩm từ hổ xuất hiện dưới dạng xà phòng, nước cô đặc hoặc thuốc tại các khu chợ của người Việt cùng hàng loạt cửa hàng bán đồ Việt Nam tại châu Âu.
Tuy nhiên, chiến dịch này chỉ là bước khởi đầu của việc phơi bày lớn hơn về nạn buôn lậu hổ ở châu Âu.
Một báo cáo gần đây do tổ chức bảo vệ động vật quốc tế Four Paws công bố cho thấy các quốc gia thành viên EU đang tiếp tục xuất nhập khẩu hổ và các bộ phận của hổ phục vụ mục đích thương mại. Theo Công ước CITES mà Liên minh châu Âu là thành viên, loại hình buôn bán này bị cấm.
Từ năm 2014 đến 2018, số lượng hổ sống được xuất khẩu thương mại từ các quốc gia như Bỉ, Malta và Đức ra ngoài khối tăng gấp đôi. Hà Lan bị coi là một trong những thủ phạm lớn nhất của châu Âu trong việc xuất khẩu các bộ phận của hổ sang thị trường chính là Trung Quốc. Tuy nhiên, Cộng hòa Séc mới là trung tâm buôn bán các sản phẩm từ hổ, do nơi đây sở hữu cộng đồng người Việt lớn nhất châu Âu, theo nhận định của Kieran Harkin, Trưởng nhóm Chiến dịch động vật hoang dã quốc tế thuộc Four Paws.
Riêng tại Hà Lan, mặc dù luật pháp bảo vệ động vật của quốc gia này rất tiến bộ nhưng xứ sở hoa tuylip và cối xay gió vẫn có số lượng giấy phép buôn bán trái phép các bộ phận của hổ cao hơn bình thường, đặc biệt là sang Trung Quốc.
Harkin nói thêm rằng dữ liệu do Four Paws thu thập chỉ là một phần, do không phải tất cả các quốc gia thành viên EU đều phúc đáp yêu cầu thông tin của tổ chức này.
“Chỉ 13 quốc gia thành viên EU trả lời chúng tôi. Không ai thực sự biết có bao nhiêu hổ ở châu Âu. Hơn nữa, từ dữ liệu chúng tôi nhận được, có khác biệt đáng kể với số lượng hổ chính thức ở châu Âu mà CITES biết”.
Tại Brussels, Bỉ, số lượng giao dịch các bộ phận của hổ giữa Hà Lan và Trung Quốc cũng chiếm con số khá cao. Anja Hazekamp, thành viên Nghị viện châu Âu của Hà Lan gần đây đã thúc ép Ủy ban châu Âu đưa ra thêm câu trả lời.
“Số lượng lớn các bộ phận hổ được xuất khẩu từ Hà Lan sang Trung Quốc nhưng không có câu trả lời rõ ràng về lý do. Tuy nhiên, có bằng chứng từ báo cáo của Four Paws rằng toàn bộ thị trường bất hợp pháp nằm ngoài tầm kiểm soát, và điều đó rất đáng lo ngại, luật pháp của chúng ta vẫn có cửa hậu cho phép giao dịch xảy ra”.
Năm 2016, Ủy ban châu Âu đã thông qua Kế hoạch hành động chống buôn bán động vật hoang dã để giải quyết nạn buôn lậu nhưng Martin Hojsík – thành viên liên nhóm về phúc lợi và bảo tồn động vật thuộc Nghị viện gần đây kêu gọi cần đưa ra luật lệ bao quát hơn.
“Không chỉ xem xét vấn đề buôn bán hổ bất hợp pháp, chúng ta cũng nên tập trung vào những hạn chế trong việc buôn bán hợp pháp, bằng không các lỗ hổng khác sẽ xuất hiện và làm giảm đi cơ hội sống sót của hổ trong tự nhiên, đồng thời làm tệ đi các điều kiện và phúc lợi của hổ nuôi nhốt. Nói chung, chúng ta phải thu hẹp hơn việc buôn bán các loài nguy cấp”.
Tháng 3 năm nay, Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do mới đầy tham vọng giữa EU và Việt Nam, loại bỏ 99% thuế quan giữa hai bên.
Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi đảm bảo các điều khoản bảo vệ động vật trong Hiệp định. Mặc dù vậy, tổ chức Eurogroup for Animal lo ngại “thỏa thuận có thể mở đường cho việc tăng nhập khẩu các sản phẩm có hàm lượng thấp phúc lợi động vật”, bao gồm cả da động vật.
Điểm nổi bật trong thị trường ngầm buôn bán hổ của EU là ngành này vẫn khá bí ẩn, kho chứa xương, da và xương nguyên bộ không thể đo đếm được đều nằm ở các vùng nông thôn, ngoài tầm dò xét của cảnh sát.
Tuy nhiên, với Harkin, tự thân việc thiếu thông tin liên quan đến mức độ của vấn đề cũng mang đầy đủ ý nghĩa.
“Không có dữ liệu cũng là một dạng dữ liệu, chứng minh rằng châu Âu không có cái nhìn tổng quan về tình hình và các nhà chức trách cần bắt đầu hành động để dẹp bỏ vi phạm. Chúng ta muốn thấy EU chấm dứt buôn bán hổ. Chúng ta cần thấy kết thúc của Joe Exotics (nhân vật trong series phim tài liệu Vua Hổ vừa được chiếu trên Netflix) ở châu Âu”.
Thược Dược (Theo Brusselstimes)