BVR&MT – Ngày 29/5, UBND tỉnh Ninh Thuận cùng Trường Đại học Ngoại thương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2020-2030, định hướng đến 2035, nhằm làm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong thời gian tới.
Tham dự hội thảo có nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu… đã đóng góp nhiều ý kiến về việc làm thế nào để hoạt động xuất khẩu của Ninh Thuận chuyển biến hơn trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, Ninh Thuận đang thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, cảng biển,…. để tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế trên vị thế mới, tiến tới là vùng kết nối quan trọng với các nước trong khu vực và thế giới về hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của Ninh Thuận chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh từ năm 2005-2019 tăng trưởng rất chậm và không ổn định. Thí dụ như năm 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 43 triệu USD, mãi đến năm 2019 cũng chỉ đạt 100 triệu USD. Có nhiều năm tổng kim ngạch xuất khẩu giảm sâu. Năm 2018, tỉnh đặt mục tiêu đạt 180 triệu USD, tuy nhiên thực tế chỉ đạt 60,1 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu do cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của tỉnh không có gì mới. Các sản phẩm tiềm năng như: muối tinh, nước mắm, măng tây, nha đam, nho, táo, tỏi, sức cạnh tranh còn thấp; năng lực các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu còn hạn chế…. nên chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, chưa nâng cao được giá trị của sản phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ninh Thuận Phạm Xuân Quang, cho biết, hiện nay, 100% doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trên hệ thống thông quan tự động và phương tiện xuất nhập khẩu trên hệ thống E-Mainfest của ngành Hải quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp tại Ninh Thuận chủ yếu là công ty con hoặc cơ sở sản xuất của các công ty mẹ có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, nên việc ký kết hợp đồng xuất khẩu, điều phối sản xuất lượng hàng hóa giữa các công ty con thì việc lo thủ tục xuất khẩu do các bộ phận chuyên nghiệp của công ty mẹ đứng ra thực hiện, các công ty con chỉ sản xuất và tập kết hàng hóa tại công ty mẹ theo yêu cầu, nên một số doanh nghiệp không thực hiện thủ tục xuất khẩu tại Chi cục Hải quan Ninh Thuận. Điều này cũng là một trong những trở ngại để hoạt động xuất khẩu của tỉnh chậm phát triển.
Đại diện Công ty TNHH Thông Thuận phản ánh, công ty có hai nhà máy hoạt động chế biến và xuất khẩu tôm đông lạnh, sản phẩm đầu ra đạt đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế như: Global Gap 3 sao, ACC 3 sao, HACCP, IFS, HALA…. chế biến ra nguồn sản phẩm thủy sản xuất khẩu chất lượng cao, xuất sang các thị trường lớn như: EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc…. Năm 2019 đóng góp hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay, công ty rất cần các thông tin chuyên sâu về thị trường xuất khẩu mới cho sản phẩm tôm đông lạnh, các hoạt động kết nối kinh doanh hỗ trợ kinh phí, thủ tục giải ngân đơn giản hơn để công ty tham dự các hội chợ triển lãm ở ngoài nước, nhằm tăng cơ hội tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường mới… Tuy nhiên những năm qua, công ty chưa được tỉnh và các ngành hỗ trợ về vấn đề này.
Bà Trần Đình Cẩm Lan, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất tôm Mona tại Ninh Thuận, bức xúc nói: “Công ty chúng tôi chuyên cung cấp tôm bố mẹ cho nhiều khách hàng các nước trên thế giới, nhưng chúng tôi thích bán cho khách hàng trong nước hơn bán cho khách hàng ngoài nước, vì thủ tục liên quan đến xuất khẩu rất vất vả, phải tốn nhiều cuộc điện thoại để cơ quan Thú y vùng 6 cử người đến Ninh Thuận lấy mẫu xét nghiệm mẫu tôm bố mẹ trước khi xuất khẩu. Khi gửi mẫu đến cơ quan Thú ý vùng 6, phải mất từ 2-4 ngày, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc kiểm định chất lượng tôm giống. Điều đáng nói ở đây là Ninh Thuận cũng có cơ quan xét nghiệm là Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhưng Chi cục Thú y vùng 6 lại không tin kết quả xét nghiệm của Ninh Thuận thì doanh nghiệp biết tin ai. Một hợp đồng ký với khách hàng trong nước giá thấp nhất cũng hơn 300 triệu đồng, nên lâu nay chúng tôi từ chối ký hợp đồng cung ứng nguồn tôm giống bố mẹ có giá trị từ 15 nghìn USD trở xuống ra thị trường ngoài nước, vì thủ tục xét nghiệm mẫu tôm bố mẹ do cơ quan Thú y vùng 6 đảm nhận đang gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh Ninh Thuận cần cải thiện nhiều hơn nữa môi trường kinh doanh và hành chính công, cần có những chính sách phù hợp để phát triển 12 sản phẩm đặc thù, đặc trưng là thế mạnh tại địa phương; tỉnh cần đầu tư xây dựng kho trữ hàng lớn để trữ măng tây; cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhiều cơ chế, chính sách để thỏa mãn đầu tư sản xuất sản phẩm đặc thù; cần hỗ trợ doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu kết nối, tìm kiếm xuất khẩu sản phẩm với thị trường thế giới. Lâu nay, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn bị “kìm hãm” do yếu tố khách quan, chủ quan tác động. Cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh chưa đồng bộ, nên doanh nghiệp phải tự bươn chải, tự tìm lối tiếp cận thị trường, nên gặp rất nhiều khó khăn.
Ban tổ chức hội thảo ghi nhận những ý kiến của các doanh nghiệp và lãnh đạo các ngành cũng đã chia sẻ, giải trình những vấn đề liên quan. Theo Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Anh Tuấn, việc doanh nghiệp vay vốn đầu tư xuất khẩu liên quan đến ngoại tệ còn có khó khăn do phải quản lý chặt chẽ theo quy đinh của Chính phủ. Để hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị cũng đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại phải có giải pháp để thực hiện tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, các hợp tác xã vay theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản sản phẩm, theo quy định thì nhà nước chỉ hỗ trợ 70% vốn (khoảng 1 tỷ đồng) cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp phải xây dựng kho bảo quản từ 200 tấn nông sản trở lên. Nếu là doanh nghiệp nhỏ thì không đủ khả năng, vì vốn đầu tư quá lớn. Đơn vị đang kiến nghị tỉnh nâng vốn hỗ trợ lên từ 2-3 tỷ để giúp doanh nghiệp trong thời gian tới.
“Hiện tại đơn vị đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, xác lập sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nho, táo, măng tây xanh, dê, cừu… thông qua chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ để doanh nghiệp tạo sự tin cậy đối với thị trường xuất khẩu, từng bước góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng giá trị sản xuất”, ông Nguyễn Hoàng Sơn nói.
Theo TS Nguyễn Thu Hằng, Trường Đại học Ngoại thương, Ninh Thuận có nhiều sản phẩm rất đặc trưng, tuy nhiên tỉnh cần xác định rõ nhóm ngành ưu tiên, có giá trị lớn để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong giai đoạn hậu Covid-19. Cùng với đó, cần có phương án liên kết sản xuất quy mô lớn và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng; cần khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo quy chuẩn khoa học. Như vậy các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh mới có thế vượt qua các hàng rào phi thuế quan ở thị trường quốc tế.
TS Nguyễn Thu Hằng nói: “Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới sau dịch Covid-19 và đón đầu cơ hội tiếp cận thị trường EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 7-2020. Đồng thời chủ động nghiên cứu các quy định ưu đãi, tiêu chuẩn, chất lượng từ các thị trường tiềm năng để sản xuất phù hợp, nhằm tận dụng ưu đãi, vượt qua rào cản thương mại trong bối cảnh hậu dịch bệnh Covid-19”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Phạm Văn Hậu, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đối với sự phát triển của các doanh nghiệp và sự phát triển của tỉnh, nhất là các nhận định, phân tích và gợi mở định hướng mô hình và giải pháp phát triển trong giai đoạn đến. Theo ông Phạm Văn Hậu, lâu nay, tỉnh luôn xem thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, nên tỉnh luôn đồng hành, tháo gỡ tất cả những khó khăn, vướng mắc trong phạm vi và quy định để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Hiện tại, tỉnh cũng đã quy hoạch vùng sản xuất, nuôi trồng rất cụ thể cho từng nhóm ngành, lĩnh vực, với mục tiêu tạo sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Do đó, các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, chủ động tiếp cận thêm thị trường trong khu vực để tìm hướng xuất khẩu sản phẩm phù hợp, góp phần tạo đột phá để đưa ngành công nghiệp của tỉnh đi lên.
“Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp hãy chủ động báo cáo lên UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc để tỉnh kịp thời hỗ trợ tháo gỡ giúp doanh nghiệp. Lâu nay tỉnh thông báo rộng rãi về các chính sách đồng hành với doanh nghiệp, nhưng còn nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến điều này. Mong rằng sắp tới, các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hãy mạnh dạn bộc bạch những tâm tư, đề xuất những nguyện vọng của mình để tỉnh cùng các ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, bơi ra biển lớn”, Phó Chủ tịch Phạm Văn Hậu nói.