BVR&MT – Khoảng 3km sông Hậu đoạn qua xã Bình Mỹ có chiều rộng chỉ khoảng 300m do phù sa bồi đắp đã làm gia tăng vận tốc dòng chảy gây xói bờ, do đó cần chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để bảo vệ Quốc lộ 91.
Sau gần một năm kể từ vụ sạt lở đất làm mất gần 100m Quốc lộ 91, đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (An Giang) thì mới đây, ngày 27/5, cũng trên tuyến Quốc lộ này, lại tiếp tục xuất hiện sạt lở với chiều dài hơn 40m, đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 29 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Trước những giải pháp khắc phục sạt lở tiêu tốn hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương được xã hội hóa Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu, nhằm bảo vệ tuyến Quốc lộ 91 một cách căn cơ và lâu dài.
Tốn tiền tỷ để xử lý sạt lở
Vẻ mặt thất thần vì buộc phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, ông Lê Bá Tròn, 45 tuổi, ngụ ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) cho biết căn nhà của ông mới được xây dựng lại cách đây 2 năm, với số tiền hơn 500 triệu đồng, đến nay chưa trả hết nợ.
“Mấy ngày trước, mặt đường Quốc lộ 91 cũ thấy xuất hiện nhiều vết nứt chạy cặp theo bờ sông Hậu, các vết nứt ngày càng mở rộng, ăn sâu qua hàng cột điện, vào sát tận cổng nhà, khiến bà con ai cũng mất ăn mất ngủ. Đến sáng 27/5, mặt đường trước nhà đã đổ sụp xuống sông Hậu. Gia đình sống ở đây 3 thế hệ rồi, nay phải di dời đi nơi khác vì nhà nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở đặc biệt nguy hiểm,” ông Tròn xót xa.
Trước đó, vào khoảng 6 giờ 10 phút ngày 23/5, mặt đường Quốc lộ 91 cũ, đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang (cách vị trí sạt lở vào tháng 8 năm 2019 khoảng 80m về hướng thành phố Long Xuyên) xuất hiện nhiều vết nứt.
Vị trí các vết nứt mới nằm ở khu vực ngã 3 giao giữa đường tránh khu sạt lở Quốc lộ 91 năm 2010 và Quốc lộ 91; vết nứt ăn sâu vào 1/3 mặt đường với chiều dài khoảng 20m, bề rộng vết nứt từ 0,1 đến 1,2cm chạy dài cặp theo bờ sông Hậu, có nguy cơ sạt lở xuống sông Hậu.
Đến khoảng 5 giờ 30 phút ngày 27/5, đoạn đường này đã bị sạt lở, khiến 1/3 mặt đường nhựa, với chiều hơn 40m bị sụt hoàn toàn xuống sông Hậu.
Vụ sạt lở đe dọa đến 81 hộ dân, trong đó có 29 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Như vậy, sau 5 ngày kể từ lúc xuất hiện các vết nứt, dù tỉnh An Giang đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ nhưng vẫn không ngăn được sạt lở.
Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, vị trí sạt lở Quốc lộ 91 cũ, đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vào sáng 27/5 đang có dấu hiệu tiếp tục mở rộng về phía hạ lưu.
Đoạn sạt lở nằm trong cảnh báo sạt lở của tỉnh nên không gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.
Nguyên nhân sạt lở bước đầu được xác định là do chế độ dòng chảy thay đổi qua đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, mái sông thẳng đứng, nền đất yếu gây ra hiện tượng rạn nứt.
Ngay sau khi xuất hiện dấu hiệu sạt lở nguy hiểm, cơ quan chức năng đưa ra hướng xử lý, cũng như tiến hành chặt bỏ cây xanh, cắm biển báo không cho phương tiện giao thông (đường thủy và đường bộ) đi qua khu vực này nhằm hạn chế sạt lở.
Trước đó, tối 31/7 và rạng sáng 1/8/2019, trên tuyến Quốc lộ 91, đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã liên tục xảy ra sạt lở đất.
Hậu quả làm 1/2 mặt đường nhựa với chiều dài hơn 85m về phía hạ lưu bị sụp hoàn toàn xuống sông Hậu, buộc 26 hộ dân phải di dời khẩn cấp, làm tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh bị tê liệt.
Tại vị trí sạt cách bờ 70m có hố xoáy sâu 25m.
Đến nay, tỉnh An Giang đã chi hơn 25 tỷ đồng để xử lý sạt lở khẩn cấp. Đặc biệt, điểm sạt lở này cách địa điểm sạt lở vào năm 2010 khoảng 150m về phía thượng lưu.
Riêng vụ sạt lở tháng vào 3/2010 đã khiến toàn bộ mặt đường Quốc lộ 91 cùng 51 trụ chắn và hàng trăm rọ đá mất hút xuống lòng sông trong lúc đang khắc phục sự cố.
Vụ sạt lở làm thiệt hại 6 căn nhà và hàng chục căn nhà khác phải tháo dỡ di dời khỏi vùng nguy hiểm. Kinh phí hỗ trợ di dời hơn 10 tỷ đồng.
Sau sự cố, cơ quan chức năng đã mở thêm một tuyến đường mới vòng qua khu dân cư với chiều dài 400m để các phương tiện lưu thông an toàn.
Ông Nguyễn Văn Du, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình Giao tỉnh An Giang cho biết, sau khi xảy ra sạt lở Quốc lộ 91, đoạn đi qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vào năm 2019, khiến mặt đường Quốc lộ 91 với chiều dài 85m về phía hạ lưu bị sụt hoàn toàn xuống sông Hậu, 26 hộ dân phải di dời khẩn cấp, Chính phủ đã cấp dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 cho tỉnh An Giang 140 tỷ đồng để tổ chức thực hiện các công trình khẩn cấp chống sạt lở.
Tỉnh An Giang đã triển khai Dự án xử lý sạt lở sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91 đoạn qua huyện Châu Phú với chiều dài 1.350m từ Km88+574 Quốc lộ 91 (từ vị trí mép dưới của vị trí sạt lở 85m hướng về phà Năng Gù khoảng 660m) đến Km89+928 Quốc lộ 91 (từ vị trí mép trên của vị trí sạt lở 85m hướng về cầu Cây Dương khoảng 605m) với tổng mức đầu tư được xác định là 242,424 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi Ban quản lý Dự án công trình Giao thông tỉnh An Giang mới thực hiện xong giai đoạn 1 – xử lý khẩn cấp sạt lở nghiêm trọng Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, có chiều dài là 160m, với kinh phí 25,2 tỷ đồng (nghiệm thu đưa vào sử dụng ngày 13/4/2020), thì sáng 23/5/2020 tại Km89+076 của Quốc lộ 91 (cách vị trí sạt lở năm 2019 khoảng 85m hướng về hạ lưu) tiếp tục xuất hiện các vết nứt, đến sáng 27/5 sụt 1/3 mặt đường xuống sông Hậu.
Kiến nghị Chính phủ cho “nắn” dòng sông Hậu
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, vấn đề ưu tiên trong ứng phó sạt lở của tỉnh An Giang là bảo vệ an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân, tiếp đó mới tính đến các vấn đề xử lý sạt lở.
Ông Trần Anh Thư cho rằng, việc xử lý sạt lở bằng các giải pháp công trình chỉ thực hiện trong tình huống cấp bách, mang tính cấp thiết trước mắt nên thường tốn chi phí rất cao và không bền vững vì nó không giải quyết được gốc rễ vấn đề, công trình có thể bị hư hỏng sau 2-3 năm hoặc gây sạt lở ở các khu vực lân cận.
Để xử lý sạt lở một cách căn cơ, triệt để, sớm ổn định dân cư và hoàn trả lại mặt đường Quốc lộ 91, đoạn qua xã Bình Mỹ của huyện Châu Phú, cần phải thực hiện việc nạo vét, thông luồng, chỉnh trị dòng chảy sông Hậu.
“Giải pháp này không thể làm gấp gáp và không sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, để thực hiện việc nạo vét khơi thông, chỉnh trị dòng chảy cần thực hiện theo các quy trình nghiêm ngặt, với sự nghiên cứu, tham vấn của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia và nhà khoa học,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Anh Thư lưu ý.
Trước đó, ngày 8/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã có văn bản số 489/Ủy ban Nhân dân-KTN gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh An Giang xã hội hóa Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ Quốc lộ 91, đoạn đi qua khu vực xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú với chiều dài khoảng 3km; việc chỉnh trị, nạo vét thông luồng kết hợp tận thu cát.
Đơn vị thực hiện chỉnh trị chịu chi phí lập dự án chỉnh trị và chi phí đền bù đất bãi bồi (ngoài phạm vi 30m đất bãi bồi do nhà nước quản lý); trường hợp mức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát tận thu lớn hơn chi phí lập dự án và đền bù đất bãi bồi, đơn vị thực hiện chỉnh trị phải nộp lại ngân sách phần chênh lệch.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang cho biết, thời gian gần đây tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang ở các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao… có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong tháng 8/2019, trên tuyến Quốc lộ 91, đoạn qua xã Bình Mỹ (Châu Phú) đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Để khắc phục đoạn sạt lở trên tuyến Quốc lộ 91, đoạn qua xã Bình Mỹ (Châu Phú) sau khi hoàn thành 5km Quốc lộ 91 mới (từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương), Bộ Giao thông-Vận tải đã giao lại tuyến Quốc lộ 91 bị sạt lở thuộc xã Bình Mỹ cho tỉnh An Giang triển khai tiếp phần xử lý và kiên cố hóa đoạn có nguy cơ sạt lở dài hơn 2km, với tổng kinh phí trên 160 tỷ đồng (hiện Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đang khẩn trương triển khai thực hiện).
Tuy nhiên, nếu chỉ xử lý và kiên cố hóa đoạn sạt lở qua xã Bình Mỹ (Châu Phú), thì không đảm bảo lâu dài.
“Hiện nay, chiều rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực này kéo dài khoảng 3km bị thắt hẹp còn khoảng 300m (do phù sa bồi đắp ở bờ đối diện) so với đoạn ở thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng khoảng 600m, làm gia tăng vận tốc dòng chảy gây xói bờ. Đồng thời, công trình bảo vệ bờ Quốc lộ 91 làm giảm thêm tiết diện mặt cắt ướt dòng chảy, sẽ làm tăng nguy cơ xói lở; do đó cần chỉnh trị dòng chảy sông Hậu đoạn qua khu vực để bảo vệ Quốc lộ 91,” ông Trần Anh Thư phân tích.
Đồng tình với đề xuất của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập các hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, cơ chế sạt lở là do lòng sông hẹp nên sinh ra 2 dòng chảy là chảy tới và chảy xoắn.
Dòng chảy xoắn “ăn đứt chân” đường bờ, nên việc thực hiện xây kè sẽ không mang lại hiệu quả.
Kinh nghiệm cho thấy, khi kè một điểm thì sẽ dịch chuyển xuống ngay phần tiếp với hạ lưu của kè mới làm và tiếp tục sạt lở. Do vậy, việc xây kè vô hình chung, chúng ta đang dịch chuyển vùng sạt lở chứ không phải giải quyết sạt lở.
“Đối với trường hợp Quốc lộ 91 vì có nhiều nhà dân nằm trong vùng cảnh báo sạt lở, nên phương án chỉnh trị dòng chảy là khả thi nhất. Tuy nhiên, việc chỉnh trị này sẽ đưa dòng chảy sang phía bờ bên kia và có nguy cơ gây sạt lở. Do vậy, bài toán kinh tế cần phải được tính toán kỹ trước khi triển khai,” ông Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.
Theo ông Trần Anh Thư, trong lúc chờ Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép chỉnh trị dòng chảy sông Hậu, giải pháp trước mắt là tỉnh phải nâng cao năng lực cảnh báo, theo dõi, quan trắc cảnh báo các đoạn sông xảy ra sạt lở; phối hợp với các địa phương tiến hành khoanh vùng các khu vực có nguy cơ sạt lở, cắm mốc giới hạn hành lang sạt lở nguy hiểm, làm cơ sở cho các địa phương tiến hành thống kê hộ dân và lập quy hoạch dân cư, giao thông và xây dựng kế hoạch di dời dân ra khỏi khu vực sạt lở.
Bên cạnh đó, tỉnh cần rà soát điều chỉnh quy hoạch giao thông, dân cư trên địa bàn một cách đồng bộ, định hướng di dời dân lâu dài, ổn định cuộc sống gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
Đặc biệt là chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, đề xuất giải pháp quản lý nhà nước về giao thông, xây dựng trên khu vực bờ sông, kênh, rạch và khu vực cảnh báo sạt lở; không để phát sinh, cải tạo gia tăng tải trọng nhà ở, công trình trên bờ sông, kênh, rạch trái phép; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư các cụm, tuyến dân cư phục vụ di dời dân cư vùng sạt lở…