BVR&MT – Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa có báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2019 trên phạm vi cả nước, gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIV.
Báo cáo cho biết trong năm 2019, ô nhiễm không khí là vấn đề gây lo ngại trong nhân dân. Theo đánh giá, một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng tại một số thành phố lớn là do phát thải của các phương tiện cơ giới. Tại Hà Nội có hơn 770.000 ôtô và gần 5,8 triệu xe máy; TP HCM có khoảng 870.000 ôtô và hơn 8 triệu xe máy lưu thông hàng ngày khiến ô nhiễm không khí ở 2 địa phương này rất nghiêm trọng.
Về ô nhiễm mặt nước, trong năm 2019, trên cả nước có hơn 32 triệu m3 nước thải chăn nuôi, gần 16 tỉ m3 nước thải nuôi trồng thủy sản và lượng lớn nước thải từ các làng nghề thải trực tiếp ra hồ, sông, kênh, rạch làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Chính phủ đánh giá ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện.
Về ô nhiễm môi trường đất, báo cáo lưu ý tại một số khu vực tập trung sản xuất công nghiệp, làng nghề tiếp tục có hiện tượng ô nhiễm kim loại nặng, như ở xã Thạch Sơn (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ), Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), làng nghề tái chế Châu Khê (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), KCN Hòa Khánh (TP Đà Nẵng)… Theo kết quả thống kê, do ảnh hưởng trực tiếp từ xả thải, cả nước có khoảng 11 triệu ha đất đang bị thoái hóa và nguy cơ bị thoái hóa, giảm chất lượng, giảm năng suất, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và mất cân bằng hệ sinh thái, môi trường.
Cũng theo báo cáo, trong năm 2019, các nguồn ô nhiễm tăng nhanh về số lượng, phát sinh nhiều loại hình chất thải, chất ô nhiễm, trong đó có chất thải nguy hại và các chất ô nhiễm độc hại đối với môi trường và con người. Tính đến hết năm 2019, cả nước có 372 KCN đã được thành lập, trong đó có 280 KCN đã đi vào hoạt động; bên cạnh đó có 698 cụm công nghiệp đang hoạt động. Với 846 đô thị, ước tính hằng ngày phát sinh hơn 7 triệu m3 nước thải sinh hoạt và hơn 35.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt và các vấn đề vệ sinh môi trường khu vực đô thị và vùng lân cận ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề để phát sinh các chất ô nhiễm độc hại, đang là những điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở một số địa phương, nhất là trên lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy, hệ thống sông Bắc Hưng Hải ở miền Bắc.
Đó là chưa kể ở nhiều địa phương đang tồn tại nhiều cơ sở sản xuất – kinh doanh thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nằm xen lẫn trong các khu dân cư, khu vực đô thị, kể cả làng nghề. Đây là những cơ sở có lưu giữ hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại, các chất ô nhiễm độc hại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân xung quanh. Điển hình là sự cố cháy nổ hóa chất tại Công ty CP Phích nước Rạng Đông (Hà Nội) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường, sức khỏe và cuộc sống của người dân xung quanh khu vực nhà máy.
Về kết quả xử lý vi phạm, báo cáo cho biết trong năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 17 đoàn thanh – kiểm tra đối với gần 400 cơ sở; qua đó xử phạt vi phạm hành chính trên 55 tỉ đồng. Bộ Công an cũng đã phát hiện 26.640 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, với 26.471 tổ chức, cá nhân; đã chuyển cơ quan CSĐT các cấp đề nghị khởi tố 375 vụ, 670 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 21.889 vụ, hơn 308 tỉ đồng.