BVR&MT – Sáng 13/5, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận thêm ca mới mắc Covid-19. Tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 6 giờ ngày 13/5, Việt Nam có 27 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới và một số chuyên gia quốc tế đã đánh giá cao về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhanh và hiệu quả tại Việt Nam.
88% ca bình phục, Việt Nam tiếp tục ngăn chặn triệt để nguồn lây bên ngoài
Đến nay, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 12.634, trong đó có 322 ca cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.819 ca cách ly tập trung tại cơ sở khác và 5.493 ca cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Việt Nam đã qua 27 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Hoạt động giám sát được triển khai đối với các nhóm nguy cơ như người có triệu chứng cảm, cúm, ho, sốt tại cơ sở y tế; những nơi có đông người lao động; khu vực có nguy cơ dịch tễ…
Hiện mỗi ngày Việt Nam xét nghiệm khoảng gần 2.000 mẫu, và đến nay đã thực hiện xét nghiệm 275.000 mẫu, phát hiện 288 trường hợp nhiễm Covid-19, phần lớn ở trong cơ sở cách ly tập trung. Đánh giá dịch tễ học về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện rất thấp.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm hai lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ở tất cả các tuyến. Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị… trong nước.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 252 bệnh nhân Covid-19 tại nước ta được công bố khỏi bệnh/xuất viện chiếm 88% tổng số ca đang điều trị. Hiện còn 36 bệnh nhân đang điều trị tại sáu cơ sở y tế tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.
Tính đến sáng 13-5, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại sáu cơ sở y tế, hiện đã có bảy bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 và chín bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện chỉ còn lại 20 bệnh nhân Covid-19 có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2
Về tình hình điều trị bệnh nhân nặng, hiện chỉ còn BN91 đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh vẫn đang nguy kịch, đã được chụp CT để đánh giá chức năng phổi. Chiều 12-5, hội đồng chuyên môn đã tiếp tục hội chẩn ba miền để đánh giá khả năng ghép phổi. BN19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh chuyển trạng thái từ bệnh nhân nguy kịch sang nặng, hồi phục tốt, đã tự thở khí phòng.
Biện pháp chống dịch của Việt Nam được đánh giá cao
Chiều 12-5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đã làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, một số chuyên gia quốc tế, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện một số bộ, ngành… về tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp nắm bắt thông tin nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… của Việt Nam. TS Kidong Park và nhiều chuyên gia quốc tế cảm ơn và đánh giá cao sự chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ của Việt Nam về mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
TS Kidong Park cho biết thêm, nhóm chuyên gia của WHO đã tham gia một cuộc họp kỹ thuật thảo luận về cập nhật hướng dẫn quản lý Covid-19, chiến lược xét nghiệm và trường hợp tử vong của bệnh nhân 251. Từ đó, ông và các chuyên gia tin tưởng kết quả hội chẩn chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam.
Trước tình hình dịch bệnh còn kéo dài, còn hiện hữu nhiều nguy cơ có những ca bệnh tại cộng đồng, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị cần tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn như: Mô hình hoá sự lây lan dịch bệnh; đánh giá hệ thống y tế để tìm ra điểm yếu, hạn chế từ đó đầu tư kịp thời, bảo đảm luôn chủ động phòng, chống dịch; ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập bên ngoài; tăng cường giám sát các nhóm nguy cơ… Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát lại các biện pháp hạn chế, đánh giá, cập nhật thông tin mới… làm cơ sở đưa ra khuyến nghị phù hợp về đi lại, giao thương.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cám ơn sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của WHO, các tổ chức và chuyên gia quốc tế ngay từ những ngày đầu phòng, chống Covid-19 của Việt Nam và mong muốn hai bên tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, đóng góp các sáng kiến, bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước nghèo, đang phát triển.
Về công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội. Ngành y tế tiếp tục triển khai nghiên cứu về thuốc, vaccine, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khoẻ điện tử từng người dân… Lực lượng quân đội, công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung.
Tại cuộc làm việc, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia cũng đặc biệt lưu ý trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong thực hiện nghiêm việc cách ly đối với những chuyên gia, lao động kỹ thuật cao tại các cơ sở lưu trú ở địa phương. Các bộ ngành, địa phương phải thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt hằng ngày…