BVR&MT – Các con đập, lợi ích kinh tế và quyền lực chính trị là một vài yếu tố khiến sông Mê Kông vĩ đại bị khai thác quá độ. Nhiều cơ quan xuyên quốc gia được thành lập để giám sát sự phát triển của dòng sông đang cạnh tranh nhau nhưng liệu có ai ngăn chặn đà suy giảm của Mê Kông?
Lòng sông nứt nẻ, lưới đánh cá trống trơn, dòng sông màu xanh trong vắt tuyệt đẹp len lỏi qua cảnh quan khô cằn.
Đó là những gì nhìn thấy ở sông Mê Kông vĩ đại hồi đầu năm nay, khi mực nước thấp kỷ lục cho thấy huyết mạch chủ yếu dài 4.350 km của Đông Nam Á có vai trò trong mọi thứ, từ an ninh lương thực đến quốc phòng và sản xuất năng lượng dễ tổn thương đến mức nào.
Không ai hiểu dòng sông mà chỉ thấy mặt nước tụt hẳn khỏi đôi bờ, biến thành màu xanh của biển Caribbe do thiếu trầm tích chứa màu bùn mang lại sự sống thì cho rằng có gì đó không ổn.
Câu hỏi thực sự là ai có thể làm gì cho dòng sông.
Sự phát triển của lưu vực sông Mê Kông được hướng dẫn rõ ràng bởi mạng lưới gồm 13 cơ quan hợp tác hình thành từ nhiều mối liên kết đa dạng của 6 quốc gia dòng sông chảy qua – Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Nhưng mặc cho tầm quan trọng của nước đối với khoảng 60 triệu người sống dọc bờ sông, hiện sông Mê Kông lại thiếu một cơ chế quản trị xuyên quốc gia hiệu quả và điều này có thể đe dọa sự tồn tại lâu dài của hệ sinh thái con sông trước những mối đe dọa từ biến đổi khí hậu và xây đập ở thượng nguồn – các dự án phần lớn được nhà nước Trung Quốc bơm vốn.
Cameron Zawacki, tác giả cuốn sách “Thái Lan: Chuyển cực giữa Hoa Kỳ và một Trung Quốc đang trỗi dậy” nhận định: “Đó là thách thức chung. Lợi ích quốc gia thắng thế trong ngắn hạn và lý do chính trị kết hợp với kinh tế trở thành nhân tố chính, hiệu ứng tập thể là sông Mê Kông có thể đi bộ được theo cách mà trái đất đang ấm lên rõ rệt”.
Các dòng sông xuyên quốc gia đặt ra thách thức mở rộng trong quan hệ quốc tế và sông Mê Kông cũng không ngoại lệ. Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất thúc đẩy các dự án xây đập trên sông nhưng vị trí tại đầu nguồn con sông khiến các dự án của nước này có trọng lượng hơn hẳn. Cho đến nay, các công ty Trung Quốc đã hoàn thành 11 con đập ở dải đất phía nam và tài trợ cho nhiều đập tại các dòng nhánh sông Mê Kông ở Lào.
Trong khi mọi các quốc gia khác ở hạ nguồn đã rời khỏi kế hoạch xây đập dòng chính thì Lào vẫn tiếp tục. Cuối năm 2019, đập Xayaburi do Thái Lan tài trợ trở thành con đập dòng chính đầu tiên ở hạ nguồn Mê Kông mà theo một nhà môi trường cho hay bức tường bê tông dốc đứng của công trình này đã góp phần tạo ra dòng nước màu xanh trong vắt và đôi khi vô hồn của dòng sông.
Trong một báo cáo được công bố tháng 4, các nhà nghiên cứu từ nhóm nghiên cứu môi trường của Mỹ Eyes on Earth đã xem xét vai trò của các con đập Trung Quốc trong điều kiện hạn hán khắc nghiệt năm 2019 làm chao đảo Đông Nam Á.
Họ sử dụng ảnh vệ tinh, đọc chỉ số đo dòng sông và công nghệ vi sóng để thêm vào bằng chứng mới nhất chống lại việc xây đập trên dòng chính – một thực tiễn ngày càng gây tranh cãi mà những người ủng hộ cho rằng thủy điện giúp khu vực phát triển kinh tế và kiểm soát tốt hơn việc cung cấp nước. Nghiên cứu được công chúng quan tâm rộng rãi, truyền thông xã hội đưa ra các hashtag phản đối xây đập và các ấn phẩm Đông Nam Á liên tục đưa tin.
“Chúng tôi đã cần mẫn giám sát mực nước trong lưu vực để các nước có thể thảo luận một cách trung thực. Mục tiêu là đưa ra giải pháp tốt hơn cho cộng đồng về cách phân phối nước, cố gắng lấy dữ liệu để mọi người làm việc cùng nhau”, theo Alan Basist, tác giả của nghiên cứu.
Nghiên cứu của Eyes on Earth được chú ý nhưng lập tức bị các nhà thủy văn học từ Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đặt dấu hỏi về những phát hiện.
Anoulak Kittikhoun, Giám đốc đối tác và chiến lược của MRC, cho rằng nghiên cứu có cách tiếp cận sáng tạo nhưng không tán thành các kết luận.
“Tôi thấy những phát hiện này khớp với thực tế cho đến nay là các con đập của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến dòng chảy xuống khu vực phía bắc hạ Mê Kông nhưng kết luận là Trung Quốc có thể ngăn nước và hạ nguồn sông Mê Kông sẽ bị khô hạn thì hơi quá”.
Là tổ chức lâu đời nhất trong số các tổ chức giám sát sông Mê Kông, MRC đã xây dựng năng lực để đo lường sức khỏe dòng sông và tạo không gian đối thoại giữa các quốc gia thành viên gồm Lào, Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Theo nhà phân tích Zawacki, MRC cũng là một trong hai cơ quan hiện thời thực sự coi Mê Kông là một nguồn nước thực sự chứ không phải nguồn lực kinh tế.
Cơ quan còn lại là Cơ chế hợp tác Lan Thương – Mê Kông (LMC) – một khung phát triển do Trung Quốc khởi xướng vào năm 2016 với tư cách là phương tiện tập trung vào sông ngòi trong Sáng kiến Vành đai và Con đường toàn cầu. Lan Thương là tên Trung Quốc gọi sông đoạn sông Mê Kông ở nước này, bắt đầu từ cao nguyên Tây Tạng và chảy qua tỉnh biên giới Vân Nam.
Zawacki xác định hai cơ quan này là hai đơn vị chịu trách nhiệm chính về diễn trình nước sông Mê Kông, tuy nhiên, Sáng kiến Hạ nguồn sông Mê Kông (LMI) do Hoa Kỳ lĩnh xướng hiện cũng đóng vai trò khá quan trọng trong khu vực. LMI đã tài trợ cho nghiên cứu gần đây của Eyes on Earth và là một phần trong nhóm bao gồm các đối tác bên ngoài có quan hệ kinh tế và địa chính trị, nhưng không liên quan đến địa lý, với sông Mê Kông.
“Đây có thể là nỗ lực đưa LMI theo hướng chiến lược cụ thể hơn, rộng hơn như cách Trung Quốc đặt LMC vào trong Sáng kiến Vành đai và Con đường”, Zawacki cho rằng một động thái như vậy sẽ “mang lại cho LMI nhiều sức mạnh địa chính trị hơn”.
Zawacki tin rằng các nước Mê Kông có mối quan tâm chung giữa về một hệ thống mạnh mẽ hơn do Mỹ lãnh đạo để cân bằng sức mạnh ngày càng tăng từ LMC của Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc đầu tư nhiều vào thủy điện ở hạ nguồn nhưng chính các đập và hồ chứa trên lãnh thổ nước này thu hút sự quan tâm của Basist và nhóm nghiên cứu từ Eyes on Earth. Nhóm đã kiểm tra ảnh hưởng của các công trình này bằng cách sử dụng công nghệ vi sóng để phát hiện và lập bản đồ “độ ẩm bề mặt” ở Vân Nam và dọc theo lưu vực sông Mê Kông.
Sau đó, nhóm tiến hành nghiên cứu so sánh ẩm độ – một tham biến được sử dụng cho ước tính lượng nước trên sông – để tạo ra một mô hình dòng chảy theo mùa từ Trung Quốc nhằm đối chiếu với lượng nước được đo lại thực tế từ các trạm gần thượng nguồn nhất của MRC trên đất Lào.
Sau khi quan sát ẩm độ ở tỉnh Vân Nam và kiểm tra với dòng chảy sông ra khỏi Trung Quốc, nhóm nghiên cứu kết luận đập thượng nguồn đã góp phần gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong mùa mưa năm ngoái ở các nước hạ nguồn lưu vực.
“Hiện tại, người Trung Quốc có khả năng phá vỡ hoàn toàn dòng chảy sông”, Basist nhận định và nhấn mạnh rằng xây đập không phải là nguyên nhân lớn nhất gây ra nhưng đã làm trầm trọng thêm hạn hán.
Chính phủ Trung Quốc đã phủ nhận tuyên bố đó và chỉ ra tình trạng hạn hán trên quy mô rộng hơn khắp Vân Nam trong cùng thời gian. Đồng thời, đại diện của Trung Quốc tại Hoa Kỳ vào ngày 21/4 đã bác bỏ nghiên cứu của Eyes on Earth, coi báo cáo là “không có căn cứ và đi ngược sự thật”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc “đã cố gắng hết sức để đảm bảo lượng xả hợp lý xuống hạ nguồn”, thêm vào đó, các nhà lãnh đạo LMC đã quyết định hồi đầu năm rằng “tích cực xem xét việc chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm với các nước Mê Kông và tăng cường hợp tác theo khung LMC”.
“Khu vực Lan Thương – Mê Kông là quê hương của 6 quốc gia ven sông, do đó, hợp tác về tài nguyên nước đương nhiên phải được dẫn dắt bởi các quốc gia khu vực này. Trung Quốc sẽ tăng cường chia sẻ thông tin cũng như hợp tác về tài nguyên nước với các nước Mê Công và cùng hợp tác để giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu, lũ lụt và các thảm họa tự nhiên khác”.
TS. Kittikhoun cho biết các đại diện của Trung Quốc cũng đưa ra lời đề nghị tương tự với MRC dù Trung Quốc từ lâu chỉ tham gia với tư cách là quan sát viên của Ủy hội chứ chưa bao giờ tham gia với tư cách thành viên. MRC và Trung Quốc cũng ký một bản ghi nhớ vào cuối năm ngoái để thực hiện một nghiên cứu chung về hạn hán. Tuy nhiên, một nghiên cứu như vậy chỉ được đưa ra sau thời kỳ khô hạn diện rộng làm giảm mực nước sông Mê Kông xuống mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ. Những cơn mưa mùa hè không đủ dâng lũ làm ngập lụt các bờ sông màu mỡ tạo ra hệ quả là mất mùa và nỗi lo về mất an ninh lương thực trong khi cá chết nổi đặc trên sông – chỉ là những ao nước chảy lờ đờ. Ở Campuchia, hồ Tonle Sap vốn được coi là “nhịp tim” của dòng chính đã có mực nước thấp đến mức một số ngôi làng nổi bị đẩy vào bờ.
Brian Eyler, chuyên gia về Mê Kông và là giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson không tranh luận về việc Trung Quốc gây ra hạn hán vào năm 2019, đặc biệt là ở các khu vực ngoài lưu vực sông.
Nhìn chung, hạn hán xảy ra khắp Đông Nam Á, đặc biệt dữ dội ở các khu vực như tây bắc Thái Lan. El Nino khiến mưa ít xảy ra vào mùa xuân năm 2019 và kéo dài đến tận vài tháng trước đây. “Nhưng [nghiên cứu của Eyes on Earth] nói rõ ràng là mực nước sông ở Chiang Saen, Thái Lan – ngay giữa lưu vực sông – sẽ chảy ở mức bình thường hoặc trên mức bình thường nếu các con đập của Trung Quốc không án ngữ, ngay cả khi khu vực có lượng mưa thấp kỷ lục. Do đó, những bức ảnh chúng ta thấy về lòng sông khô, cá chết, hồ Tonle Sap ở Campuchia cạn trơ lẽ ra không như vậy. Sẽ có đủ nước từ Trung Quốc đổ xuống dòng chính”.
Ủy hội sông Mê Kông không phải là cơ quan quyền lực tối cao về dòng sông. Theo hiệp định thì các quốc gia thành viên phải tham vấn nước khác trước khi sử dụng nước dòng chính, MRC không thể phủ quyết quyết định mang tính chủ quyền của thành viên. Thay vào đó, các thành viên sẽ đệ trình quy trình thông báo trước cung cấp tất cả dữ liệu, thông tin có sẵn về một dự án được đề xuất và chấp nhận các khuyến nghị từ các nước khác và từ chính MRC.
Nhìn vào mô hình dựa trên đồng thuận đôi khi lộn xộn đó, Zawacki nhận thấy một lợi thế nghiêng về hợp tác Lan Thương của Trung Quốc khi cấu trúc theo kiểu “kiến trúc đơn nhất” cho phép ra quyết định nhanh chóng và theo dõi tích cực. Về lâu dài, Zawacki lo ngại LMC sau cùng sẽ thay thế MRC “bản địa” của Đông Nam Á về chức năng là tổ chức trung tâm dòng sông, cho thấy Trung Quốc đã thành công trong việc thúc đẩy lợi ích của mình ở Đông Nam Á bằng cách phá vỡ các cơ quan đa phương của khu vực, như ASEAN, và thực hiện các thỏa thuận trực tiếp với từng quốc gia.
“Sau rốt, kiểu viện trợ và hỗ trợ từ LMC khiến bất kỳ quốc gia nào ở hạ nguồn sông Mê Kông khó bề từ chối. Thông thường, vì cả lý do kinh tế và chính trị, không dễ để nói không với một Trung Quốc hùng mạnh và bền bỉ”.
TS. Kittikhoun có một cái nhìn khác, ít ra là về mối quan hệ giữa MRC và Trung Quốc. Anh không thấy ấn tượng nào rằng Trung Quốc muốn hất cẳng MRC hoặc rũ bỏ vai trò của tổ chức này trong khu vực.
“Những gì Trung Quốc làm về mặt chính trị, bạn luôn có thể nói thế, nhưng không có bằng chứng rõ ràng nào”, Kittikhoun nói về quan hệ của MRC với Trung Quốc – nước được Kittikhoun thừa nhận là một “tay chơi lớn có thể không hoàn toàn đồng nhất các thông điệp về sự tham gia vào các mặt trận khác nhau”.
“Với một nghiên cứu chung, có thể sẽ không hoàn hảo nhưng miễn là có thể chen chân vào và tiếp tục hợp tác, chúng ta có thể đạt được mục tiêu về chế độ chia sẻ dữ liệu minh bạch hơn trong tương lai”, Kittikhoun nói.
Nhật Anh (Theo Southeast Asia Globe)