BVR&MT – Hiệp hội Công nghệ sinh học Thụy Sĩ (SBA) hy vọng ngành công nghệ sinh học nước này có thể phát huy vai trò hàng đầu trong việc ứng phó với virus SARS-CoV-2.
Ngành công nghệ sinh học từ lâu đã là một trong những ngành năng động nhất trong nền kinh tế Thụy Sĩ với khoảng 1.000 công ty.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, Hiệp hội Công nghệ sinh học Thụy Sĩ (SBA) hy vọng ngành công nghệ sinh học nước này có thể phát huy vai trò hàng đầu trong việc ứng phó với virus SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Giám đốc điều hành SBA Michael Altorfer cho biết ít nhất 10 công ty công nghệ sinh học Thụy Sĩ đang nỗ lực tìm cách ứng phó với đại dịch COVID-19 thông qua phát triển các liệu pháp điều trị và vắcxin.
Hãng Memo Therapeutics, một chi nhánh của Viện công nghệ liên bang ETH, sử dụng công nghệ để phát triển các phương pháp trị liệu có nguồn gốc từ kháng thể của bệnh nhân hồi phục.
Còn hãng Neurimmune có trụ sở tại Zurich đang nghiên cứu các kháng thể chống virus có thể truyền trực tiếp đến phổi của bệnh nhân bị mắc COVID-19, trong khi Humabs, một công ty chi nhánh tại Thụy Sĩ thuộc công ty Vir Technology của Mỹ, đang tiến hành phân lập kháng thể.
Ngoài ra, tập đoàn Molecular Partner lại đang triển khai một cách tiếp cận khác, xem xét các protein DARPin ngăn chặn virus xâm nhập vào các tế bào.
Các “đại gia” dược phẩm Thụy Sĩ như Roch hay Novartis cũng đang thử nghiệm khả năng sử dụng các loại thuốc có sẵn để điều trị COVID-19.
Liên quan đến vắcxin, hãng InnoMedica đang dựa vào công nghệ liposome (công nghệ tiên tiến để đưa các phân tử dược chất đến vị trí tác động làm tăng khả năng hấp thụ, giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc khi vào cơ thể) để phát triển vắcxin.