BVR&MT – Năm 2020, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đặt ra mục tiêu duy trì tổng sản lượng lương thực đạt hơn 224 nghìn tấn, tổng sản lượng thủy sản đạt 136 nghìn tấn. Trong đó, tập trung triển khai phương án bảo tồn và xây dựng các mô hình chăn nuôi theo quy trình VietGap; đồng thời tiếp tục ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, mục tiêu của tỉnh hiện nay là tập trung tái đàn lợn sau dịch tả châu Phi trên địa bàn, khôi phục ngành chăn nuôi.
Tính từ thời điểm ổ dịch tả lợn châu Phi cuối cùng được xử lý vào giữa tháng 11/2019, đến nay đã hơn bốn tháng trên địa bàn thị xã Đông Triều đã không còn phát sinh thêm. Để tạo nguồn cung cho thị trường, các hộ chăn nuôi ở đây cũng đang tái đàn lợn trở lại trên cơ sở sử dụng nguồn giống tại chỗ.
Hộ gia đình ông Lê Đình Nhiệm là một trong những hộ chăn nuôi quy mô lớn ở thôn Đồng Rung, xã An Sinh, thị xã Đông Triều. Được biết, từ cuối tháng 6 năm 2019 sau khi đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi, đến nay, ông mới tái đàn trở lại trên cơ sở gây được đàn lợn giống tại chỗ, kiểm soát chặt chẽ vấn đề nguồn giống đầu vào. Theo khuyến cáo của thú y cơ sở, ông chỉ mới tái 10% công suất chuồng trại với tổng đàn lợn hiện có 115 con. Ông Nhiệm cho biết, lợn đẻ ra đến đâu, gia đình tái đàn đến đấy chứ cũng không nhập thêm giống ở ngoài vào, đề phòng lại bị dịch.
Đến nay, trong tổng số 1.300 hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn của thị xã Đông Triều, mới chỉ có 10% số hộ tái đàn. Việc tái đàn lợn được các hộ chăn nuôi ở thị xã Đông Triều rất cẩn trọng và mới chỉ được thực hiện ở những trang trại lớn có hệ thống chuồng trại khép kín, bảo đảm an toàn sinh học. Trong đó, nguồn giống phục vụ tái đàn hầu hết được các hộ sử dụng tại chỗ nhờ giữ lại được đàn nái sau qua đợt dịch tả châu Phi vừa qua.
Theo Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, tổng đàn lợn của địa phương đến nay có 30 nghìn con, trong đó đàn lợn nái chiếm 10% để thực hiện tái đàn tại chỗ. Đối với những hộ nhập giống bên ngoài, phải kiểm soát từ nguồn gốc của người bán giống, tạo con giống bảo đảm an toàn chất lượng phục vụ sản xuất. Với những hộ tái đàn mua giống bên ngoài, thực hiện kê khai đầy đủ theo đúng quy định của ngành nông nghiệp.
Cùng với kiểm soát các hộ chăn nuôi bảo đảm tốt các điều kiện thực hiện tái đàn lợn, thị xã Đông Triều cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang các vật nuôi khác, duy trì sản xuất. Đồng thời, địa phương cũng đang triển khai tiêm phòng vaccine đợt 1, năm 2020, phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên có hơn 140 hộ chăn nuôi lợn, trong đó có 86 trang trại và hộ chăn nuôi phải tiêu hủy lợn. Sau “bão” dịch tả châu Phi, hiện toàn phường chỉ còn 100 hộ chăn nuôi lợn với tổng số gần 2.000 con, số lượng lợn nuôi cũng giảm nhiều so trước khi xảy ra dịch bệnh.
Gia đình anh Vũ Văn Diên, ở khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi. Cuối tháng 6/2019, hơn 670 con lợn ở trang trại của gia đình anh bị tiêu hủy, trong đó có 71 lợn nái và ba con lợn đực giống, tổng khối lượng tiêu hủy hơn 46 tấn, thiệt hại ước tính lên tới hơn 5 tỷ đồng.
Anh Diên cho biết, được Nhà nước hỗ trợ gần hai tỷ đồng, gia đình anh đã trang trải một phần các khoản nợ và bước đầu thực hiện tái đàn chăn nuôi, tuy nhiên vẫn chưa dám tái đàn toàn bộ. Ngoài việc tổng dọn vệ sinh, rắc vôi bột, tiêu trùng khử độc chuồng trại, ngày cả việc nhập lợn giống cũng được gia đình anh lựa chọn bảo đảm xuất xứ nguồn gốc, không bị nhiễm dịch bệnh, thực hiện đầy đủ quy trình chăn nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đến xử lý nguồn chất thải qua hầm khí bioga với số vốn đầu tư gần 200 triệu đồng.
Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã qua hơn hai tháng không tái phát dịch tả lợn châu Phi; 12/13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ban hành quyết định công bố hết dịch trên địa bàn cấp huyện. Còn huyện Cô Tô vẫn đang trong quá trình đề nghị thẩm định.
Để kịp thời định hướng, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn, Sở NN-PTNT đã chủ động ban hành nhiều văn bản triển khai tới cấp cơ sở. Trong đó, bao gồm các nội dung nhiệm vụ theo sát tình hình diễn biến thực tế: hướng dẫn tạm thời khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn và tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; hướng dẫn kê khai hoạt động chăn nuôi; việc thẩm định và công bố hết dịch tả lợn châu Phi.
Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, Nguyễn Hữu Giang cho biết, để thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển ổn định đàn lợn, ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo việc tăng đàn tại chỗ ở các cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trên cơ sở bảo đảm nguồn con giống chất lượng trại sẵn có và nguồn giống tự sản xuất. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại an toàn sinh học, VietGap, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; không khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ.
Theo đó, ngành nông nghiệp chủ động tham mưu cho tỉnh Quảng Ninh trong đánh giá công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi và công tác tái đàn lợn phát triển sản xuất chăn nuôi. Từ đó, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm là phải tập trung phát triển đàn lợn nái giống nội, giống ngoại bảo đảm chất lượng phẩm cấp giống, chủ động nguồn cung con giống tại chỗ. Cùng với đó, phát triển đàn lợn thịt và đẩy mạnh sản xuất các loại vật nuôi khác, phát huy lợi thế, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, giữ mức tăng trưởng ngành ổn định 3 đến 5% và cân đối thị trường thực phẩm.
Đến nay, các địa phương trong tỉnh cũng đã tiến hành dự kiến nhu cầu giống lợn của địa phương mình, xác định rõ khả năng cung ứng giống tại chỗ theo từng quý, năm để có kế hoạch đăng ký giống lợn với các công ty sản xuất giống lợn trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tuân thủ nghiêm túc quy định về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, xét nghiệm âm tính đối với dịch tả lợn châu Phi theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT khi tiến hành vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng dịch.
Đối với các chủ cơ sở nuôi phải thực hiện kê khai, đăng ký nuôi với chính quyền cơ sở trước khi tái đàn và được chấp thuận. Các hộ, trang trại, doanh nghiệp muốn tái đàn cần xem xét các điều kiện, như: không nằm trong khu vực đông dân cư, sau 60 ngày không xuất hiện ca bệnh mới và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch tiêu hủy, cách ly, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, xử lý môi trường và trên hết là phải đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học
Theo thống kê, tại thời điểm cuối tháng 2, tổng đàn lợn của cả tỉnh gần 229 nghìn con. Trong đó, lợn nái đạt gần 23 nghìn con, gồm cả loại đã sinh sản và loại tiền phối, đàn lợn thịt cũng tăng lên gần 206 nghìn con. Tổng số hộ nông dân đủ điều kiện thực hiện tái đàn hiện nay là hơn 3.000 hộ. Việc tăng đàn chủ yếu ở các hộ, gia trại, trang trại chủ động được nguồn giống có lợn nái nuôi tại chỗ và các công ty chăn nuôi lớn. Trong đó, những địa phương có sức tăng đàn lợn khá mạnh gồm các địa phương Cẩm Phả, Hạ Long, Đông Triều, Quảng Yên, Hải Hà.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi trong quá trình tái đàn lợn, khôi phục sản xuất phải tiếp tục bám sát theo mục tiêu, không thực hiện một cách ồ ạt mà phải triển khai đúng với lộ trình, hướng dẫn của T.Ư, và tỉnh; bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế, đồng thời kiểm soát tốt các nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh, không để tái phát dịch tả lợn châu Phi; phải có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền cơ sở, giám sát dịch bệnh của cơ quan chuyên môn.
Trước mắt, các địa phương tập trung ưu tiên tái đàn lợn nái các loại để có con giống tại chỗ phục vụ nhu cầu chăn nuôi. Về thức ăn chăn nuôi, các địa phương cần định hướng, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ lên men thức ăn chăn nuôi, sử dụng protein có nguồn gốc vi sinh từ quá trình nuôi sinh khối công nghiệp, tăng cường sức đề kháng đối với dịch bệnh cho chăn nuôi lợn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến khích các cơ sở chăn nuôi tiếp tục áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giống, sản xuất và quản lý thức ăn chăn nuôi lợn. Đồng thời, xây dựng quy trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi lợn theo chuỗi sản phẩm; hình thành được những mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Đặng Huy Hậu cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT nghiên cứu, tham mưu, xây dựng kịch bản tái đàn, quy trình chăn nuôi, chất lượng con giống. Đồng thời, đưa ra khuyến cáo, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, hỗ trợ cho người dân về vốn, giống và kỹ thuật. Để phục vụ cho tái đàn lợn, Quảng Ninh tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất khi có điều kiện.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu hết quý 2-2020, tổng đàn lợn của cả tỉnh đạt hơn 265 nghìn con; đàn lợn thịt hơn 242 nghìn con; tổng sản lượng thịt lợn hơi ước đạt gần 20 nghìn tấn.