Thách thức bảo tồn bao phủ châu Phi

BVR&MT – Các lệnh phong tỏa và mất doanh thu du lịch đang gây ra những thách thức mới cho bảo vệ động vật hoang dã ở lục địa đen.

Peter Meshemi nói anh thấy sợ hãi. 12 năm qua, công việc của anh là kiểm lâm có vũ trang ở miền bắc Kenya, tuần tra trên những cánh đồng cỏ rậm rạp nhiều tuần liền để truy tìm những kẻ săn trộm. Giờ đây, ngay cả khi liên tục cảnh giác cao độ để bảo vệ voi, sư tử và báo đốm – những loài dễ bị thợ săn tấn công bất hợp pháp tại Loisaba Conservancy, anh và 70 kiểm lâm vẫn canh cánh một nỗi lo lắng khác: bảo vệ bản thân trước virus corona.

Loisaba có diện tích 57.000 mẫu Anh, là một trong hơn 100 khu bảo tồn tại Kenya – nơi các khu vực động vật hoang dã được dành riêng để bảo tồn ranh giới và được các cá nhân hoặc các nhóm quản lý. “Là kiểm lâm, bạn được đào tạo để làm việc trong bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra”, Meshemi nói. Tuy nhiên, anh không mong đợi phải đối mặt với một kẻ thù siêu nhỏ đã giết chết hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới và những rủi ro hiện tại – đóng cửa du lịch và hạn chế đi lại – từ chính những sinh vật mà anh liều mạng bảo vệ.

“Chúng tôi sợ virus. Cả thế giới đều sợ”.

Covid-19 đang đe dọa đến công tác bảo tồn ở châu Phi. (Ảnh: CITES)

Ngày 6/4, chính phủ Kenya ban hành lệnh phong tỏa, cấm mọi di chuyển đến và đi từ Nairobi. Cho đến nay, người dân ở khu vực Loisaba xa xôi chưa mất đi người nào. Tuy nhiên, khu bảo tồn phụ thuộc chủ yếu vào tiền từ du lịch động vật hoang dã và đây cũng là nền tảng của nền kinh tế Kenya. Bình thường, du lịch tạo ra hơn một triệu việc làm trên toàn quốc nhưng bây giờ ngành đang đóng băng. Meshemi và nhiều nhà bảo tồn lo lắng hậu quả của covid-19 sẽ là nạn săn trộm động vật hoang dã gia tăng để cung cấp thức ăn cho các gia đình thiếu thốn hoặc đẩy họ vào con đường bán lậu động vật, và điều này khiến Meshemi cùng các kiểm lâm viên gặp nguy hiểm hơn.

Tom Silvester, CEO Loisaba nói rằng khu bảo tồn đã mất gần một nửa ngân sách hoạt động – thường đến từ thu phí du lịch – và giờ đây duy trì hoạt động của trại safari quy mô 48 giường chỉ để phục vụ khách du lịch địa phương thi thoảng mới tới là không khả thi. Năm ngoái, Loisaba đón khoảng 2.000 du khách, mỗi người chi trả trung bình khoảng 600 đô la/đêm. Khách du lịch nước ngoài có thể không đến đây “trong vòng 12 tháng nữa, nếu không nói là lâu hơn”, rất có thể sẽ lỡ mất mùa du lịch cao điểm năm nay (từ tháng 6 đến tháng 10).

Ngoài ra, Silvester cho biết Loisaba có thể phải từ bỏ kế hoạch đưa tê giác quay lại khu bảo tồn. Và tháng tới, có thể Loisaba sẽ phải giảm số lượng tuần tra chống săn trộm và yêu cầu người lao động đồng ý giảm 5% lương. Mặc dù vậy, khu bảo tồn còn thu được một số tiền từ các hợp đồng cho thuê chăn thả gia súc và các đối tác tài trợ như The Nature Conservancy – tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ hợp tác với các cộng đồng khắp thế giới để bảo tồn đất và nước cho động vật hoang dã.

Meshemi nói rằng nhóm của anh đang cố gắng giữ an toàn cho bản thân.

“Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để giữ khoảng cách”, anh nói. Đôi khi họ cũng đeo khẩu trang, găng tay và rửa tay thường xuyên. Khi không đi tuần tra, đội ngũ khoảng 200 kiểm lâm và nhân viên sống trong hàng tuần các lán trại sát nhau. Với lệnh hạn chế đi lại hơn nữa trong thời gian tới, một số người xa quê làm việc ở Loisaba đã lên đường về với gia đình. Bất cứ ai quay lại sau đó sẽ được theo dõi các triệu chứng và cách ly riêng rẽ trong vài tuần. Silvester chuẩn bị sẵn cho trường hợp hạn chế đi lại tại địa phương, chẳng hạn như đặt đủ thực phẩm cho ba tháng.

Loisaba chưa phải cho bất kỳ nhân viên nào nghỉ việc. Nhưng mới đây, 10/35 nhân viên chống săn trộm bảo vệ Khu quản lý động vật hoang dã Enduimet rộng 450 dặm vuông ở nước láng giềng Tanzania được thông báo nghỉ việc. Alphonce Mallya, Giám đốc chương trình bảo tồn vùng phía bắc Tanzania thuộc The Nature Conservancy – tổ chức hỗ trợ Enduimet – cho biết nguyên nhân là vì sụt giảm ngân sách khi ngành du lịch động vật hoang dã Tanzania sụp đổ.

Enduiment gồm khoảng một tá ngôi làng và tiếp giáp với Vườn quốc gia Kilimanjaro, là hành lang động vật hoang dã cần thiết cho voi, ngựa vằn, linh dương đầu bò và linh dương impala. Mallya thừa nhận không có tiền thu được từ du lịch safari thì không thể trả lương cho tất cả đội ngũ nhân viên cũng như kinh phí mua thực phẩm máy móc hoạt động. Anh dự đoán dân làng sẽ săn trộm nhiều hơn để có thịt rừng – mọi thứ từ hươu cao cổ đến linh dương dik-dik – vì giết động vật để lấy thịt (và có thể bán một số cho dân làng khác) sẽ rẻ hơn là đi mua. Bảo vệ động vật hoang dã trong khu vực sẽ là một thách thức lớn hơn đối với 25 công nhân còn lại – những người sẽ được The Nature Conservancy và Big Life Foundation (một tổ chức phi lợi nhuận bảo tồn tập trung vào hỗ trợ các nỗ lực chống săn trộm ở Đông Phi) trả lương.

****

Các nước Đông Phi không đơn độc trong cuộc đấu tranh của họ. Nạn săn trộm rất có thể sẽ gia tăng vì virus corona gây ra mối lo ngại lớn, John Scanlon, Đặc phái viên của African Parks – tổ chức phi lợi nhuận quản lý 17 vườn quốc gia và khu bảo tồn ở 11 quốc gia châu Phi nhấn mạnh. Sự gia tăng đó hiện chưa được quan sát thấy nên African Parks vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động thực thi. African Parks cũng đưa nhân viên đến các cộng đồng để giáo dục về COVID-19 và cung cấp các thiết bị vệ sinh để chống lại dịch bệnh lây lan.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rất quan tâm đến những gì sẽ xảy ra khi COVID-19 tràn tới châu Phi với ca đầu tiên được ghi nhận vào tháng 2. “Số lượng ca nhiễm bệnh ở châu Phi hiện tương đối nhỏ nhưng đang tăng nhanh”, Tổng giám đốc WHO Ted Adhanom Ghebreyesus cho biết.

Ngoài Kenya và Tanzania, nhiều quốc gia châu Phi đã áp đặt các hạn chế đi lại hoặc phong tỏa. 4 vườn quốc gia của Rwanda đã bị đóng cửa, trong đó có ba vườn là nơi sinh sống của loài khỉ đột núi trứ danh, để đề phòng chúng bị nhiễm bệnh.

Ở Nam Phi, nơi đang thực thi lệnh phong tỏa 21 ngày ngăn cấm các cuộc tụ họp và đi lại công cộng, thực thi pháp luật mở rộng có thể ngăn chặn một phần nạn săn trộm, ít nhất là trong ngắn hạn, theo Dereck Milburn, Giám đốc khu vực phía nam châu Phi thuộc Quỹ Aspinall – một tổ chức từ thiện bảo tồn của Anh.

“Rất nhiều cảnh sát hiện diện trên tất cả các tuyến đường chính, biên giới bị đóng cửa, và số lượng tuần tra trong khu bảo tồn không thay đổi nhiều. Kiểm lâm đang làm việc thật xuất sắc”.

Tuy nhiên, Milburn nói thêm rằng việc thiếu đi một yếu tố răn đe (phương tiện du lịch trong các vườn quốc gia và khu bảo tồn) có thể khiến những kẻ săn trộm trở nên táo tợn hơn. Nạn săn trộm tê giác gia tăng vào cuối tháng 3 trong tuần đầu tiên phong tỏa khi 7 cá thể tê giác bị giết. Milburn cho biết kiểm lâm cho rằng sẽ có nhiều vụ săn trộm hơn.

“Tôi gọi khoảng 10 cuộc cho các kiểm lâm ở khắp Nam Phi, tình hình khá im ắng”, Grant Fowlds, Đại sứ bảo tồn của tổ chức chống săn trộm Project Rhino, chia sẻ. Đại dịch và phong tỏa đã “thực sự dừng nạn săn trộm một cách khá đột ngột”, mặc dù ở những nơi xa xôi hẻo lánh, những kẻ săn trộm có thể dễ dàng tránh bị phát hiện hơn.

“Ngay từ tuần đầu tiên phong tỏa, tình hình đã yên ắng”, Nico Jacobs, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Rhino 911, cũng đồng ý. Rhino 911 được phép tiếp tục thực hiện công việc cung cấp trực thăng khẩn cấp và vận chuyển tê giác vì chống săn trộm được coi là một dịch vụ thiết yếu.

Theo Damian Aspinall, Chủ tịch Quỹ Aspinall, các hoạt động chống săn trộm có thể duy trì hoạt động đầy đủ ở Nam Phi trong bao lâu phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ chính phủ hay các tổ chức tư nhân. Dự trữ của chính phủ cho ngân sách hoạt động hàng năm không dựa hoàn toàn vào du lịch nhưng “trong hầu hết các khu bảo tồn tư nhân, chống săn trộm lại hoàn toàn phụ thuộc vào du lịch và săn bắn thể thao”.

Tại khu bảo tồn Loisaba, phiên đi tuần tra kéo dài sáu tuần đã lên kế hoạch của Meshemi chấm dứt. Bình thường thì anh về nhà nghỉ ngơi hai tuần nhưng lần này anh yêu cầu được ở lại. Kiểm lâm viên kỳ cựu 43 tuổi này dẫn đầu một phần của đội ngũ 70 nhân viên tăng cường săn trộm trong những tháng tới. “Chúng tôi hiểu tình hình. Công việc của chúng tôi là quanh năm suốt tháng”, Meshemi chia sẻ.

Nhật Anh (Theo National Geographic)