Tiếp tục cách ly xã hội đối với nhóm địa phương có nguy cơ cao

BVR&MT – Chiều 15/4, trong phiên họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định kéo dài thời gian cách ly xã hội thêm một tuần đối với 12 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.

Chiều 15/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ban, ngành T.Ư, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bàn giải pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thay mặt Chính phủ, trân trọng cảm ơn toàn dân đã khắc phục khó khăn, ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc cách ly toàn xã hội. Toàn xã hội thực hiện nghiêm túc các chủ trương của bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, nhất là triển khai quyết liệt Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt kết quả tốt, đáng mừng. Cho nên, số người nhiễm, việc khoanh các ổ dịch, việc chữa trị với phác đồ hiệu quả, vì vậy đến giờ phút này chưa có người tử vong.

Thủ tướng biểu dương những tấm lòng nhân ái, tấm gương người tốt việc tốt đã giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, giúp đỡ tuyến đầu chống dịch. Thủ tướng mong người dân tiếp tục ủng hộ Chính phủ, tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch (PCD); đánh giá cao các nhà khoa học, nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong khó khăn đã tập trung sản xuất trang thiết bị y tế, bảo đảm thuốc men, nhu yếu phẩm phục vụ PCD; đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ, các lực lượng vũ trang. Chính phủ đánh giá cao các cấp, các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mức tăng trưởng trong quý 1, góp phần thực hiện các mục tiêu kép đề ra, không để nền kinh tế bị đứt gãy.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tích nhất định trong PCD Covid-19, nhưng trên thế giới, dịch bệnh vẫn hoành hành rất mạnh, số ca nhiễm và tử vong tăng cao hằng ngày. Trong nước vẫn tiềm ẩn những nguy cơ lây nhiễm trong xã hội, có thể trở thành những ổ dịch mới, bùng phát dịch, cho nên chúng ta không được lơi lỏng, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, giữ khoảng cách xã hội; thực hiện ưu tiên cao nhất bảo vệ tốt nhất tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Nếu khinh suất, bị động thì sẽ xoá đi thành quả mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đạt được thời gian qua. Do đó các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo Quốc gia PCD Covid-19, ngành y tế xác định trách nhiệm.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có những biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại với hình bậc thang, tiến tới giai đoạn khi dịch bệnh đã được đẩy lùi thì trở lại bình thường với yêu cầu phòng dịch chặt chẽ, kịp thời; bởi chống dịch cần nguồn lực rất lớn và một xã hội ổn định, bảo đảm việc làm và an sinh lâu dài, căn bản. Thủ tướng Chính phủ sẽ có Chỉ thị mới để triển khai những biện pháp, chủ trương cụ thể trong PCD. Chiến lược PCD hiệu quả và bền vững phải dựa trên cơ sở duy trì sự liên tục của hoạt động kinh tế ở mức độ nhất định, khơi thông huyết mạch kinh tế, chuẩn bị khởi động nền kinh tế trên cơ sở ngăn ngừa và chống dịch thành công.

Chúng ta vẫn kiên định các chiến lược đã đề ra là ngăn chặn, phát hiện nhanh, cách ly, khoanh vùng, dập dịch triệt để và dập dịch hiệu quả với mục tiêu bao trùm là kiềm chế, kiểm soát tốc độ lây nhiễm ở mức thấp nhất, hạn chế tối đa tử vong, giảm thiểu tác động tới kinh tế do đại dịch gây ra, sẵn sàng cho các tình huống dịch lan rộng. Trong chỉ đạo, cần từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội thận trọng, đồng bộ với bước đi phù hợp hoàn cảnh cụ thể của từng thành phố, địa phương để linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ thực hiện mục tiêu kép trong phát triển: vừa PCD hiệu quả, tích cực, liên tục, vừa phát triển kinh tế-xã hội để giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Thủ tướng đồng ý với kiến nghị Ban Chỉ đạo phân loại nguy cơ dịch bệnh của các địa phương dựa trên các tiêu chí; đồng ý chia thành ba nhóm địa phương có nguy cơ cao, nhóm nguy cơ và nguy cơ thấp. Các nhóm này không phải là bất biến; cuộc họp lần tới sẽ xem lại các nhóm này để điều chỉnh.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 địa phương: Bắc Ninh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tây Ninh, Hà Tĩnh; đặc biệt là hai đô thị lớn, trung tâm cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. 10 tỉnh, thành phố và hai đô thị lớn này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22 hoặc 30/4 tùy tình hình cụ thể của việc lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. 12 địa phương trên có thể kéo dài thời hạn này hơn nữa nếu như tồn tại tình trạng lây nhiễm. Tuy là nhóm có nguy cơ cao nhưng nhóm này cũng cần quan tâm sản xuất, xây dựng hạ tầng, tạo thuận lợi lưu thông hàng hoá, nhất là tạo thuận lợi cho giao thông. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung cao đối với nhóm nguy cơ cao này.

Nhóm nguy cơ có 15 địa phương, cần có một lộ trình thực hiện Chỉ thị 16 và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15; quyết định cuối cùng về nhóm này sẽ căn cứ tình hình thực tiễn đến ngày 22/4.

Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương, tuy nguy cơ thấp nhưng khả năng lây nhiễm còn rất cao do dặc điểm của Covid-19, do đó Thủ tướng yêu cầu các địa phương này thực hiện tốt Chỉ thị 15; các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao đều phải thực hiện các giải pháp PCD theo Chỉ thị 16.

Thường trực Chính phủ quyết định giao Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng cụ thể trên địa bàn phù hợp, nghiêm túc theo các cấp độ. Yêu cầu hạn chế, khuyến cáo đối với bốn hoạt động lớn khác biệt giữa ba nhóm là việc ra khỏi nhà theo mức độ yêu cầu, việc mở cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định cụ thể các cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh; có quyền yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh nếu cơ sở không bảo đảm việc phòng ngừa lây nhiễm Covid-19.

Trên tinh thần đó, lãnh đạo các địa phương sẽ quyết định đóng cửa các cơ sở kinh doanh chưa cần thiết, kể cả nhóm địa phương nguy cơ và ít nguy cơ đối với cơ sở massage, đám cưới, đám ma, cơ sở thờ tự… Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương căn cứ tình hình có thể kéo dài Chỉ thị 16 nếu thấy cần thiết, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Việc thực hiện cách ly xã hội có thể thực hiện theo quy mô cấp xã. huyện tuỳ theo nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là các ổ bệnh lây nhiễm đang diễn ra thì cần có biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ về chuyên môn. Thường trực Chính phủ giao người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp PCD ở cơ quan, đơn vị mình.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, chủ trương của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành phù hợp ngành, địa phương mình; phát huy tinh thần trách nhiệm, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Yêu cầu các ngành chức năng xử lý nghiêm các vi phạm quy định PCD. Đối với các sự kiện quan trọng, cấp uỷ, chính quyền địa phương có yêu cầu chặt chẽ về PCD. Tiếp tục kéo dài chính sách kiểm soát xuất nhập cảnh như hiện nay cho đến ngày 30/4; phải gác chặt đầu vào, đặc biệt lực lượng biên phòng, công an phải làm tốt việc này. Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, tạm dừng việc cấp visa nhập cảnh đối với người nước ngoài kể cả đường bộ, đường không, đường thuỷ. Hạn chế các chuyến bay quốc tế, mở rộng thêm một số chuyến bay nội địa. Tất cả những người từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đều phải cách ly đủ 14 ngày. Xem xét giải quyết cho những người Việt Nam ở nước ngoài có yêu cầu cấp thiết và hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về nước.

Các địa phương, doanh nghiệp phải xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch có thể kéo dài. Tiếp tục tăng cường các hoạt động trực tuyến như học tập, thanh toán, khuyến khích làm việc tại nhà. Lãnh đạo quyết định cụ thể việc này, thông suốt, bảo đảm chất lượng, đúng kế hoạch, nhất là những loại công việc có thời hiệu, thời hạn. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tập hợp, báo cáo gấp về tình hình hàng hoá xuất khẩu ứ đọng ở các cửa khẩu; yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm an ninh trật tự để thực hiện các Chỉ thị 15 và 16, trấn áp các loại tội phạm, chống đua xe; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe.

Thủ tướng biểu dương lực lượng biên phòng; lãnh đạo Bộ Quốc phòng chuyển ý kiến này đến lực lượng biên phòng để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, canh giữ biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở. Yêu cầu Ban Chỉ đạo đánh giá về khả năng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh của các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm, có đường biên giới; cùng với Bộ Y tế hỗ trợ xây dựng đội phản ứng nhanh để tăng cường khả năng ứng phó kịp thời hơn. Đề xuất nâng cao năng lực xét nghiệm, hỗ trợ nhân lực cho hệ thống y tế địa phương là phương châm rất quan trọng. Nghiên cứu đề xuất cụ thể các ngưỡng phản ứng dựa trên số ca nhiễm, số người chết và tốc độ lan truyền với từng ngưỡng cấp quốc gia và cấp tỉnh, từng ngưỡng có biện pháp ứng phó.

Chúng ta luôn sẵn sàng bảo đảm phục vụ kịp thời nhu yếu phẩm cho nhân dân. Ban Chỉ đạo và Bộ Giao thông vận tải có phương án vận chuyển công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước phù hợp tình hình dịch bệnh và điều kiện cách ly trong nước. Đây là tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta đối với người dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất kế hoạch học tập, thi cử báo cáo Thường trực Chính phủ trên tinh thần bảo đảm an toàn cho học sinh. Báo chí truyền thông cần tiếp tục phổ biến kiến thức truyền thông kỹ năng, kiến thức bảo vệ gia đình, phản ánh đầy đủ bức tranh của cuộc sống; tránh đưa tin chủ quan về PCD; phải làm cho người dân cảnh giác vì phía trước chúng ta còn gian nan; làm sao đưa cuộc sống vào nền nếp hơn, an toàn hơn. Tất cả các địa phương đều phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người.

Thực hiện ngay gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, người thất nghiệp vì dịch Covid-19 với tinh thần “cứu đói như cứu hoả”, không thể chậm chế hơn vì người lao động đang khó khăn hơn, không vì thủ tục mà kéo dài. Thủ tướng giao Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai gói này kịp thời.

* Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, về việc phân loại và giải pháp đối với địa phương theo nhóm nguy cơ, ngay từ khi có nguy cơ dịch xâm nhập từ châu Âu, Ban Chỉ đạo đã lường các tình huống nguy cơ dịch bệnh kéo dài ở Việt Nam và khác nhau ở các địa phương, đồng thời căn cứ thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đã chỉ đạo nhóm chuyên gia xây dựng các mô hình dự báo mức độ nguy cơ của từng địa phương dựa trên các tiêu chí như:

Tỉnh có các trường hợp nhiễm đặc biệt là nhiễm mới trong cộng đồng; giao lưu trong tỉnh và các địa phương, đi lại, cảng hàng không; tỉnh có biên giới, có nhiều người qua lại biên giới (đường bộ); tỉnh có nhiều người nước ngoài đã đến du lịch, cư trú trong hai tháng qua; tỉnh có các khu công nghiệp, các nhà máy có đông công nhân; tỉnh có mật độ dân số cao hoặc mật độ dân số cục bộ cao; các đáp ứng, triển khai nhanh cũng như việc thực hiện tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch; mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế; năng lực của đội ngũ cán bộ và các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người cao tuổi.

Ban Chỉ đạo thống nhất chia các địa phương thành ba nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng. Có bốn hoạt động lớn khác biệt giữa ba nhóm là: Việc ra khỏi nhà theo các mức độ yêu cầu, việc mở các cửa hàng không thiết yếu theo mức độ, việc vận chuyển bằng các phương tiện công cộng, việc tập trung đông người.