BVR&MT – Trong những năm 1980, số lượng gấu trúc Trung Quốc dao động trong khoảng 1.100 cá thể. Giờ đây, sau nhiều thập kỷ bảo tồn tập trung, gấu trúc đã bị loại khỏi danh sách nguy cấp. Bảo tồn sinh cảnh, nỗ lực chống săn trộm và tiến bộ trong các chương trình nhân giống nuôi nhốt là phao cứu sinh cho các loài nguy cấp nhất của sinh quyển. Năm 2019, IUCN công bố tình trạng cải thiện của 10 loài nằm trong danh sách các loài bị đe dọa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều loài cần giúp đỡ, bao gồm cả những loài đang được nhà bảo tồn cố gắng kéo trở lại từ bờ vực. Dưới đây là 6 loài tiêu biểu.
Tê giác Sumatra (cực kỳ nguy cấp)
Nạn săn trộm và sự xâm lấn của con người đã khiến thế giới chỉ còn chưa đầy 80 cá thể tê giác Sumatra, giảm hơn 70% so với 20 năm trước. Để ngăn chặn sự tuyệt chủng, các nhóm bảo tồn (bao gồm National Geographic Society) đã chuyển tê giác vào khu bảo tồn và theo dõi những cá thể tê giác hoang dã cuối cùng ở Indonesia. Sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt mang lại hy vọng rằng nhiều chương trình nhân giống có thể cứu được loài này.
Khỉ sóc đầu trắng (cực kỳ nguy cấp)
Loài khỉ lông dài nhỏ bé này chỉ sống trong các khu rừng nhiệt đới ở Colombia – nơi nông nghiệp và phát triển đô thị khiến quần thể loài sụt giảm đáng kể trong vài thập kỷ qua. Tổ chức Proyecto Titi cố gắng xoay chuyển điều này: Từ năm 2011 đến 2018, tổ chức này (được Quỹ Bảo tồn Disney hỗ trợ) đã bảo vệ gần 14.000 mẫu sinh cảnh cho loài, phát động các chương trình giáo dục, xây dựng các khu bảo tồn và khu thực địa mới để xây đắp quần thể.
Bướm chúa di cư (có hiện tượng bị đe dọa)
Chuyến đi hàng năm của bướm chúa về phía nam là một trong những sự kiện mùa đông ngoạn mục nhất của thiên nhiên. Khoảng 20 năm trước, côn trùng bắt đầu suy giảm, có thể do biến đổi khí hậu và mất rừng. Năm 2014, Canada, Mexico và Hoa Kỳ đã thành lập một đội đặc nhiệm để bảo vệ tuyến đường di cư của loài bướm này. Năm 2019, số lượng bướm chúa đã tăng lên và chúng được phát hiện trên phạm vi rừng rộng gấp gần 1,5 lần năm 2018.
Dơi mũi lá Leptonycteris yerbabuenae (sắp bị đe dọa)
Là một trong ba loài dơi Bắc Mỹ ăn mật hoa, dơi mũi lá Leptonycteris yerbabuenae cũng là loài thụ phấn quan trọng của thực vật sa mạc ở Mexico và Hoa Kỳ, bao gồm cả cây thùa xanh (blue agave) được dùng để ủ ra loại rượu tequila trứ danh. Quần thể dơi bị tác động vì bị những kẻ buôn bán ma túy và buôn người chiếm cứ hang động, và nguồn mật hoa của chúng cũng dần cạn kiệt. Đến năm 1988, loài dơi này bị tuyên bố có nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn lại khoảng 1.000 cá thể. Nhà bảo tồn Rodrigo Medellín (còn được gọi là Người dơi của Mexico) đã dành nhiều thập kỷ nỗ lực cứu loài này, thậm chí sáng tạo ra chứng chỉ “rượu tequila thân thiện với dơi” cho những người trồng cây thùa dành đất cho dơi sống. Vào năm 2018, dơi mũi lá Leptonycteris yerbabuenae được đưa ra khỏi danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng ở cả Hoa Kỳ và Mexico.
Gấu xám Bắc Mỹ (ít quan tâm)
Hơn 50.000 cá thể gấu nâu Bắc Mỹ từng lang thang ở miền Tây, vào vùng đồng bằng lớn. Sau đó, tình trạng con người lấn về phía tây đã thu hẹp sinh cảnh của chúng, nạn săn bắn vô độ khiến cả số lượng và phạm vi sinh tồn của chúng co lại. Đến thập niên 1960, ước tính còn 600 – 800 cá thể trong tự nhiên. Nhưng vào năm 1975, gấu xám được bảo vệ theo Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng của Hoa Kỳ và đến ngày hôm nay thì quần thể loài đã tăng gấp đôi. Cơ quan Bảo vệ cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ duy trì các khu vực phục hồi cho gấu xám cùng các chương trình nhằm làm dịu đi mối quan hệ giữa gấu và các loài lân cận.
Cự đà đá Jamaica (cực kỳ nguy cấp)
Các chuyên gia từng cho rằng loài bò sát này tuyệt chủng vào những năm 1940. Tổ trứng, con non và thậm chí cự đà trưởng thành bị vây hãm bởi các loài xâm lấn: cầy mangut, mèo, lợn rừng, chó săn. Nhưng hai lần ghi nhận vào năm 1970 và 1990 chứng tỏ các thành viên của loài này vẫn tồn tại và các nỗ lực bảo tồn phối hợp lại được dấy lên. Cự đà đá Jamaica vẫn được phân loại là cực kỳ nguy cấp nhưng nhờ vào các chương trình đặt bẫy để giảm số lượng cầy mangut và các chương trình thả thêm cự đà nuôi nhốt vào quần thể tự nhiên, ngày nay có khoảng 200 cá thể loài này còn sống trong bốn dặm vuông của sinh cảnh rừng hẻo lánh.
Nhật Anh (Theo National Geographic)