BVR&MT – Nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 đang được Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng tập trung triển khai mạnh mẽ.
Những chiến sĩ mang quân hàm xanh ngày đêm ở chốt chặn, kiểm soát tình hình xuất, nhập cảnh ở biên giới, đồng hành cùng địa phương và nhân dân kiểm soát dịch ngay từ tuyến đầu Tổ quốc đã trở thành chỗ dựa vững vàng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Căng mình chống dịch
Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát ở bên kia biên giới, cũng là lúc hàng nghìn công dân Việt Nam trở về nước qua biên giới tỉnh Cao Bằng. Những công dân này lao động ở vùng có dịch nên nguy cơ mang theo mầm bệnh rất cao. Đây cũng là lúc lực lượng biên phòng căng mình thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19 ở biên giới. Những người lính mang quân hàm xanh xuống các bản làng biên giới vận động, tuyên truyền người dân không vượt biên trái phép; hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh; phát khẩu trang; tăng cường tuần tra, kiểm tra khu vực biên giới; hàng trăm chốt chặn ngăn không cho người dân vượt biên trái phép. Đó là dấu ấn khó phai của lực lượng biên phòng trong cuộc chiến chống COVID-19.
Đã hơn hai tháng kể từ Tết Nguyên đán, Thượng úy Nguyễn Vũ Lê, Đội trưởng Đội vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang và đang phụ trách chốt chặn ở cột mốc 643, không được về nhà. Anh cho biết, công việc hàng ngày tại chốt chặn là kiểm soát không để công dân xuất cảnh và nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Một ngày anh cùng đồng đội tuần tra khu vực xung quanh mốc hai lần vào buổi sáng và chập choạng tối. Khi nhận được thông tin có người nhập cảnh thì dù ban đêm anh em cũng phải đi tuần tra. Làm nhiệm vụ ở chốt chặn rất khó khăn, đặc biệt là sau Tết Nguyên đán, không khí lạnh tràn về, gió rít, mưa phùn, có những ngày băng giá thì công việc vất vả hơn gấp bội.
Thương úy Lê chia sẻ thêm: “Ở đây chúng tôi xác định rõ rằng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, chúng tôi hiểu rõ được trách nhiệm của bản thân để vượt qua những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”.
Lục Khu (6 xã vùng cao huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) được gọi là “vùng đất khát’ của tỉnh Cao Bằng. Tại đây bốn bề là núi đá. Đá dựng thành vách. Đá rải lởm chởm trên con đường đến Đồn Biên phòng Tổng Cọt. Giữa tháng Ba, Lục Khu vẫn đang mùa thiếu nước. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các chốt chặn lại thêm phần khó khăn. Tại chốt chặn xóm Kéo Sỹ (xã Tổng Cọt) các phóng viên gặp Đại úy Vương Văn Hiền, người đã hơn hai tháng thực hiện nhiệm vụ kiểm soát. Nhìn thấy chiếc xe máy chở can nước từ trung tâm xã vào chốt chặn, Đại úy Hiền cho biết: Nước sạch ở đây rất hiếm vì cả xóm không có mạch nước ngầm nên mỗi lần thấy xe máy chở can nước đến thì anh em vui lắm. Bữa trưa của anh em chủ yếu là ăn mì tôm nên rất cần nước sạch. Bên cạnh việc thiếu nước, xóm Kéo Sỹ cũng chưa có điện. Ban đêm anh em phải dùng bóng đèn tích điện. Ở đây thường xuyên không có sóng điện thoại nên các anh em cũng khá vất vả trong việc liên hệ với bên ngoài.
Trên đường từ Đồn Biên phòng Tổng Cọt về trung tâm xã, chúng tôi ghé thăm chốt chặn ở xóm Ngườm Vài, xã Thượng Thôn. Một lều bạt được dựng lên trên mỏm đồi, xung quanh là núi đá. Mọi sinh hoạt, từ ăn uống đến nghỉ ngơi của các chiến sĩ đều diễn ra trong chiếc lán này. So với Kéo Sỹ, chốt chặn này “sang” hơn vì có điện, các anh bộ đội biên phòng sắm một cái radio để nghe tình hình tin tức, đặc biệt là tin tức về phòng, chống dịch COVID-19. Thiếu tá Chu Minh Huấn, Đồn Biên phòng Tổng Cọt, Tổ trưởng tổ chốt chặn tại xóm Ngườm Vài, cho biết, từ hơn hai tháng nay chiếc lán này là nơi anh cùng đồng đội nghỉ ngơi sau một ngày dài căng mình bám sát, tuần tra trên tuyến biên giới. Các anh tự nấu nướng, thức ăn mua một lần cho cả tuần. Nước thì được lãnh đạo Đồn chở từ trung tâm xã vào. Nhiệm vụ của cac anh là tuần tra, kiểm soát ngăn không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán người dân Trung Quốc thường sang Việt Nam thăm thân, vì thế lực lượng biên phòng luôn phải vận động, nhắc nhở, yêu cầu họ về nước nếu không có công việc thật sự cần thiết để hạn chế số người nhập cảnh vào Việt Nam trong thời điểm có dịch.
Thiếu tá Huấn cho biết thêm, mặc dù điều kiện sinh hoạt khó khăn, nhưng anh em luôn động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Công việc người lính mỗi thời có những khó khăn riêng. Trong bối cảnh COVID-19 là đại dịch thì người lính căng mình ở những địa bàn khó khăn, hiểm trở để cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh – chống dịch cũng là nhiệm vụ quan trọng như đánh giặc. Vì vậy, mỗi người lính biên phòng luôn có ý thức hoàn thành thật tốt công việc được giao.
Ông Sầm Văn Róng (thôn Kéo Sỹ, xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cho biết, nhờ những buổi tuyên truyền bộ đội biên phòng, người dân đã nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh như thường xuyên vệ sinh nhà cửa, khu dân cư; rửa tay bằng xà phòng; khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh thì báo cho các cơ sở y tế gần nhất. Bộ đội Biên phòng cũng tuyên truyền hạn bà con chế tiếp xúc với nước ngoài và không sang Trung Quốc làm thuê. Nếu có người nào từ Trung Quốc trở về thì phải đi cách ly theo quy định. Bà con ở đây cũng đã hiểu biết về dịch bệnh nên bây giờ không có người xuất cảnh trái đi lao động trài phép.
Nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 từ tuyến đầu
Dấu ấn của lực lượng Biên phòng trong cuộc chiến chống COVID-19 rất đậm nét. Từ những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đến những hành động thiết thực của những người lính quân hàm xanh ở biên giới đang góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh này.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang quản lý đoạn biên giới dài trên 20 km trên địa bàn ba xã: Sóc Hà, Nà Sác, Trường Hà (huyện Hà Quảng). Khi dịch COVID-19 có những biến phức tạp, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới cách phòng, chống dịch; triển khai bốn chốt chặn trên biên giới, cắt cử cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24 giờ; tiếp nhận công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê trở về, bàn giao cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh để đưa đi cách ly theo quy định…
Thượng tá Nguyễn Huy Trịnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang, cho biết, trước những diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã quán triệt, lãnh đạo triển khai toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác, đặc biệt là giáo dục cho cán bộ chiến sĩ nâng cao trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh trong đơn vị và nhân dân.
Đồn Biên phòng Tổng Cọt quản lý địa bàn với 7 xóm biên giới với 21 cột mốc chính, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, trình độ dân chí không đồng đều… Ngay sau khi dịch COVID-19 xảy ra tại Trung Quốc, Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn đã xây dựng kế hoạch, quán triệt đến cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, tổ chức lực lượng ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, tăng cường lực lượng tuần tra biên giới; thành lập 02 tổ chốt chặn ở những điểm xung yếu trên biên giới. Mỗi tổ có 3 cán bộ biên phòng và 3 dân quân, công an viên của các xã biên giới thường trực 24/24 giờ; thành lập thêm 1 tổ cơ động tại đơn vị sẵn sàng cơ động khi có tình huống đột xuất…
Theo Trung tá Lục Xuân Thủy, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tổng Cọt, ngay khi dịch COVID-19 xảy ra, Đồn Biên phòng Tổng Cọt chủ trì và phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cách phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân, nhất là nhân dân các xóm sát biên giới bằng hình thức như tổ chức họp xóm thông báo đến từng người dân về tình hình dịch; yêu cầu tụ tập đông người, không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào… Trước những diễn biến phức tạp tình hình dịch COVID-19, đơn vị đã triển khai một số biện pháp công tác phòng dịch cho cán bộ chiến sĩ khi đi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biên giới như đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về ý thức trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều biện pháp, tích cực nỗ lực cùng các cấp, ngành ngăn chặn dịch bệnh ngay từ “cửa ngõ” biên giới. Đến nay, toàn tuyến biên giới tỉnh Cao Bằng đã thành lập 70 chốt chặn, kiểm soát nghiêm ngặt tuyến biên giới, đảm bảo phát hiện kịp thời các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép để vận động quay lại cũng như tiếp nhận những công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của tỉnh đưa công dân đi cách ly theo quy định.
Đại tá Phan Đăng Phượng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng, nhấn mạnh, ngay khi nắm được tình hình dịch bệnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch ứng phó, phòng, chống dịch COVID-19; chỉ đạo các đơn vị triển khai quyết liệt, phát huy khả năng cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, các đơn vị đã tổ chức bàn giao cho cơ quan y tế kiểm tra sức khỏe, đưa về các khu cách ly theo quy định đối với hơn 2.300 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về…