BVR&MT – Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai (xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) năm 2020 dự kiến được tổ chức vào ngày 19/4 (tức 27/3 âm lịch) sẽ chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội, phần lễ cũng sẽ được tổ chức rất đơn giản, gọn nhẹ và sẽ giới hạn thành phần tham gia đảm bảo yêu cầu chống dịch.
Chiều ngày 25/3, lãnh đạo Huyện Mèo Vạc cho biết, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm nay chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội để tránh các nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Ông Minh cũng khẳng định việc làm lễ sẽ được địa phương tổ chức rất gọn nhẹ, giới hạn thành phần tham gia để hạn chế tập trung quá đông người.
Các năm trước, phần lễ trong Lễ hội Chợ tình Khâu Vai là Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà, các hộ dân thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai (Mèo Vạc) tổ chức Lễ dâng hương tại Miếu Ông, Miếu Bà để tỏ lòng thành kính, cảm phục tình yêu mãnh liệt của chàng Ba và nàng Út. Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà được các hộ dân thôn Khâu Vai chuẩn bị đồ lễ với con số 27 đặc trưng như: Lợn 27kg; gà 2,7kg; mâm xôi ngũ sắc 27kg, mỗi mâm xôi mang một ý nghĩa khác nhau theo thuyết âm dương ngũ hành. Con số 27 thể hiện sức mạnh kỳ diệu gắn với truyền thuyết sâu sắc đó là 7 ngôi sao và 7 cây gương dùng trong nghi lễ Đạo Lão tượng trưng cho sức mạnh để đẩy lùi ma quỷ mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội Chợ tình Khâu vai được bắt nguồn từ câu chuyện tình của một đôi trai gái. Chuyện kể lại rằng, vào thời bấy giờ, đất Khâu Vai chỉ có người Nùng và Giáy sinh sống. Họ sống riêng thành từng làng và mọi chuyện bắt đầu khi có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy ở làng bên. Chuyện tình của họ đang đẹp như bông hoa, như đôi chim lửa của núi rừng Khâu Vai thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Họ ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người dân tộc ấy, hơn nữa việc dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ nên việc đôi trai gái tự tìm đến nhau là trái với lệ làng… Sự cấm đoán của hai gia đình đã khiến cho đôi trai gái quyết định cùng nhau trốn lên núi. Nhưng không ngờ cuộc chạy trốn của họ lại càng làm cho mâu thuẫn giữa hai gia đình ngày một trầm trọng. Từ chỗ chỉ có xích mích giữa hai gia đình, dòng họ dần dần đã dẫn đến xích mích giữa hai làng người Nùng và người Giáy. Từ trên núi cao nhìn xuống thấy cảnh tượng xô xát giữa hai làng, đôi trai gái rất đau lòng, họ đành phải gạt nước mắt chia tay nhau. Hai người hẹn ước cho dù không thành vợ thành chồng nhưng mỗi năm sẽ gặp lại nhau vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Thế là mỗi năm cứ đến ngày hẹn, chàng trai và cô gái lại lên ngọn núi đó gặp gỡ, giãi bày tâm sự…
Cứ như vậy cho đến một ngày kia khi dân làng biết chuyện, cảm phục tình yêu của đôi trai gái, người ta quyết định mở chợ tại ngọn núi- nơi đôi trai gái đã hẹn hò nhau. Chợ được mở ra, mỗi năm một lần vào đúng ngày 27 tháng 3 âm lịch làm nơi gặp gỡ cho những đôi trai gái vì nhiều nguyên nhân không thể đến được với nhau. Từ đó chợ tình Khâu Vai hình thành.
Đến thời điểm này huyện Mèo Vạc chưa xuất hiện trường hợp nào nhiễm Covid-19, để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, huyện đã tổ chức phun hóa chất khử khuẩn, chủ động xử lý môi trường phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực có yếu tố nguy cơ cao; chuẩn bị khu vực khám, cách ly, hướng dẫn, biển báo, cảnh báo khi có người bệnh; đảm bảo đáp ứng đầy đủ về trang thiết bị, thuốc… cho điều trị ban đầu; tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế chẩn đoán, điều trị bệnh…
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh; theo dõi, phối hợp thực hiện việc quản lý, cách ly các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, vận động người dân và du khách phải đeo khẩu trang và tuân thủ các phương pháp phòng, chống bệnh dịch khi tham gia các hoạt động tham quan di tích.
Hoàng Tôn