BVR&MT – Năm 2015, chính phủ Trung Quốc tuyên bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Sanjiangyuan ở cao nguyên Thanh Hải, Tây Tạng. Khu vực có tính đa dạng sinh học cao này là nơi bắt nguồn của ba con sông Lan Thương (tên gọi của sông Mê Kông đoạn qua địa phận Trung Quốc), Hoàng Hà và Dương Tử.
Đây cũng là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu. Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện với nhà địa chất học Yang Yong, người đã có nhiều chuyến thực địa tới Sanjingangyuan trong nhiều năm và phát hiện ra rằng khô hạn và sa mạc hóa đang lan rộng ở khu vực thượng nguồn các sông Hoàng Hà, Dương Tử và Lan Thương này.
Sau nhiều năm nghiên cứu ông có thể mô tả chi tiết những thay đổi trên thượng nguồn sông Lan Thương?
Yang Yong: Chúng tôi có rất nhiều chuyến thực địa tới các khu vực thượng nguồn sông Lan Thương. Trước năm 2006 những chuyến đi này rất khó khăn và phải đi bộ 20 km hoặc hơn. Trong chuyến hành trình năm 2016, chúng tôi phát hiện ra rằng những khu vực thượng nguồn đang trải phải qua tình trạng khô hạn theo mùa, đã có rất nhiều bãi cát rộng lớn dọc theo các phụ lưu Angua và Geolong.
Chúng tôi thường xuyên có những chuyến đi dọc theo các con sông hướng lên phía thượng nguồn. Vào chuyến đi trong mùa hè năm 2006, các con sông có rất nhiều nước, thậm chí đầm lầy cũng nhiều nước. Tuy nhiên, khi quay lại đây vào mùa hè năm 2014, chúng tôi nhận thấy rằng mực nước một vài con sông đã thấp hơn trước và chúng tôi có thể đi tới tận nguồn của hai con sông. Nhiều nhóm khảo sát, nhà khoa học, nhóm du lịch khám phá đã có thể tiếp cận khu vực thượng nguồn nhờ việc giảm mực nước và dòng chảy của các con sông trong những năm gần đây.
Khô hạn gây ra những tác động như thế nào?
Yang Yong: Khô hạn theo mùa ảnh hưởng tới sự cân bằng dòng chảy, tổng lượng dòng chảy dự trữ của sông Lan Thương và khả năng chứa nước của hệ sinh thái. Việc này cũng dẫn đến tình trạng khô hạn ở các đầm lầy, khu vực đất ngập nước và việc suy thoái của các đồng cỏ. Rất nhiều người dân chăn gia súc tại khu Sanjiangyuan đã nhận thấy sự suy thoái và sa mạc hóa cục bộ của các đồng cỏ.
Trong các chuyến đi năm 2016, chúng tôi đã chứng kiến nhiều vấn đề ở các đồng cỏ và phát hiện ra rằng nhiều khu vực đã phải ngừng chăn thả gia súc, trong khi những người dân đang chịu áp lực mở rộng phạm vi chăn thả. Sa mạc hóa đang lan rộng tới khu bảo tồn thượng nguồn sông Lan Thương. Các cộng đồng dân cư chăn thả gia súc cần thích ứng với những thay đổi này để tránh tình trạng gia tăng chăn thả gia súc quá mức. Các đồng cỏ cũng cần được luân chuyển để đảm bảo có đủ thời gian phục hồi.
Nguyên nhân nào dẫn đến sự khô hạn theo mùa ở đây?
Yang Yong: Nguyên nhân lớn nhất là do biến đổi khí hậu gây ra. Băng tuyết ở thượng nguồn đang giảm nhanh chóng. Nhiều đỉnh núi cao 5.800m giờ chỉ được bao phủ bởi một lớp băng mỏng, thậm chí trên các con suối chỉ có một ít băng ở phía khuất ánh mặt trời của các ngọn núi. Điều đó có nghĩa rằng sẽ có ít nước chảy vào các con sông hơn. Nhiều khu vực đầu nguồn, nơi phải dựa vào mạch nước ngầm và lượng mưa, đang bị khô hạn do thiếu nguồn cung cấp nước.
Xin ông cho biết những thách thức khác mà khu vực Lan Thương đang phải đối mặt?
Yang Yong: Phát triển thủy điện và khai thác mỏ trong những năm gần đây đang gia tăng áp lực lên môi trường lên lưu vực sông Lan Thương. Chúng tôi theo dõi việc phát triển thủy điện trên sông Lan Thương trong những năm qua và phát hiện ra rằng việc khai thác thủy điện trên những khu vực thấp và trung bình đã gần hoàn thành, điều đó có nghĩa là việc phát triển đang chuyển dần lên phía thượng nguồn. Một số nhà máy thủy điện đang nằm trọn trong khu vực có hoạt động địa chất hoặc các khu vực sinh thái bản địa dễ bị tổn thương. Thêm vào đó là các hoạt động sản xuất của con người như nông nghiệp hay khai thác mỏ. Điều này đang khiến môi trường gặp nhiều khó khăn, thách thức trong ứng phó.
Tại khúc giữa của dòng sông, hoạt động khai thác mỏ và thủy điện đang được diễn ra đồng thời làm trầm trọng thêm các nguy cơ. Trên nhiều đoạn sông, chúng tôi thấy nhiều hồ, bãi thải bị bỏ lại sau quá trình khai thác mỏ.
Liệu các quốc gia hạ nguồn Mê Kông có nhận được lợi ích của khu bảo tồn Sanjiangyuan không?
Yang Yong: Sông Mê Kông bắt nguồn từ Trung Quốc và là một trong những dòng sông quan trọng nhất của Đông Nam Á. Con sông này có 2.130km chảy qua Trung Quốc và 2.750km chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi chảy ra Biển Đông.
Việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên tại thượng nguồn của dòng sông cho thấy Trung Quốc và cư dân bản địa đang chứng tỏ họ sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của mình. Điều này sẽ hỗ trợ cho việc bảo vệ và phát triển toàn bộ dòng sông, cung cấp một mô hình bảo tồn hiệu quả cho các quốc gia hạ nguồn.
Công Anh (Theo China Dialogue)