Phơi nhiễm ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ nhập viện do bệnh tim mạch

BVR&MT – Các bệnh tim mạch như đột quỵ hoặc đột quỵ do thiếu máu cơ tim cục bộ chiếm  tỷ trọng khá lớn trong gánh nặng toàn cầu và Việt Nam. Chẳng hạn, đột quỵ chiếm 5% tổng gánh nặng bệnh tật toàn cầu và 6% tổng gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam năm 2016 (GBOD, 2018). Hầu hết các bệnh tim mạch hiện vẫn chưa có cách chữa trị khỏi hoàn toàn và tỷ lệ tử vong khá cao. Do đó, các yếu tố nguy cơ gây ra trong đó có ô nhiễm không khí xung quanh nhận được sự quan tâm đáng kể của các chuyên gia y tế công cộng trên toàn thế giới (WHO, 2018).

Việt Nam đang được coi là một trong những quốc gia ô nhiễm nhất. Một báo cáo gần đây về Chỉ số năng lực quản lý môi trường (EPI) chỉ ra rằng chất lượng môi trường ở Việt Nam đã giảm mạnh so với các quốc gia khác (Environmental Performance Index, 2018). Trong báo cáo EPI vừa qua, Việt Nam xếp hạng 136 trên 178 quốc gia/khu vực. Hơn nữa, chất lượng không khí ở Việt Nam được xếp hạng 170 và dự kiến sẽ xấu hơn đi trong những năm tới (Environmental Performance Index, 2018).

Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe ở Việt Nam đã được báo cáo trong một số nghiên cứu. Theo ước lượng của gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBOD), ô nhiễm không khí xếp thứ 6 trong nhóm những nguy cơ hang đầu gây ra gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam năm 2016 (GBOD, 2018). Hơn nữa, nhiều nghiên cứu ở Việt Nam đã chứng minh  ô nhiễm không khí có liên quan tích cực với số lần nhập viện vì viêm phổi và hen phế quản ở trẻ em Hà Nội (Nhung và cộng sự, 2018) và nhập viện vì bệnh tim mạch (CVD) trong dân số TP. HCM (Phụng và cộng sự, 2016). Nghiên cứu  sau cho thấy nguy cơ nhập viện vì CVD tăng 4% cho mỗi lần tăng nitơ dioxide (NO2) 10%/m2 (Phụng và cộng sự, 2016). Tuy nhiên, cho đến nay, ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến nhập viện đối với các bệnh tim mạch cụ thể, chẳng hạn như đột quỵ do nhồi máu cơ tim (IHD) hoặc đột quỵ chưa được nghiên cứu tại Việt Nam. Đặc biệt, chưa có nghiên cứu nào đánh giá mối tác động của ô nhiễm không khí ngoài Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh.

Ô nhiễm không khí bao phủ Hà Nội như một tấm chăn dày (Ảnh chụp chiều 27/9/2019, nguồn: Manan VATSYAYANA / AFP)

Nhóm các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Thụy Sỹ đã công bố báo cáo mới về mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và nhập viện tim mạch sử dụng số liệu khảo sát tại ba tỉnh Hà Nội, Quảng Ninh và Phú Thọ. Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học đến từ Đại học Y tế Công cộng, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nhiệt đới và Sức khỏe Cộng đồng Thụy Sĩ, và Đại học Basel (Thụy Sĩ). Nhóm sử dụng 1.350.101 hồ sơ bệnh án ở độ tuổi 15 trở lên tại ba tỉnh, thành Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ và đo nồng độ chất gây ô nhiễm không khí xung quanh hàng ngày từ các trạm cố định để ước tính tỷ lệ phần trăm của việc nhập viện do bảy bệnh đường tim mạch

Báo cáo tái khẳng định các chất gây ô nhiễm không khí xung quanh cụ thể là các loại bụi liên quan mật thiết đến việc nhập viện do bệnh tim mạch hàng ngày ở miền Bắc Việt Nam.

Cụ thể, các hạt bụi mịn (PM10, PM2.5 và PM1) liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ nhập viện hàng ngày đối với bệnh tim mạch dù mối liên quan chỉ đạt ý nghĩa thống kê ở Hà Nội và Quảng Ninh. Trong đó, PM10 cho thấy mối liên quan mạnh mẽ với hầu hết các bệnh tim mạch ở Hà Nội, ngoại trừ đột quỵ. Tuy nhiên, Nhóm không quan sát thấy bất kỳ mối liên quan có ý nghĩa thống kê nào giữa PM10 với bệnh tim mạch chung ở Phú Thọ. Riêng PM2.5 và PM1 thì liên quan đáng kể đến việc nhập viện vì suy tim ở Phú Thọ. Tại Quảng Ninh, các hạt bụi mịn làm gia tăng số ca nhập viện do bệnh tim mạch chung và suy tim nhưng không tìm thấy mối liên quan ở bệnh thiếu máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Ngoài ra, tình trạng nhập viện vì đột quỵ ở Hà Nội, suy tim ở Phú Thọ, đột quy do thiếu máu cơ tim cục bộ ở Quảng Ninh có mối liên hệ chặt chẽ với sự gia tăng khí sunfurơ (SO2). Bên cạnh đó, khí nitơ điôxít (NO2)  cũng làm gia tăng số ca nhập viện do bệnh tim mạch và thiếu máu cơ tim tại Hà Nội. Một điểm cần lưu ý là tỷ lệ nhập viện thay đổi theo nhóm tuổi, mùa (nóng và lạnh) và cấp độ bệnh viện (quốc gia và tỉnh).

Yếu tố tuổi tác cũng ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa các chất gây ô nhiễm không khí xung quanh và kết quả. Nhìn chung, tác động của các hạt bụi mịn đối với việc nhập viện do thiếu máu cơ tim mạnh hơn ở nhóm tuổi < 65 tuổi so với nhóm 65 tuổi ở Hà Nội. Riêng mối liên hệ giữa NO2 và nhập viện do thiếu máu cơ tim ở Hà Nội vẫn duy trì khi kết quả được phân theo các nhóm tuổi. Đáng chú ý là ảnh hưởng của hầu hết các chất gây ô nhiễm, ngoại trừ O3, có xu hướng mạnh hơn trong mùa lạnh trên tất cả các tỉnh.

Mặc dù mối liên quan tích cực giữa các hạt bụi mịn và nhập viện đối với các bệnh tim mạch được quan sát trong nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu trước đó (Johnston et al., 2018; Le Tertre et al., 2002; Phung et al., 2016; Shah et al., 2013). Tuy nhiên, ước tính của nhóm cho thấy kết quả ở Phú Thọ và Quảng Ninh lớn hơn so với báo cáo trước đây.

Trước những bằng chứng rõ ràng về tác động ngắn hạn của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe nói chung, các bệnh tim mạch nói riêng, Nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần tăng cường các chính sách không khí sạch ở Việt Nam để cải thiện việc phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm.

Hồng Ngọc (Theo sciencedirect.com)