BVR&MT – Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao, đêm 17, rạng sáng 18/3 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã có mưa rào và dông mạnh kèm mưa đá. Dông kèm theo mưa đá đã làm hư hại nhà dân, tài sản, hoa màu của nhân dân tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang bị đổ gẫy, dập nát.
Cụ thể , tại Lào Cai, theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai: Đến 17giờ ngày 18/3, giông lốc và mưa đá đã làm 1.265 nhà bị hư hỏng (Si Ma Cai 785, Mường Khương 354, Bắc Hà 92, Bảo Yên 34). Trong đó, nhà bị tốc mái hoàn toàn thiệt hại trên 70% có 132 nhà (Si Ma Cai 86, Bắc Hà 35, Mường Khương 11). 435 nhà thiệt hại từ 30 – 50% (Si Ma Cai 267, Mường Khương 155, Bắc Hà 13) và 698 nhà thiệt hại dưới 30% (Si Ma Cai 432, Mường Khương 188, Bắc Hà 44 nhà, Bảo Yên 34).
Mưa giông làm trên 145 ha hoa màu bị hư hỏng, trong đó có 16,81 ha ngô thiệt hại trên 70% (tại xã Bảo Hà, Yên Sơn, huyện Bảo Yên), 8 ha ngô bị thiệt hại từ 30-70% (tại xã Việt Tiến, Kim Sơn, huyện Bảo Yên); 1,42 ha lúa lai thiệt hại trên 70% (tại các xã Việt Tiến, Bảo Hà, Kim Sơn, huyện Bảo Yên) và 4 ha lúa bị ngập cục bộ (tại xã Võ Lao, huyện Văn Bàn). Mưa đá cũng làm dập nát 100 ha gồm các loại rau, đậu tương, cây mía, sa nhân, sa chỉ (tại các xã Nàn Sán, Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai), làm hư hỏng hoàn toàn 15ha cây ăn quả (tại các xã Nàn Sán, Si Ma Cai, Sán Chải, huyện Si Ma Cai); làm hư hỏng một số cơ sở hạ tầng khác như đường giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, nhà lưới trồng rau màu…Tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 5 tỷ đồng.
Trước tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê các vị trí có nguy cơ ảnh hưởng, chuẩn bị tốt công tác phòng, tránh theo phương châm “bốn tại chỗ”; tổ chức cắt tỉa cành, nhánh cây có nguy cơ gãy, đổ ảnh hưởng đến người tham gia giao thông, đường dây điện, nhà ở…; tổ chức hướng dẫn cách chằng chống nhà ở nhằm hạn chế tốc mái do giông lốc, mưa đá.
Tại Lai Châu, mưa đá với những viên đá có đường kính khoảng 4 – 5cm trút xuống, làm hư hỏng nhiều mái nhà lợp bằng tấm proximăng, vỡ ống năng lượng mặt trời; Cây cối trên nhiều tuyến phố bị tướp, rụng lá và một số diện tích hoa màu của người dân bị dập nát.
Tại huyện Tam Đường, mưa đá kèm theo gió lớn tập trung ở xã Nùng Nàng, Bản Giang , bước đầu gây thiệt hại nhiều nhà cửa, hoa màu của nhân dân. Đặc biệt, một số diện tích cây ăn quả ôn đới, Chanh leo và nhiều cây trồng lâu năm bị hư hại nặng.
Tại Yên Bái, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lục Yên, mưa đá và dông lốc làm hư hỏng 93 ngôi nhà trên địa bàn huyện, chủ yếu là bị tốc mái; làm hư hỏng 40ha lúa ở xã An Phú, hơn 40ha ngô và cây rau màu ở các xã Trúc Lâu và An Phú bị thiệt hại.
Mưa dông cũng làm sạt lở công trình kè trường mầm non xã Trúc Lâu, đổ tường rào khu làm việc của Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể… Ước tính thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng.
Tại huyện Yên Bình, có 56 ngôi nhà bị tốc và hư hỏng mái, 10ha ngô và rau màu hư hại, một số gia súc và gia cầm bị sét đánh chết.
Ngoài ra, 6 phòng học và nhà công vụ của hai ngôi trường bị hư hỏng, 1 nhà bưu điện văn hóa xã bị hỏng mái 100%… Thiệt hại ước tính khoảng 300 triệu đồng.
Còn tại Tuyên Quang, dông kèm theo mưa đá đã làm hư hại 15 nhà dân tại xã Sơn Phú (Na Hang); gần 170 ha lúa, cây màu, cây ăn quả, trên địa bàn huyện Hàm Yên, Lâm Bình, thành phố Tuyên Quang bị đổ gẫy, dập nát.
Hiện tại, các ngành chức năng các tỉnh đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, phụ trách nắm tình hình và thống kê thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ bị tốc, thủng mái; hướng dẫn nhân dân các biện pháp, kỹ thuật chăm sóc diện tích hoa màu bị ảnh hưởng để cây trồng phục hồi, đảm bảo kịp mùa vụ.
Hoàng Tôn