BVR&MT – Hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt của năm 2016 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về ảnh hưởng của biến đối khí hậu với Đồng bằng sông Cửu Long.
Dù tình hình hạn, mặn năm nay không khốc liệt như năm ngoái nhưng ngay từ đầu mùa khô, các tỉnh, thành ở khu vực này đã chủ động nhiều biện pháp để phòng chống và dần chuyển đổi sang các mô hình canh tác thích nghi với biến đổi khí hậu.
Chủ động phòng chống hạn, mặn từ đầu mùa khô
Để chủ động ứng phó và phòng chống hạn, mặn, thời gian qua, các địa phương ở Đồng bằng song Cửu Long đã thực hiện nhiều giải pháp như: khảo sát, lựa chọn đầu tư công trình đập ngăn mặn, trữ ngọt; kiểm tra các công trình hệ thống thủy lợi; đo, quan trắc tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính; cập nhật và theo dõi diễn biến tình hình xâm nhập mặn, kịp thời chuyển thông tin phòng, chống hạn, mặn đến các cơ quan chức năng, người dân nắm bắt để có biện pháp phòng chống…
Ở tỉnh Kiên Giang, thời điểm này Chi cục Thủy lợi đã đóng các cống ở huyện Hòn Đất, Kiên Lương để giữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng tích cực giữ nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời, các công ty cấp nước sửa chữa, nâng hệ thống cấp nước, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các vùng hạn, xâm nhập mặn.
Ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đang triển khai thực hiện các công trình thủy lợi cấp thiết để chống hạn, mặn như: nạo vét các tuyến kênh chính, kênh nội đồng, đầu tư trạm bơm tưới ở các vùng cây ăn trái, xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi hợp lý…
Trong tháng 4, Cần Thơ cũng đã khánh thành Trạm cấp nước tập trung tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, nằm trong khu vực nông trường Sông Hậu. Bước đầu, trạm này cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn của Bộ Y tế cho 2.800 hộ dân thuộc huyện Cờ Đỏ và sẽ mở rộng ra 4.000 hộ trong thời gian tới.
Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, công trình Hệ thống cấp nước sạch tập trung xã Thới Hưng có ý nghĩa quan trọng không chỉ với địa phương mà còn với cả thành phố trong việc cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn nước sạch đô thị phục vụ người dân trong điều kiện hạn hán, biến đổi khí hậu thiếu nước sạch sử dụng.
Tại tỉnh Bạc Liêu, để giữ thế chủ động trong công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2017, tỉnh này đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các sở, ban ngành chức năng nghiêm túc thực hiện.
Đối với vùng ngọt, địa phương đã tiến hành đắp hơn 40 đập tạm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai để ngăn mặn, giữ ngọt cho diện tích lúa Đông Xuân, lúa – tôm; Tập trung phát động phong trào làm thủy lợi – thủy nông nội đồng mùa khô; Khuyến cáo nhà nông chủ động dẫn nước, dự trữ vào ao hồ, đầu tư máy, thiết bị bơm nước phục vụ tưới tiêu.
Đối với vùng chuyên tôm, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nạo vét kênh thủy lợi – thủy nông nội đồng bị bồi lắng, khai thông dòng chảy, nhằm đảm bảo dẫn nguồn nước thông suốt từ các cửa biển, cửa sông đến kênh rạch, ao đầm nuôi trồng thủy sản.
Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, về giải pháp lâu dài, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực phù hợp với thị trường. Khai thác các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển sản xuất; tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác để liên kết hộ, liên kết chuỗi sản xuất với doanh nghiệp. Đồng thời, gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Trong đợt hạn, mặn của năm 2016, Bến Tre là một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nhất, ước tổng giá trị bị thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng (tương đương với tổng thu ngân sách một năm của tỉnh). Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng bất thường và khó sự đoán, nền sản xuất nông nghiệp của Bến Tre càng dễ bị tổn thương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Phước cho biết, nhằm hạn chế và khắc phục các khó khăn, Bến Tre đã và đang đẩy mạnh một số biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu: từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với tình hình, hướng dẫn người dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi chịu mặn.
Thường xuyên theo dõi, quan trắc tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính trong tỉnh và trong nội đồng để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống, ứng phó hiệu quả. Tăng cường vận động nhân dân trang bị các dụng cụ trữ nước ngọt, đủ cho sinh hoạt trong gia đình vào mùa khô, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo,…
Trữ nước để ứng phó với biến đổi khí hậu
Theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu Cần Thơ, ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn, mặn và lũ lụt sẽ thay phiên nhau và những trường hợp gây ảnh hưởng đến người dân đó là vào các năm cực đoan. Hạn, mặn của năm 2016 đã cho chúng ta một hồi chuông cảnh báo mà dựa vào đó chúng ta nên có những ứng phó phù hợp.
“Không thể dự báo trước rằng các năm tới tình hình sẽ khả quan hay tồi tệ hơn năm 2016 nên vấn đề là chúng ta phải chủ động để ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đó là điều quan trọng nhất”, ông Vinh nói.
Một trong những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng song Cửu Long, theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, đó là cần phải tiến hành trữ nước. Trước hết, cần phải khôi phục lại vùng đất ngập nước ở vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười.
Song song đó, chính quyền cần cố gắng vận động người dân mở thêm các vùng trữ nước phân tán trong gia đình, làng xã để khi cần nước có thể sử dụng ngay và hình thức trữ nước phân tán sẽ không tốn nhiều diện tích. Theo ông Vinh, hiện nay chúng ta không có đất để làm các vùng trữ nước tập trung nên việc trữ nước phân tán là rất cần.
Một việc quan trọng khác là cần nghiên cứu để trữ nước xuống tầng nước ngầm vì hiện nay nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long đã cạn kiệt. Nếu không hành động kịp thời thì ngoài thiếu nước, việc sụt lún đất đồng bằng cũng sẽ diễn ra nhanh hơn.
Việc trữ nước ngầm trở lại lòng đất là một phương án để khi xảy ra hạn hán nặng nề như năm 2016 thì vẫn có nguồn nước sử dụng tạm thời. Ý đồ chiến lược hơn là có thể nâng được độ cao của mặt đất trở lại. Theo một nghiên cứu ở Nhật, khi tầng nước ngầm được hồi phục thì mặt đất cũng sẽ hồi phục từ từ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho rằng, việc phục hồi nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức bằng cách những năm lũ lớn thì bơm nước ngầm xuống dưới đất cho dù hơi phức tạp về kỹ thuật và tốn kém chi phí, nhưng là việc phải làm. Trước tiên thực hiện ở vùng Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang rồi sau đó mới mở ra toàn vùng, chứ không nên làm ồ ạt theo phong trào vì không đủ nguồn lực đầu tư.