BVR&MT – Một nghiên cứu mới được Đại học Arizona công bố trên Tạp chí Nature Communications khẳng định mất sinh cảnh, nạn săn bắn, khai thác gỗ và biến đổi khí hậu khiến nhiều loài động thực vật lớn bậc nhất thế giới có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn, và sự mất mát của chúng sẽ làm suy giảm sự sống trên trái đất.
Nghiên cứu dựa vào các mô phỏng trên máy tính so sánh trạng thái của thế giới tự nhiên trong thế Cánh Tân, thế giới ngày nay và thế giới tương lai khi các loài động thực vật lớn đã tuyệt chủng.
Kết quả cho thấy chỉ tính riêng tình trạng mất mát các loài động vật lớn cũng sẽ dẫn đến giảm 44% tổng lượng sinh khối động vật hoang dã trên hành tinh, đồng thời làm giảm 92% độ phì nhiêu của đất – thứ làm tăng khả năng của trái đất để nuôi cây trồng và duy trì sự sống.
Brian Enquist, Giáo sư sinh thái học và sinh học tiến hóa thuộc Đại học Arizona đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy có những nguyên tắc khoa học cơ bản giải thích tại sao động vật lớn và cây cổ thụ quan trọng đối với sức khỏe và tính toàn vẹn của mọi sự sống trên trái đất. Bảo vệ các loài lớn và quan trọng có tác dụng bao trùm để bảo vệ hệ sinh thái rộng lớn hơn”.
Lý do quan trọng cho những kết quả này nằm ở việc vận chuyển các chất dinh dưỡng. Khi động vật lớn ăn ở một địa điểm rồi đại tiện hoặc tiểu tiện ở nơi khác, chúng vận chuyển chất dinh dưỡng từ các khu vực giàu dinh dưỡng sang các khu vực khác ít màu mỡ hơn trên đất liền và ở các đại dương. Tương tự, những cây lớn nhất có năng suất cao nhất, chứa và xáo trộn nhiều chất dinh dưỡng và carbon hơn.
“Các hệ sinh thái có nhiều cây và động vật lớn hơn cũng thường có năng suất cao hơn và cung cấp các dịch vụ sinh thái quan trọng hơn. Tôi sử dụng phép loại suy như sau: Các ngân hàng và tập đoàn lớn nhất có năng suất cao nhất và tác động lớn nhất đến nền kinh tế, vì vậy khi những ngân hàng lớn đó khốn đốn trong cuộc đại suy trầm kinh tế năm 2009, chúng ta đã phải thúc đẩy những định chế này về mặt kinh tế, nếu không sẽ có tác động tiêu cực bất tương xứng đến nền kinh tế. Nguyên tắc với các loài thực vật và động vật lớn trên khắp các hệ sinh thái cũng tương tự”, Enquist giải thích.
Thật không may, những sinh vật hữu tơ to lớn này dễ bị tổn thương trước áp lực từ con người và biến đổi khí hậu, đồng thời cần nhiều thời gian hơn để phục hồi sau những cú sốc, vì thế, chúng dễ bị tuyệt chủng hơn.
“Suốt hàng trăm triệu năm, trái đất là một hành tinh của những loài khổng lồ. Vài nghìn năm qua, những động thực vật to lớn này đã bị biến mất và quá trình này vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy vì sao những loài to lớn đó biến mất ảnh hưởng đến chính kết cấu của sự sống trên trái đất và tại sao chúng ta phải làm mọi cách có thể để bảo vệ và phục hồi chúng”, theo Yadvinder Malhi, Trưởng nhóm hệ sinh thái thuộc Viện Nghiên cứu biến đổi môi trường thuộc Đại học Oxford.
Các phát hiện của nghiên cứu là câu trả lời cho một cuộc tranh luận đang diễn ra về nơi nên rót nguồn lực bảo tồn hạn chế vào. Trong khi các loài có sức lôi cuốn như hổ hoặc hồng mộc xưa nay vẫn mang tính hấp dẫn nhất và do đó thu hút tài trợ rất hiệu quả thì một số nhà khoa học lo ngại rằng tập trung vào một tập hợp động, thực vật nhất định có thể phải trả giá bằng việc những loài khác kém thu hút hơn sẽ không được ai chú ý bảo vệ.
“Những phát hiện của chúng tôi chỉ ra tầm quan trọng của các chính sách nhấn mạnh vào việc tích cực ủng hộ các loài động thực vật lớn vì các chính sách như thế sẽ có tác động bất tương xứng hơn tới đa dạng sinh học, quá trình hệ sinh thái và giảm thiểu khí hậu. Chúng ta có thể sử dụng mô hình này để tập trung vào các mối quan tâm bảo tồn của mình. Ví dụ, chúng ta xác định khu rừng vẫn còn một số loài cây lớn nhất trên hành tinh hoặc các khu rừng có cấu trúc kích thước khỏe mạnh để ưu tiên bảo tồn vì chúng có năng suất và khả năng phục hồi cao hơn”, Enquist nói.
Nhật Anh (Theo Nature)