BVR&MT – Các nhà nghiên cứu cảnh báo, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang trên đà xóa sổ một nửa số bãi biển của thế giới trước năm 2100.
Ngay cả khi loài người giảm mạnh phát thải nhiên liệu hóa thạch thì hơn 1/3 bờ biển cát của hành tinh vẫn có thể biến mất, làm tê liệt du lịch ven biển ở các nước lớn và nhỏ, theo báo cáo trên tạp chí Nature Climate Change.
“Ngoài du lịch, các bãi cát thường đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên khỏi bão và lũ lụt, nếu không có chúng, tác động của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ lớn hơn”, ông Michalis Vousdoukas, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.
Mất bờ biển sẽ gây nguy hiểm cho động vật hoang dã và làm mất vùng đệm bảo vệ các khu định cư ven biển khỏi mực nước dâng cao.
Theo nghiên cứu này, Australia có thể bị ảnh hưởng nặng nhất với gần 15.000 km đường bờ biển cát trắng sẽ bị cuốn trôi trong vòng 80 năm tới, tiếp theo là Canada, Chile và Hoa Kỳ, Mexico, Trung Quốc, Nga, Argentina, Ấn Độ và Brazil.
Các bãi biển cát chiếm hơn 1/3 bờ biển toàn cầu và thường là các khu vực đông dân cư. Nhưng việc xây dựng mới, nước biển dâng, lũ quét hay giảm trầm tích từ các con sông bị đập thủy điện ngăn cản dòng chảy đều làm xói mòn các bờ biển này, đe dọa sinh kế của người dân và cơ sở hạ tầng.
Để đánh giá tốc độ biến mất và bao nhiêu bãi biển có thể biến mất, Vousdoukas và các đồng nghiệp đã vẽ các đường xu hướng trong các hình ảnh vệ tinh kể từ năm 1984. Họ dự báo xói mòn đường bờ biển theo 2 kịch bản phát thải khí nhà kính của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC): RCP8.5 và RCP4.5.
Kịch bản RCP8.5 giả định trường hợp xấu nhất là khi lượng khí thải carbon sẽ tiếp tục không suy giảm hoặc chính Trái đất sẽ bắt đầu tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, ví dụ từ tầng đất đóng băng vĩnh cửu, độc lập với hành động của con người. Theo kịch bản này, thế giới sẽ mất 49,5% bãi biển cát trước năm 2100, tương ứng với gần 132.000 km bờ biển. Thậm chí ngay giữa thế kỷ, vào năm 2050, 40.000 km bờ biển sẽ biến mất.
Kịch bản ít nghiêm trọng hơn, RCP4.5, giả định sự nóng lên toàn cầu dừng ở mức khoảng 3 độ C, thế giới vẫn mất tổng cộng 95.000 km bờ biển cát trước năm 2100, nhưng hầu hết trong số 95.000 km này sẽ biến mất ngay trong vòng 30 năm tới. RCP4.5, tuy còn cách xa mục tiêu “2 độ C” trong thỏa thuận Paris 2015, nhưng đã là một kịch bản lạc quan về hành động quốc tế chống lại biến đổi khí hậu.