BVR&MT – Do ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino (En Ni-nô), nhiều địa phương đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Ðáng lo ngại, hiện tổng lưu lượng dòng chảy trên các sông; tổng dung tích các hồ chứa lớn trên cả nước đều giảm so với hằng năm, đã ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống người dân.
Phó Tổng cục trưởng Khí tượng – Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Ðức Cường cho biết: Tại khu vực Bắc Bộ từ tháng 11-2019 đến tháng 1-2020, tổng lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 20 đến 50% so với trung bình nhiều năm (TBNN). Hiện nay, tổng dung tích các hồ chứa lớn trên sông Hồng nhỏ hơn năm 2019 và xấp xỉ dưới mức nước theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, lưu lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 40 đến 80%; dung tích các hồ chứa thủy điện vừa và lớn khu vực Bắc Trung Bộ thiếu hụt từ 17 đến 25% so với dung tích thiết kế. Ðối với khu vực Nam Bộ, trong tháng 1-2020, mực nước các trạm trên dòng chính Mê Công biến đổi chậm và thấp hơn TBNN từ 0,2 đến 0,7 m, lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mê Công (trạm Kratie – Cam-pu-chia) về đầu nguồn Cửu Long ở mức thấp hơn TBNN khoảng 18 đến 20% và ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm 2016. Ðáng lo ngại, trong tháng 1-2020, tình trạng xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông Cửu Long từ 45 đến 60 km; trên sông Vàm Cỏ từ 74 đến 77 km, ở mức xấp xỉ và cao hơn cùng kỳ năm 2016.
Dự báo nguồn nước từ tháng 2 đến tháng 7-2020 cho thấy: tại khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với TBNN, thiếu hụt nhiều vào các tháng từ tháng 2 đến tháng 4-2020, nhất là trên lưu vực sông Ðà. Từ tháng 3 đến tháng 5, tình trạng khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi khả năng xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Từ tháng 6 đến tháng 8-2020, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ tương đương mùa khô năm 2019. Khu vực Nam Bộ, dòng chảy trên sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2 và tháng 3-2020 ở mức thiếu hụt so với TBNN và so với năm 2016 khoảng từ 5 đến 20%. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung trong tháng 2; các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3 và tháng 4, sau đó xâm nhập mặn có xu thế giảm dần…
Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Ðiều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tống Ngọc Thanh cho biết: Theo các dữ liệu và cảnh báo của Ủy hội sông Mê Công (MRC) thì các khu vực ở hạ lưu sông Mê Công sẽ đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 do lượng mưa thấp trong mùa mưa và lượng bốc hơi lớn do nhiệt độ cao bất thường (ảnh hưởng bởi El Nino). Ðồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ phải đối mặt với một đợt khô hạn và xâm nhập mặn cực đoan tương tự như đã xảy ra năm 2016. Ðối với tài nguyên nước dưới đất, không chỉ tồn tại những nguy cơ về suy giảm mực nước, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất, ở một số khu vực đang đối diện với nguy cơ sụt, lún, hạ thấp bề mặt địa hình…
Ðể chủ động ứng phó tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các địa phương, các chủ hồ để đôn đốc, bàn bạc phương án vận hành, điều chỉnh giảm lưu lượng xả trong các tháng mùa cạn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc cắt giảm diện tích sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước. Vì vậy, dù lưu lượng đến các hồ chứa rất nhỏ, nhưng hiện nay, mực nước vẫn được duy trì, tùy từng hồ để có thể có đủ nguồn nước cân đối cho mùa cạn. Ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ các nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 1 của đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”. Triển khai xây dựng, bàn giao các hệ thống khai dẫn để cung cấp nguồn nước phục vụ dân sinh ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án nhằm đối phó tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng đề án điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên nước các lưu vực sông chính trên toàn quốc.
Về lâu dài, các chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tài nguyên nước, chia sẻ nguồn nước; nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo; tăng cường quản lý toàn diện về tài nguyên nước; đẩy mạnh xã hội hóa và kinh tế hóa ngành tài nguyên nước; và thực hiện định kỳ việc kiểm kê tài nguyên nước, kiểm kê hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục chủ động ứng phó tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian tới, cần có đánh giá chi tiết hiện trạng các nguồn nước để đưa ra giải pháp ứng phó chủ động, kịp thời…