BVR&MT – Thanh Sơn (Phú Thọ) là huyện miền núi có 32 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, người Mường chiếm gần 60% dân số. Trong những năm qua công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn luôn được quan tâm, chú trọng và phát huy.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 di tích lịch sử, trong đó có 1 di tích lịch sử cấp Quốc gia (đình Thạch Khoán) và 10 di tích cấp tỉnh, nằm trong hệ thống các di tích thờ Đức Thánh Tản Viên, hàng năm đều tổ chức lễ hội truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân trong huyện và các vùng lân cận tham gia.
Ngoài các di tích lịch sử văn hóa, Thanh Sơn còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với những thắng cảnh được thiên nhiên ban tặng, hòa quyện với nét đẹp văn hoá của đồng bào Mường tạo nên khung cảnh hùng vĩ, đẹp mắt. Đó là những đồi chè xanh ngút ngát; là hệ thống cọn nước (xã Khả Cửu), thác nước (thác Mây – xã Hương Cần, thác Chòi – xã Cự Thắng, thác Đá Mài – xã Thắng Sơn, thác Nghĩa- xã Thượng Cửu),… cùng các loại hình văn nghệ dân gian (Nghi lễ mừng cơm mới, mở cửa rừng, hát ví, hát rang, cồng chiêng, đâm đuống, văn hoá nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường…), văn hóa ẩm thực (cỗ lá, xôi ngũ sắc, rượu hoãng, cơm lam…) và một số sản vật của địa phương như: Chuối phấn vàng, thịt chua Thanh Sơn… Đây là điều kiện thuận lợi để huyện khai thác, phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá.
Với mục đích bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Mường, huyện đã xây dựng Đề án kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025 gắn với phát triển du lịch. Đến nay, toàn huyện có 95 CLB văn hóa dân tộc Mường, 300 chiếc chiêng, gần 100 nhà sàn truyền thống và nhiều đồ dùng lao động, sản xuất, sinh hoạt được bảo tồn trong các gia đình đồng bào dân tộc Mường. Huyện cũng đã phục dựng thành công nhiều di sản thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; thực hiện phục chế hiện vật là công cụ, dụng cụ lao động sản xuất, nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mường…
Đặc biệt, huyện đang tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Khả Cửu gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Việc làm này không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào các dân tộc vùng núi Thanh Sơn, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của huyện ngày càng phát triển. Sau nửa năm triển khai, bước đầu đã thu hút trên 3.000 khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc Mường.
Tin tưởng rằng, việc duy trì bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường sẽ là một trong những hình thức để thu hút khách tham quan, phục vụ hoạt động du lịch trong tương lai không xa, góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch trên địa bàn.