BVR&MT – Tuần này, đại diện từ hơn 190 quốc gia sẽ tới Rome để thảo luận về cách ngăn chặn cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học trong thập kỷ này và tương lai xa hơn.
Từ năm 2010, các mục tiêu bảo tồn loài đã định hình chính sách và thúc đẩy các nỗ lực để ngăn chặn tình trạng mất mát loài trên toàn thế giới như một phần của Công ước về Đa dạng sinh học (CBD). Tuy nhiên, không có mục tiêu tương tự nào hướng tới hệ sinh thái dù rất nhiều bằng chứng cho thấy sức khỏe và chức năng của các hệ sinh thái rất cần thiết cho các quá trình duy trì sự sống.
Các mục tiêu cụ thể, đo đếm được, có thể đạt được, liên quan và kịp thời (SMART) là trọng tâm để lập kế hoạch dự án và đã được chứng minh là có hiệu quả trong những chính sách giải quyết các vấn đề toàn cầu. Ví dụ, trong những năm 1980, một nhóm 20 quốc gia đồng ý đặt ra các giới hạn khác nhau trong việc sản xuất và tiêu thụ chlorofluorocarbons – CFC (hợp chất hữu cơ bao gồm các nguyên tố như Clo, Cacbon hay Flo, là hỗn hợp được con người sử dụng nhiều nhất, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp và làm lạnh), và chính điều này đóng vai trò loại bỏ từng bước các chất này theo Nghị định thư Montreal (có hiệu lực vào năm 1989).
Bây giờ có thể thiết lập mục tiêu SMART cho các hệ sinh thái cũng như số liệu để theo dõi tiến trình đáp ứng mục tiêu đó. Khi lên phương án và đánh giá hệ sinh thái, các quốc gia không còn bị giới hạn do thiếu kiến thức hoặc phương pháp nữa. Hơn nữa, nước nào cũng có thể sử dụng một cách tiếp cận đã được chứng minh và tiêu chuẩn hóa để đánh giá rủi ro hệ sinh thái, đó là Sách Đỏ về các hệ sinh thái, được IUCN thông qua năm 2014.
Chúng tôi kêu gọi các bên tham dự hội nghị tuần này đưa mục tiêu dựa trên hệ sinh thái vào cùng các mục tiêu dựa trên loài trong những cuộc thảo luận. Các nước có cơ hội đảm bảo rằng tất cả các hệ sinh thái nguyên sơ còn lại của thế giới được giữ gìn vào năm 2030, diện tích và tính toàn vẹn của hệ sinh thái tăng lên vào năm 2050, và phục hồi lại tất cả những gì nằm dưới mức suy thoái được định nghĩa bởi Sách Đỏ IUCN.
Phê chuẩn một mục tiêu quốc tế sẽ buộc các chính phủ phải hành động. Đây là cách duy nhất để chặn đà suy giảm của các hệ sinh thái.
Mục tiêu loài và các hệ sinh thái
Cách đây 10 năm, 193 quốc gia thành viên CBD đồng ý hợp tác ngăn chặn sự tuyệt chủng và cải thiện tình trạng bảo tồn các loài bị đe dọa vào năm 2020 bằng cách phê chuẩn Mục tiêu 12 của Kế hoạch chiến lược cho đa dạng sinh học giai đoạn 2011-2020.
Các hành động được thực hiện vì mục tiêu này và các mục tiêu CBD trước đó đã làm giảm nguy cơ tuyệt chủng cho nhiều loài, mặc dù rất khó chứng minh các mối liên quan trực tiếp. Ví dụ, những nỗ lực bảo tồn trong 30 năm qua đã giúp giảm ít nhất 40% tỷ lệ tuyệt chủng của các loài chim nguy cấp. Các quần thể trước đây nguy cấp thì nay đang phát triển, bao gồm chích chòe đất (Copsychus sechellarum) và vẹt chàm (Anodorhynchus leari).
Thập kỷ vừa qua, các quốc gia đã xác định và bảo vệ các khu vực ở biển, trên đất liền và vùng nước ngọt có tầm quan trọng quốc tế đối với bảo tồn các loài sắp nguy cấp. Hơn 16.000 “khu vực đa dạng sinh học quan trọng” hiện được xác định trên toàn thế giới. Các báo cáo chính phủ trình lên CBD chỉ ra rằng các khu vực như vậy đang ngày càng được bảo vệ. Một ví dụ là Khu bảo tồn thiên nhiên Itombwe ở Cộng hòa Dân chủ Congo được chính thức thành lập vào năm 2016 để bảo tồn một số loài quý hiếm, trong đó có ếch Itombwe bí ẩn (Phrynobatrachus sp.).
Các hoạt động bảo tồn tập trung vào loài như vậy tuy rất quan trọng nhưng không đủ để duy trì đa dạng sinh học và lợi ích của thiên nhiên đối với nhân loại.
Các hệ sinh thái, từ rừng nhiệt đới và đất ngập nước đến các rạn san hô và rừng ngập mặn không đơn thuần là tổng số động thực vật sống trong đó. Các tương tác phức tạp giữa các hệ thống sinh học và vật lý thúc đẩy các quá trình duy trì sự sống: tạo ra nước sạch, điều tiết chất lượng không khí và khí hậu thông qua cô lập và lưu trữ carbon, hình thành đất màu, thụ phấn và sản xuất ra thực phẩm và gỗ cho nhà ở.
Một nghiên cứu công bốn năm 2019 nêu rõ các hệ thống tự nhiên là cốt lõi để ứng phó với tác động từ biến đổi khí hậu. Người ta ước tính từ năm 2000 đến 2013, tác động về mức độ carbon từ mất rừng nhiệt đới nguyên sinh (bao gồm các tác động gián tiếp như giảm đa dạng sinh học và tăng khai thác gỗ có chọn lọc) có thể gấp 6 lần trù định ban đầu.
Nhờ những tiến bộ đáng kể trong việc lập bản đồ và giám sát, giờ đây giới khoa học có thể chẩn đoán các tính năng xác định hệ sinh thái cũng như các quy trình đe dọa chúng. Chẳng hạn như công nghệ vệ tinh có thể “phơi bày” sự sụp đổ của các bãi triều. Hình ảnh từ bản đồ vệ tinh cho thấy các dự án phát triển ven biển và mực nước biển dâng đã phá hủy 16% các hệ sinh thái bãi triều trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến 2016. Điều này đã làm giảm khả năng chống bão và cung cấp lương thực cho hàng tỷ người. Tương tự, viễn thám cũng giám sát rừng nhiệt đới, lớp băng bao phủ, các rạn san hô và rừng ngập mặn, theo đó, ít nhất 12% rừng ngập mặn của thế giới bị mất từ năm 1996 đến năm 2010 do các hoạt động của con người.
Điểm mấu chốt của những nỗ lực này là sự phát triển Sách đỏ các hệ sinh thái, một bộ tiêu chí để xác định các hệ sinh thái có nguy cơ tan vỡ cao nhất. Bộ tiêu chí này đưa ra cách xác định và lập bản đồ các hệ sinh thái, cho phép đánh giá rủi ro mang tính hệ thống bằng cách sử dụng một loạt các chỉ số về quy mô và sự xuống cấp.
Cho đến nay, các tiêu chí Sách đỏ đã được sử dụng để đánh giá hơn 2.800 hệ sinh thái ở 100 quốc gia trên tất cả các châu lục; 45% trong số này được phát hiện có nguy cơ tan vỡ. Những nỗ lực này có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu hướng tới mục tiêu quốc tế bảo tồn các hệ sinh thái.
Bảo tồn cấp độ hệ sinh thái đã ảnh hưởng đến các quyết định về sử dụng và quản lý tài nguyên của các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các ngành công nghiệp. Ví dụ, đánh giá năm 2017 về hệ sinh thái ở Colombia (gồm rừng mưa nhiệt đới Amazon, rừng khô nhiệt đới, rừng nhiệt đới trên dãy núi Andes, thảo nguyên) cho thấy gần một nửa (44%) được xếp hạng “nguy cấp” hoặc “cực kỳ nguy cấp” như định nghĩa trong Sách đỏ. Đây là hệ quả của các hoạt động can thiệp như phá rừng để trồng ca cao bất hợp pháp, chăn thả gia súc và khai khoáng. Phát hiện này khiến chính phủ Colombia tập trung vào những vùng là khu bảo tồn và cân nhắc khôi phục các hệ sinh thái cực kỳ nguy cấp.
Ở Nam Phi và Úc, các doanh nghiệp muốn động chạm đến các hệ sinh thái được xếp hạng nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp thì trước tiên phải đánh giá tác động môi trường đầy đủ cho dự án được đề xuất. Tương tự, tại Phần Lan cũng có hệ thống đánh giá hệ sinh thái đầu tiên do chính phủ khởi xướng, hoàn thành vào năm 2008, giúp rừng được tăng cường bảo vệ theo Đạo luật Bảo vệ Môi trường và Đạo luật Rừng.
Ở Trung Quốc, đánh giá về đà suy giảm nhanh chóng các hệ sinh thái bãi triều đã thúc đẩy những nỗ lực để hiểu rõ hơn, quản lý và bảo vệ chúng. Các bãi triều quanh Hoàng Hải ở Đông Á hỗ trợ cho ba triệu con chim biển di cư và giữ ổn định bờ biển, đồng thời chống bão và cung cấp thực phẩm cho hơn 150 triệu người. Tháng 7/2019, UNESCO đưa hai trong số các điểm di cư quan trọng này vào Danh sách Di sản Thế giới sau khi được xếp hạng là có nguy cấp theo tiêu chí của IUCN.
Hành động và trách nhiệm giải trình
Rất khó để đánh giá chính xác tiến trình hướng tới các mục tiêu bảo tồn ở cấp độ loài – đây cũng là một hạn chế lớn đối với tính hiệu quả của các mục tiêu này. Việc giám sát các loài có nguy cơ thường không thường xuyên và số lượng loài cũng dao động một cách tự nhiên theo từng năm. Những loài như vậy có xu hướng khó nắm bắt. Do đó, ở cấp độ hệ sinh thái, mục tiêu SMART nên theo dõi thường xuyên các hệ sinh thái bằng cách sử dụng viễn thám và mô hình hóa. Kết quả đạt được là báo cáo minh bạch hơn về tình trạng của các hệ sinh thái trái đất, nâng cao nhận thức cộng đồng về quỹ đạo hiện thời và hậu quả của sự suy giảm các hệ sinh thái.
Bất kỳ mục tiêu hệ sinh thái nào cũng nên đặt ra các giới hạn suy thoái đánh dấu sự mất mát không thể đảo ngược của các quá trình chính yếu. Mỗi mục tiêu cũng cần nêu bật tầm quan trọng của việc bảo tồn các hệ sinh thái lành mạnh hơn là khôi phục các hệ thống đã suy thoái. Việc khôi phục như vậy đặt ra thách thức cả về mặt công nghệ cũng như kinh tế, và cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy có thể khôi phục hoàn toàn một hệ sinh thái. Tuy nhiên, phục hồi có vai trò quan trọng trong việc tránh sự tuyệt chủng của loài và giảm thiểu biến đổi khí hậu, và nên là một phần của mục tiêu hệ sinh thái.
Hội nghị tại Rome là cuộc họp thứ hai trong ba cuộc họp để đàm phán nhiều mục tiêu đa dạng sinh học mới, sẽ thay thế những mục tiêu được chấp thuận từ năm 2010. Kế hoạch chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học năm 2030 này sẽ được các bên ký kết chính thức đưa lên cho CBD vào tháng 10 tới.
Năm nay đánh dấu việc thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris và Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc bắt đầu vào năm 2021. Việc khởi động kế hoạch chiến lược năm 2030 vào tháng 10 là cơ hội chưa từng có – có lẽ là cuối cùng – để nhân loại cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề. Trong khi một mục tiêu loài buộc các quốc gia báo cáo về tiến trình chỉ liên quan đến đa dạng sinh học, một mục tiêu hệ sinh thái đòi hỏi báo cáo đồng thời về chiến thắng trên ba mặt trận: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và bền vững (cụ thể là về các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc cho phát triển và thịnh vượng của con người).
Các nhà lãnh đạo thế giới phải chịu trách nhiệm giải trình cho hiện trạng và tương lai của hệ sinh thái tại chính quốc gia của họ.
Nhật Anh (Theo Nature)